NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT THÚ VỊ GIỮA BÚN Ở BA MIỀN

Nếu đã từng có dịp đi qua 3 miền đất nước và thưởng thức các món bún ở những nơi này, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy những sự khác biệt rất thú vị.

  24/09/2012 13:45
 

Sự pha trộn khéo léo cùng với việc phong phú về nguyên liệu đã tạo nên các món bún nổi tiếng ở ba miền như bún bò, bún cá, bún chả...

Ngoài món cơm truyền thống thì có thể nói bún là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Đi từ Bắc vào Nam, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bún với cách chế biến cũng như hương vị khác nhau, thể hiện tính cách khác nhau giữa các vùng miền.

Sự tinh tế trong món bún của người Bắc

Những món bún xứ Bắc được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế, pha trộn nhiều các nguyên liệu với nhau để món ăn đẹp mắt, hấp dẫn và luôn ngon miệng.

 

Bún thang thể hiện rõ nét nhất sự tinh tế của người miền Bắc. Từ chuẩn bị cho đến nấu thành phẩm, người ta tính được có khoảng 20 nguyên liệu trong bát bún thang. Nào là rau răm, mùi tàu, trứng gà tráng, lườn gà, giò lụa... được thái mỏng hoặc xé sợi, rắc đều lên trên bát bún trắng, thêm một ít tôm khô. Gia vị ăn kèm phong phú như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu, chanh, một tí xíu mắm tôm.

 

Các loại bún khác như bún chả, bún mọc, bún đậu mắm tôm... tuy không nhiều nguyên liệu như bún thang, nhưng sự cầu kì không hề thua kém. Mỗi món ăn đều đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị một cách tỉ mỉ, từ lựa chọn nguyên liệu, nấu nước dùng cho đến các loại rau ăn kèm, tất cả phải hòa hợp với nhau để tạo nên một món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

Không thể thiếu vị cay trong món bún của người Trung

Món bún của người miền Trung đơn giản hơn nhưng cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay, nên các loại bún ở đây không thể thiếu đi vị cay được.

 

Đại diện tiêu biểu nhất chính là bún bò Huế, ai từng ăn bát bún bò đúng chất Huế sẽ không quên được cái vị cay của nó. Vị cay đó đem đến cho người ăn chính là ớt, ớt với vô vàn các loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát... Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.

 

Ngoài bún bò Huế, các tỉnh ven biển dọc miền Trung còn nổi tiếng với món bún chả cá với nước dùng trong, không quá cay như bún bò Huế nhưng vị cay lại đến từ chén nước chấm ăn kèm với chả cá. Nước chấm hơi sệt, được pha chế từ đường, nước mắm, tỏi và ớt, cùng với đó là một chén ớt xiêm xanh như thách thức người ăn thử mức độ ăn cay của mình.

Đậm đà vị mắm trong món bún của người Nam

Ngược vào miền Nam, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món bún ngon như: bún mắm, bún cá, bún nước lèo... Món bún ở đây không cầu kỳ, được tạo nên từ những nguyên liệu gần gũi trong đời sống của người dân.

 

Mắm là nguyên liệu chính trong món bún của người miền Nam. Nổi tiếng nhất là món bún mắm, nước dùng được nấu bằng mắm các loại cá trèn, cá sặc, cá lóc, cá linh... có nhiều trên các sông rạch miền Tây. Bún mắm được chế biến với tôm, thịt ba chỉ, mực. Sóc Trăng có món bún nước lèo, hương vị cũng thoang thoảng như bún mắm bởi nước dùng nấu bằng mắm bò hóc - một loại mắm đặc sản của người Khmer sinh sống ở Sóc Trăng, Trà Vinh.

Món bún của người miền Nam thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau có quen thuộc trong đời sống của người dân. Chỉ cần đi lang thang một vòng trong vườn nhà là bạn đã có nhiều loại rau tươi ngon đủ cho một bữa ăn, nào là rau đắng, điên điển, bông súng, kèo nèo, húng lủi... Hương vị đậm đà của món bún được kết hợp với nhiều loại rau mang đến cho người ăn một trải nghiệm vô cùng thú vị.

(Nguồn: Tintucdulich.com)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác
pin