Mênh mang “long mạch” Hà thành

Người Hà Nội xưa và nay luôn tự hào ví Tây hồ như “long mạch” lớn nhất của thủ đô bởi những giá trị lịch sử, văn hóa mà hồ gắn liền với huyền thoại lập quốc. Nghìn năm soi bóng lịch sử, Tây hồ không chỉ là nguồn cảm hứng thi họa vô tận của các tâm hồn nghệ sĩ, mà còn là bến bờ ẩn chí lớn của biết bao anh hùng nước Việt chờ ngày dựng nghiệp lớn…

  03/09/2008 09:42

Hơn nghìn năm qua, Tây hồ đã in bóng biết bao gương mặt đời người. Nhưng dòng thời gian và bàn tay con người cũng làm nó thay đổi rất nhiều. Sắc, hồn của mặt hồ lớn nhất, đẹp nhất Hà Nội nay chỉ còn là những con sóng hẹp vỗ bờ.

“Long mạch” của thủ đô
Đua thuyền trên hồ

Những ngày Hà Nội vào thu, chúng tôi tìm đến nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc để hỏi về mặt hồ nghìn năm này. Mới đây thôi, trong cuốn sách viết về Tây hồ, cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông, ông Phúc có nhận xét, Tây hồ là hồ thuộc loại linh thiêng nhất Việt Nam. Không chỉ ông mà trong tâm thức nhiều người Hà Nội, Tây hồ đã và đang được tin như là “long mạch” lớn nhất của thủ đô cổ kính.

Trong căn gác nhỏ số nhà 72 Ngô Quyền chất đầy những sách, báo, tạp chí đủ thứ tiếng viết về Hà Nội, ông Phúc tâm sự khá cởi mở về Tây hồ. Ông nói nếu xét về góc độ văn hóa, tâm linh và lịch sử thì Tây hồ hơn hẳn hồ Gươm. Trước khi người Pháp sang, hồ Gươm còn là một hồ bé xíu, lau lách mọc um tùm đến nỗi nhà dân quanh đó đều quay lưng về phía hồ. Người Pháp mở rộng hồ Gươm vì lẽ nó gần với Phủ toàn quyền Pháp bấy giờ. Còn lịch sử Tây hồ đã hơn nghìn năm, gắn liền với huyền thoại lập quốc của dân tộc.

Trong góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, ông Phúc cho rằng Tây hồ chính là vùng văn hóa trọng điểm của thủ đô và cả bảy ngôi làng quanh Hồ Tây chính là bảy trong ba mươi sáu phố phường của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Trải cùng lịch sử dân tộc, Tây hồ có nhiều tên gọi khác nhau. Cái tên Tây hồ mới xuất hiện cách đây vài trăm năm trước, mà chính xác là vào thời Lê Thế Tông (1573). Vì không muốn phạm vào tên húy của mình là Lê Duy Đàm, nhà vua mới đổi tên hồ Dâm Đàm (mờ sương) trước đó thành Tây hồ, ý nói con hồ ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Người dân quen miệng chữa thành “Hồ Tây” và cái tên đó tồn tại đến tận bây giờ.

Ngược về quá khứ, Tây hồ còn có tên Lãng Bạc, dựa theo truyền thuyết nơi đây có bến sóng lớn. Những năm đầu công nguyên, hồ Lãng Bạc là nơi hai Bà Trưng chống Mã Viện, viết nên trang sử “Nữ nhi chống anh hùng”.

Bán sen trên đê Yên Phụ Chùa Trấn Quốc

Cái tên xưa nhất của Tây hồ là “Đầm xác cáo”, truyền thuyết gắn liền với công đức của Lạc Long Quân giúp người dân có cuộc sống yên bình không bị loài yêu tinh quấy phá. Trong cuốn Lĩnh nam trích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn (1492) có viết chuyện Cửu vĩ hồ (cáo chín đuôi) bị Lạc Long Quân truy đuổi vào tận hang. Lạc Long Quân cho nước ngập vào hang làm chết cáo. Cửu vĩ hồ chết, biến thành con đầm dân gian gọi là Đầm xác cáo.

Một tên khác của Tây hồ là Kim Ngưu (trâu vàng), truyền thuyết đồng thời giải thích nghề đúc đồng từ khuôn đất sét ở Việt Nam và công đức của thiền sư Minh Không trong việc phát minh ra cách làm này. Minh Không thiền sư cho đúc chuông đồng sai khiến trâu vàng từ đất Bắc chạy về phía Nam (đất Việt). Trong cơn cuồng nộ tìm mẹ, trâu vàng đã quẫy đạp cả một vùng đất làm thành Tây hồ.

Lần giở lại sách xưa và tìm gặp các nhà chuyên môn, chúng tôi được biết gần đây, khi các nhà địa chất học vào cuộc, họ chính thức kết luận Tây hồ (và cả hồ Trúc Bạch) là dấu tích còn sót lại của sông Hồng sau khi đổi dòng. Nhiều cụ già sống quanh hồ vẫn coi hiện tượng nước sủi bọt ở Tây hồ là do sông Hồng dâng nước lên cao. Một hiện tượng linh khuyển thủy hiếm thấy, càng làm cho Tây hồ thêm linh thiêng.

Ngày xưa, Tây hồ rất rộng bao trùm từ phía Tây sang Bắc rồi qua Đông. Hồ Cổ Ngựa (đã bị lấp, vị trí ở phía Phạm Hồng Thái với phố Hàng Than bây giờ) đã từng là một phần của Tây hồ sau khi con người đắp đất chia cắt. Hồ Trúc Bạch cũng là một phần Tây hồ, ngăn giữa hai hồ là con đường Cổ Ngư hay là đường Thanh Niên bây giờ.

Bóng nước ngàn năm

Biệt thự mới ở ven Hồ Tây

Nói như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì văn hóa và lịch sử Tây hồ xếp tầng lớp và đan xen lẫn nhau mà người thiếu chú tâm không thể nghiên cứu nổi... Ông Phúc cười: “Không phải với tư cách nhà nghiên cứu Hà Nội, mà chỉ với cá nhân lãng mạn, thì tôi cũng như bao người yêu Hà Nội khác đã bị vẻ đẹp của Tây hồ quyến rũ mất rồi!”. Ký ức thời trai trẻ của ông Phúc hiện dần về từ những bùa tua, bùa túi bằng vải hay những chiếc khánh, thuốc cho trẻ con mà các thiếu nữ Tây hồ ngồi ở đường Cổ Ngư bán vào dịp tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch).

Bây giờ, lang thang quanh bờ hồ không còn thấy mấy cô gái làng Tây hồ còn ngồi bán bùa tua, bùa túi nữa, nhưng nửa thế kỷ trôi đi, nếp họp chợ ở đường Cổ Ngư (Thanh Niên) vẫn còn. Vào buổi sáng sớm, người ta đem con cua, con ốc, hoa sen hái dưới hồ đem bán cho người đi tập thể dục, hoặc là đồ “sale off” rẻ tiền cho những người lao động nghèo quanh vùng. Ồn ào, náo nhiệt nhưng chợ chỉ họp độ hai tiếng, từ 5g đến 7g sáng. Sau này, đường Thanh Niên càng thêm nét thơ mộng với hàng cây xanh sum suê bóng mát, xa xa những đôi tình nhân dạo thuyền, ước hẹn tình duyên trên bóng nước Tây hồ…

Góc khác của Hồ Tây Phút lãng mạn bên Hồ Tây

Không tự nhiên mà Cao Bá Quát gọi Tây hồ một cách say đắm là nàng Tây Thi. Tây Thi đẹp bốn mùa, Tây hồ cũng vậy. Ngày xuân quanh hồ rực rỡ sắc màu đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, hoa Phú Xá. Ngày hè, cả hồ ngát hương sen. Sớm mùa thu, Tây hồ lãng đãng ẩn hiện trong màn sương huyền ảo. Mùa đông, hồ khoác màu áo trầm mặc, tiêu sơ. Với người Hà Nội, Hồ Tây còn đẹp trong từng khoảnh khắc.

Người đàn ông có tiệm ảnh nhỏ Phúc Hà thổ lộ với chúng tôi về niềm đam mê chụp ảnh hoàng hôn trên hồ. Hai mươi năm, ông đứng gần chùa Trấn Quốc, từ khi còn sở hữu chiếc máy ảnh cơ cũ rích, nhưng ông vẫn mải mê ghi lại “sắc hồn” Tây hồ. Bây giờ, ông Hà vẫn chưa dứt niềm đam mê chụp ảnh hoàng hôn Tây hồ. Và mỗi lần giơ máy lên chụp, trong ông lại dậy cảm xúc như thuở ban đầu.

Từ xưa, Hồ Tây cũng đã làm mê đắm biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Làng Nghi Tàm bên bờ Tây hồ là quê bà Huyện Thanh Quan, nữ thi sĩ có bài Qua đèo ngang nổi tiếng.

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương lập Cổ Nguyệt Đường dựng gần Hồ Tây là nơi dạy học cũng là nơi Xuân Hương đàm đạo thơ văn, tiếp bạn bè. Chơi đền khán xuân là một trong những tác phẩm mà Xuân Hương viết trong thời gian còn ở Hồ Tây.

Êm ái chiều xuân tới Khán đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai!
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá,
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Người cũ, cảnh xưa rày đâu tá?

Sớm Hà Nội chớm thu, tôi mê mải cảm giác lang thang trên phố. Xách xe ra đường, chẳng biết đến đâu, chợt vô định về phía Tây hồ. Đầu đường Yên Phụ, nhập nhoạng trong sương sớm là những thân hình gầy gò cong lưng thồ từng sọt gốm Bát Tràng. Ngã ba Yên phụ nối với đường Thanh Niên gốm sứ tỏa đi các vùng trong nội thành. Từ trăm năm trước, con đường này vẫn là con đường tơ lụa của gốm Bát Tràng nổi tiếng xa gần.

Buổi sớm, Tây hồ thật tĩnh lặng, ngập tràn không gian là hương thơm của sen cuối mùa nở vội. Mặt nước nghìn năm vẫn lăn tăn gợn sóng, đâu đó tiếng cá quẫy nước cùng dáng mờ mờ của người dân nghèo cặm cụi mò trai. Bên trong không gian Tây hồ, Hà Nội thật khác, khác xa những cảm nhận của tôi về Hà Nội bụi bặm, ồn ào trước đó.

Đối với người Hà Nội, Tây hồ là chốn đi về của tâm hồn sau những cuộc vui xô bồ, ồn ã. Không gian hồ yên ắng và có phần u tịch bởi bao quanh là quần thể những đình, chùa, miếu mạo và các làng cổ ven hồ. Làng Nghi Tàm với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo.

Làng Nhật Tân là nơi lưu truyền thuyết Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng bay lên trời và cai quản bảy ngôi làng ở Hồ Tây. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, sang làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ nơi bách quan hội thề thời Lý, làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh... Vào những khi mùng một, hôm rằm, Hồ Tây mịt mù hương khói, người Hà thành về với không gian tâm linh nơi chùa chiền, đền miếu này để mong cầu sức khỏe, lợi danh...

Chục năm gần đây do quá trình đô thị hóa đến chóng mặt, cảnh quan quanh Tây hồ đã có diện mạo khác. Con đường quanh Tây hồ 16km mà chục năm trước ông Phúc đã đi, nay tôi đi lại, thấy ngắn hơn nhiều. Diện tích mặt hồ bị thu hẹp, hồ cũng nông hơn, chỗ sâu nhất khoảng 3m mà lại là mùa nước lên. Đô thị hóa hơn chục năm làm “nàng Tây Thi” có vẻ hiện đại hơn hẳn, phô trương sự giàu sang của mình bằng những biệt thự.

Chẳng biết mấy người Hà Nội buồn, vui khi so sánh vẻ đẹp hoang sơ của Tây hồ nghìn năm trước với bây giờ. Nhưng cá nhân tôi thì thấy tiếc, tiếc những cánh chim sâm cầm thuở trước còn về đen rợp mặt hồ. Bây giờ, Tây hồ, nơi trú ngụ của giống chim quý chỉ còn trong câu hát buồn mênh mang “Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”.

Ông Đức, người già sống ở gần Tây hồ tâm sự, chục năm về trước, hồ vẫn còn bóng chim sâm cầm, loài chim nổi tiếng để tiến vua. Mùa di trú, chim sâm cầm về kín cả một vùng hồ. Nhưng chục năm qua với sự đô thị hóa mạnh mẽ, người ta xây nhà, kè hồ, Tây hồ trọc lóc, trống hoác vì không còn lau sậy, chim sâm cầm tự khắc bay đi xa. Ông Đức khắc khoải “bay đi đâu không rõ, nhưng đọc báo, tôi thấy người ta bảo sâm cầm bay vào hũ rượu của dân lưu linh mất rồi...”.

Những năm này, thế hệ tôi vẫn còn may mắn vì ít ra cũng được cảm nhận chút hương sen quyến luyến, mùi khói hương tâm linh, và vị nồng nàn của bánh tôm Tây hồ nức tiếng... Đó là những nét văn hóa, lịch sử, tâm linh cuối cùng còn vấn vương lại của chiếc hồ nghìn năm tuổi giữa thủ đô này. Nhưng vài năm sau, thì không ai biết được sẽ như thế nào? Mới đây người ta đưa ra những dự án ngoại trị giá hàng triệu đôla để làm lại khuôn mặt mới cho “nàng Tây Thi”. Xung quanh Hồ Tây sẽ là khu đô thị sầm uất, đắt đỏ...

Khi đó, liệu có mấy kẻ vui, người buồn khi lần giở lại trang thơ cổ:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ".

(Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin