Thăm lăng Hoàng Gia

Về Gò Công Đông (Tiền Giang), không chỉ được vãn cảnh vùng quê sông nước, nơi có những con kênh nhỏ với bạt ngàn hàng dừa thẳng tắp, tỏa bóng mát rượi mà chúng tôi thật sự bị hớp hồn bởi vẻ đẹp dịu dàng của lăng Hoàng Gia - cái tên đã đủ gợi trí tò mò.

  25/03/2009 11:08

Từ TP.HCM, dọc theo tỉnh lộ 50, con đường gập ghềnh sỏi đá, chằng chịt những ổ voi, ổ gà dẫn chúng tôi qua phà Mỹ Lợi đến với Gò Công Đông, Tiền Giang. Lăng Hoàng Gia tọa lạc trên gò Sơn Quy (nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cách TP Mỹ Tho khoảng 30km.

Đây là nơi sinh sống và yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng - một dòng họ nổi tiếng ở Nam bộ vào thế kỷ 18, 19. Đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong những lăng mộ đó có lăng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại của Vua Tự Đức) được xây dựng từ năm 1825, là một kiến trúc tâm điểm, độc đáo.

Tác giả nghe giới thiệu về lăng Hoàng Gia - Ảnh: V.K.

Từ ngoài cổng bước vào, bên tay trái là hồ sen rộng, hình tròn với làn nước trong xanh soi bóng những cánh sen hồng, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Một cây cầu nhỏ dẫn ta vào trung tâm của lòng hồ. Từ trên cầu, thả mình soi bóng xuống làn nước ngắm nghía từng cánh sen, chú cá đang tung tăng bơi lội cũng khiến bao mệt mỏi chợt tan biến...

Bên phải của lăng, trên con đường quanh co, uốn khúc, đi sâu theo hình vòng cung chính là lăng mộ của Đức Quốc Công.

Lăng mộ được xây dựng với kiểu kiến trúc độc đáo hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc mũ triều phục. Bốn trụ thấp cách điệu giữa búp sen và chiếc nón cùng biểu tượng đôi cá vượt vũ môn được đặt phía trước. Sau bức hoành phi là bốn con rồng ngự trị trên cao giương cặp mắt sáng quắc như canh giữ, cai quản lăng (hiện tại chỉ còn 3 con, một con bên phải đã bị hư hỏng do mưa gió thời gian). Phía dưới là hình tượng ngũ lân - với hình chạm khắc khảm trai hình 5 chú hổ rất sắc sảo và độc đáo (hiện có 3 con đã bị hư hỏng nặng phần đầu và chân).

Theo thời gian, lăng mộ dường như ngày càng trở nên cổ kính, độc đáo. Ông Võ Thành Sơn - người cai quản ở đây - cho biết lăng đang được tu sửa, xây dựng lại. Việc trùng tu đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức bởi vì phải tìm nơi, tìm người có khả năng kiến tạo những kiểu kiến trúc này. Hiện chỉ mới tìm được một nghệ nhân ở Bình Dương có khả năng tái tạo con rồng đã mất.

Vào trong lăng, trước cổng là hai cây sứ trắng có niên đại hơn 100 năm tuổi đứng sừng sững tựa như hai người lính canh giữ, chứng kiến bao thăng trầm của thời gian. Bên trái, một cây khế được cho đã trồng hơn 100 năm nay trái chín vàng rực, đung đưa trước làn gió nhẹ, tỏa hương dịu dàng.

Đi sâu vào trong là ngôi từ đường của dòng họ Phạm Đăng. Bước chân vào đây mới thật sự cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính của lăng Hoàng Gia. Ngôi từ đường được xây dựng vào năm 1826, bao gồm một nhà thờ, nhà khách, nhà kho và công trình phụ. Mười trụ cột chính giữa, lớn nhất được thiết kế thành hai hàng song song như những đôi bàn tay khổng lồ vươn lên chống đỡ toàn bộ lăng. Những đường hoành, rui, mè đều được thiết kế vô cùng sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ quý được vận chuyển từ cố đô Huế vào. Có lẽ vì thế mà theo thời gian những cây cột ngày càng trở nên bóng đẹp và cổ kính hơn.

Điểm đặc biệt nhất của lăng có lẽ là việc sử dụng 100% chất liệu gỗ để xây dựng, không thể nào tìm ra được một cây đinh nào trong việc gắn kết các các thanh gỗ, kèo, cột ở đây. Tất cả đều được đục mộng tra vào nhau một cách tinh xảo đến tuyệt vời. Người xem khâm phục biết bao bàn tay và nghệ thuật xây dựng cũng như kiến trúc của các nghệ nhân xưa. Nếu bạn có dịp ra Huế sẽ thấy rõ hơn kiểu kiến trúc này trong các lăng tẩm, đền đài của đất cố đô ngàn năm văn hiến.

Hai hàng cột chính của từ đường - Ảnh V.K. Hai hàng cột chính của từ đường - Ảnh: Tấn Phát

Màu sơn gỗ nâu bóng lộn càng khiến Hoàng Gia có nét quyến rũ đến lạ kỳ, kiêu sa mà mạnh mẽ, hùng dũng mà dịu dàng. Hiện nay, trong lăng ngoài thờ cúng Quốc Công còn là nơi thờ tự dòng tộc của ngài, từ thân sinh, phụ mẫu tới ông bà tổ tiên cũng đều được thờ cúng ở nơi trang nghiêm nhất. Điểm đặc biệt hơn nữa là việc chăm lo hương khói chỉ do một bác bộ đội xuất ngũ quán xuyến toàn bộ, người đã hướng dẫn chúng tôi trong suốt buổi tham quan. Có lẽ vì thế mà lăng càng trở nên trang nghiêm, huyền bí, song lại có sức cuốn hút kỳ lạ đối với ai đã từng đặt chân đến đây.

Chúng tôi bịn rịn không muốn rời Hoàng Gia không chỉ vì câu chuyện của ông Sơn miên mam mãi chưa dừng mà còn vì vẻ đẹp nên thơ, cổ kính đầy quyến rũ của kiến trúc cung đình cổ xưa. Chắc chắn một ngày không xa tôi sẽ quay lại nơi này.

(Nguồn: TTO)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin