Cua đồng mùa mưa
Ở quê tôi những ngày mưa, cua từ các hang hốc quanh mương bị ngộp, hay bò cả lên bờ. Người rành chỉ cần nhìn lỗ hang đã biết hang đó cũ hay mới, có còn cua trong ấy hay không.
Ở quê tôi những ngày mưa thế này, cua từ các hang hốc quanh mương bị ngộp, hay bò cả lên bờ. Người rành chỉ cần nhìn lỗ hang đã biết hang đó cũ hay mới, có còn cua trong ấy hay không. Nếu không phải người chuyên mò bắt thì vẫn có thể đặt lờ để bẫy cua. Chiếc lờ được đan bằng nan tre, đầu lờ gắn cái hom để cua tham mồi vào ăn mà không thoát ra được. Cũng lạ, dường như cua thích món gì trắng trắng, nên cứ để cùi dừa hoặc khoai mì trong ấy là chúng chui ngay vào lờ.
Thời đó, cua cũng không bán ký như bây giờ. Người ta bán theo chục 12 hoặc 16, xỏ cua thành từng xâu bằng dây chuối, dây lác. Người miền Tây nơi quê tôi thường nấu món canh chua cua đồng, để nguyên con khi ăn lấy ra gặm gạp. Còn những người Bắc di cư như gia đình chúng tôi thì chỉ nấu riêu cua. Tôi sợ bị cua kẹp nên không bao giờ rờ tới con cua lúc nó còn sống, nhưng lại thích được chòi gạch và giã cua.
Bà tôi thường cho lũ cua vào chiếc nồi gang, thêm chừng nửa nồi nước rồi đậy vung, xóc thật kỹ để sạch sình đất bám quanh vỏ cua. Phải làm vài lần như thế, đến khi nước trong thì những chú cua cũng đã ngất ngư, chỉ cần lấy ra xé đôi, không lo đến những đôi càng đầy dọa dẫm của chúng nữa. Loại cua vỏ vàng ngon hơn cua vỏ nâu ngả tím. Có người thích chọn cua đực vì nhiều thịt, nhưng cũng có người thích cua cái, vốn nhiều gạch và béo. Cua xé xong gỡ bỏ miệng và yếm, để riêng mai và thân vào 2 rổ cho róc hết nước. Cua phải khô thì lúc giã mới không bị bắn.
Ngồi tỉ mẩn chòi gạch cua cũng là một cái thú. Phải thật khéo, dùng tăm khều để gạch còn nguyên túi, không bị vỡ. Những túi gạch màu vàng, thỉnh thoảng lẫn cả phần trứng cua nâu li ti trông thật hấp dẫn. Xào với chút xíu dầu, gạch sẽ tươm ra vàng ươm giúp chén riêu cua hấp dẫn hơn. Giã cua là một việc cực nhọc, mỏi rã cả tay mới được một cối cua. Nhưng cua phải giã mới ngon mới dẻo, vì lúc đó sớ thịt không bị cắt đứt như khi xay, riêu nấu sẽ chắc hơn. Khi giã cho thêm chút muối cũng giúp cua đỡ bắn. “Sản phẩm” sau khi giã không đẹp mắt lắm, là một hỗn hợp dẻo quánh, đặc sệt và màu xám đen như bùn. Nhưng khi lọc xong nấu lên, cua sẽ đóng thành dề như những đám vân mây. Bà tôi thường chừa lại cho tôi những chiếc càng to không giã, cho vào nồi cùng lúc với rau. Chiếc càng cua nấu lên đỏ au, khi cắn giập bên trong vẫn còn đọng chút nước cua, ngọt lừ.
Riêu cua là món ăn nhà nghèo ở quê. Nó rẻ tiền, lại có thể kết hợp với nhiều loại rau lá, dễ đổi món cho đỡ ngán. Sống ở quê, cái sẵn nhất là rau. Thích rau muống thì ra cái mương trước nhà dùng liềm cắt xoẹt một bó, thế là có bát canh cua rau muống xanh biếc. Nếu thích ăn kèm cà muối chua thì rau đay rau dền ngoài vườn hay đám mồng tơi leo trên bờ dậu lại hợp hơn. Cũng có khi nhà tôi chỉ nấu riêu cua với vài quả cà chua, ăn kèm rau sống xà lách, rau muống chẻ. Những hôm cả nhà đông đủ, bà tôi thường nấu bún đa cua. Món này hơi lích kích, ngoài nấu riêu còn phải trụng bánh đa, luộc ít rau nhút, rau muống và cả rau cần nước. Nhưng những hôm nấu món này, cả nhà vui như hội và chiếc nồi 2 to đùng nhanh chóng cạn veo trong tiếng nói chuyện rôm rả và tiếng mưa rơi tí tách trên mái lá.
Hạnh phúc lúc ấy chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng những lúc hiếm hoi ngồi tự làm cua như hôm nay, tôi lại nhớ đến thắt lòng cảnh nhà nghèo mà đông vui những ngày xưa cũ.
(Nguồn: monngonvietnam)

Tips du lịch Hàn Quốc mùa hè: Hành trang lý tưởng cho hành trình 5-6 ngày thỏa sức vui chơi
Khám phá Tips du lịch Hàn Quốc mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7: thời tiết, trang phục, văn hóa, tiền t ...
Du lịch chậm, trải nghiệm cao cấp - Hành trình tìm về giá trị đích thực tại các nước Đông Nam Á
Khám phá du lịch chậm qua tàu hỏa cao cấp Đông Nam Á, từ Singapore, Malaysia đến Bangkok, với trải n ...
Tổng hợp quán ăn ngon ở Tây Ninh
Tổng hợp quán ăn ngon ở Tây Ninh: từ ăn sáng, trưa, vặt đến tối. Gợi ý địa chỉ bánh canh, bò tơ, lẩu ...