Dấu ấn văn hoá Lào ở Trường Sơn - Tây Nguyên

Lào - “Đất nước triệu voi” có chung đường biên giới dài giáp nửa phía tây nước Việt. Do vị trí địa lý đặc biệt, cho nên các dân tộc vùng giáp biên của hai nước có quan hệ văn hóa gắn bó khăng khít. Dấu ấn của văn hóa dân tộc Lào mãi in đậm ở vùng Tây Bắc, tây Nghệ An và đặc biệt ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

  24/07/2007 09:12

Người Lào cũng là một trong 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dù ở Tây Bắc hay Tây Nguyên, người Lào sống hòa thuận với các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Thật thú vị khi ở Buôn Đôn, quê hương của các gru săn voi nổi tiếng, người Lào sống cộng cư với người Êđê, M'nông, Gia Rai... Dân tộc này có thể nói được ngôn ngữ của dân tộc khác. Buôn Đôn - ngôi làng nhỏ bên sông Sêrêpốc - do chính người Lào góp công khai phá và khởi phát nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đến Buôn Đôn, du khách được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc theo phong cách Lào như ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi của vua voi Khunjunôp và ngôi mộ của ông nằm giữa rừng tượng nhà mồ của người M'nông. Vào những ngày lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống càng hiện rõ, bên cạnh trang phục thiếu nữ Tây Nguyên, ta còn thấy các cô gái Lào với bộ trang phục khác biệt. Người Lào cũng là một tộc người chế tác cồng chiêng rất giỏi. Trong quá khứ xa xôi, người M'nông, Êđê, Gia Rai thường mua những bộ cồng chiêng của người Lào, đồng bào thường gọi là Ching Lao, để sử dụng. Do đó, người Lào cũng góp công cho các dân tộc Tây Nguyên cất cao âm thanh cồng chiêng, để đến một ngày chính Không gian văn hóa cồng chiêng này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa truyền khẩu của nhân loại.

Còn ở núi rừng Trường Sơn, dấu ấn văn hóa Lào cũng tương đối rõ nét. Ngày xưa, các dân tộc phía tây các tỉnh miền Trung đã có quan hệ sâu sắc với người Lào. Người Lào cũng vượt núi sang tận Đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán. Họ cũng bán voi và truyền nghề thuần dưỡng voi rừng cho một số dân tộc như Tà Ôi, Bru-Vân Kiều... Người Cơtu sinh sống ở huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông có mối quan hệ gắn bó thân thiết với người Cơtu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và người Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Người Cơtu ở Lào còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà làng, trang phục, trang sức, tập tục, nếp sống... thậm chí còn nguyên bản hơn phía Việt Nam, mà các nhà dân tộc học gọi là sự “sự hóa thạch ngoại biên”.

Thông qua con đường quan hệ qua lại thường xuyên và một số người Cơtu sinh sống bên Lào chuyển sang định cư ở Việt Nam, họ cũng đã “mang” theo khá nhiều sắc thái văn hóa độc đáo. Người Cơtu ở miền núi Quảng Nam rất thích các giống bông vải của người Lào, bà con gọi là Kpay Lao. Người Cơtu bên Lào rất sành sỏi trong việc chế biến thuốc nhuộm vải, nhất là các màu nóng. Người Cơtu và người Tà Ôi phía đông thường ít chế biến màu đỏ lấy từ nguyên liệu thiên nhiên như các màu khác, mà họ thường trao đổi với người Lào để lấy thuốc (đỏ) nhuộm vải, đồng bào gọi là mực poong. Họ thường đổi gà, gạo, chiếu để lấy hộp phẩm màu đỏ. Với cây bông vải và thuốc nhuộm của người Cơtu - Lào, người Cơtu - Việt Nam có thêm “chất liệu” để giữ gìn nghề thủ công, trang phục truyền thống. Và trên thực tế, người Cơtu là một trong những tộc người còn bảo lưu được nghề dệt và trang phục nhiều nhất, đậm nét nhất so với các dân tộc ở Trường Sơn. Người Cơtu bên nước bạn Lào cũng đi trước trong việc chăm chút sắc đẹp theo tập tục cổ truyền. Ngày xưa, có được chiếc khố cườm chì để mặc là niềm tự hào của nhiều người. Dưới lòng sông Antrôl ở Lào là nơi mà đồng bào khai thác quặng chì, mang về chế tác thành hạt cườm chì để dệt và trang trí hoa văn trên khố, váy, áo. Và kỹ thuật chế tác đó đã được truyền lại cho người Tà Ôi, Cơtu ở Việt Nam. Bộ trang sức đẹp của người Cơtu như những vòng đá ngọc đeo cổ, khuyên bạc đeo tai, vòng đồng đeo tay... đều có nguồn gốc từ Lào.

Cũng không mất nhiều công sức kiếm tìm, khám phá, ta cũng có thể thấy dấu ấn văn hóa Lào tồn tại nhiều nơi trên đất Việt. Những giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào chẳng những làm đẹp cho đất nước bạn mà còn tỏa sáng lấp lánh trên đất nước Việt Nam. Thiết nghĩ, các địa phương có tộc người Lào sinh sống và có đường biên giới giáp với Lào cần có chính sách bảo tồn, giao lưu văn hóa để nét đẹp văn hóa của dân tộc Lào thêm rực rỡ, góp thêm sắc màu cho vườn hoa đầy hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

(Theo Báo Quảng Nam)

 

   

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin