Trở lại Phố Hiến

Thời gian đã trôi qua, Phố Hiến vang bóng một thời như dòng nước Hồng Hà không bao giờ dừng lại. Không nhiều người nay được biết Phố Hiến từng là thương cảng quốc tế lớn nhất, nhì Việt Nam, thậm chí cả khu vực. Nhiều thương thuyền lớn từ phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc đã thả neo ở đây. Nhiều công ty hàng hải nổi danh của Hà Lan, Anh cũng từng mở thương điếm bên bến sông Hồng này…

  27/04/2009 10:37

Tìm lại phố xưa

Đoạn đường Phố Hiến nhỏ bé ngày nay

Một sáng xuân 2009, chúng tôi rời Hà Nội, xuôi sông Hồng. Tàu máy lạch xạch chậm buồn, chạy vòng qua các cồn bãi. Men theo đường đê ven sông, chúng tôi đi tìm lại thương cảng xưa. Qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, những gốc nhãn lồng nức tiếng đặc sản Hưng Yên đã mơn mởn cành xanh. Nhiều gốc nhãn cổ thụ đã trên 200 - 300 năm tuổi, được trồng ở ven đê để vừa chắn sóng dữ vừa được bóng râm và trái ngọt cho dân làng hóng mát.

Các cụ già địa phương tin rằng nhãn dù cùng trồng trên bãi bồi sông Hồng, nhưng chỉ có ở Hưng Yên mới cho trái thơm ngọt nhất. Vì vậy mà xưa kia Hưng Yên đã nức tiếng là đất lành trồng nhãn quý tiến vua. Khi thương cảng Phố Hiến còn tấp nập, khách buôn đã có câu ca dao truyền miệng “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm”. Đây là mùa nhãn lồng Hưng Yên kết tinh hương vị thơm ngọt nhất để thương khách tìm mua.

Thị xã Hưng Yên ôm trong mình Phố Hiến cổ kính. Ngoài ngôi chợ cùng tên Phố Hiến, thương cảng một thời còn rõ rệt nhất chính là con đường được đặt tên Phố Hiến, thuộc phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên. Đường nhỏ, chỉ dài vài trăm mét. Cuối đường là những nhà vườn ẩn khuất trong các cội nhãn già của xã Hồng Nam.

Chùa Hiến (còn có tên Thiên Ứng Tự) tọa lạc trầm mặc bên đường. Sân chùa không bóng người. Gốc nhãn sần sùi ven tường được gắn bảng “cây nhãn tổ”, nhưng chỉ là một nhánh con của gốc nhãn hàng trăm năm tuổi đã mục ruỗng theo thời gian. Các nhà sư xưa thường chọn những trái ngon nhất trên cây nhãn này để cúng Phật và tiến vua.

Nắng trưa xiên qua kẽ lá như rắc những đóa hoa vô thường lung linh trên sân chùa. Vị sư già ngồi trầm mặc kể, chùa được xây dựng vào thời Trần. Thiên Ứng cũng là niên hiệu vua Trần Thái Tông (1232-1250). Giữa thượng điện, tượng phật Quan Âm Nam Hải từ bi dõi mắt ra thương cảng Phố Hiến là chỗ dựa tâm linh cho thương khách sống đời may rủi trên sông nước.

Hai tấm bia đá vẫn mờ mờ dòng chữ nói về việc trùng tu chùa và quang cảnh Phố Hiến: “Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi đô hội tiểu Tràng An…”. Bia còn ghi rõ việc góp công đức trùng tu chùa của 481 người đến từ nhiều miền đất khác nhau, trong đó có 56 người Hoa buôn bán thường xuyên ở thương cảng này.

Rời cổ tự rêu phong, chúng tôi lên cầu Yên Lệnh, dõi mắt nhìn toàn cảnh thương cảng xưa. Trên đoạn sông bên mạn cầu Hưng Yên xuôi về Thái Bình, bến cảng Phố Hiến đã bị bồi lấp ra ngoài đến hai, ba cây số. Trên mặt sông gần bờ xưa, phù sa đã bồi thành đất thịt. Nhiều xác nhà đã nối tiếp nhau chứng tỏ bến cảng này bị bồi lấp từ lâu lắm rồi. Xa xa, ngoài mép bãi bồi, vị trí mà thuở thương cảng Phố Hiến còn hưng thịnh chắc phải là giữa lòng sông, nay thành đất phù sa màu mỡ để canh tác nông nghiệp…

Nghe nói con đường Nam Tiến ở ngoài đê trên bãi bồi phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên, hàng trăm năm trước đã in bao dấu chân thương khách sông Hồng. Ngay đầu đường có một ngôi cổ tự với cái tên lạ là Nẻ Độ. Đền xưa thờ hai bà Chúa bờ Hà Nam. Khi bên đó bị sạt lở, người ta mới cung thỉnh qua sông Hồng để thờ bên bờ Hưng Yên.

Bà Nguyễn Thị Bé, 80 tuổi, cư dân gần trọn đời sống bên con đường Nam Tiến cũng không thể biết phần sông biến mất tự khi nào. Bà chỉ nhớ mình đã lẫm chẫm những bước đầu đời trên lối đất phù sa êm mịn. Rặng nhãn cổ thụ trước căn nhà ngoài đê của bà đã cho bao lứa trái ngọt kể từ khi bà biết trèo hái. Phần bãi bồi trước cửa nhà bà xưa nay chỉ canh tác mỗi vụ chiêm, còn vụ mùa thường bị nước sông Hồng đe dọa. Vụ lụt cuối năm 2008 vừa rồi, toàn bộ bãi bồi bị nhấn chìm và nước dâng mấp mí sân hè những nhà ngoài đê...

Thương cảng quốc tế

Thương cảng Phố Hiến vang bóng một thời nay là dải bãi bồi từ thôn Đằng Châu (xã Lam Sơn) đến thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu). Sử sách và ký ức truyền lưu bao đời người kể rằng vào thời hưng thịnh, thế kỷ XVII - XVIII, thương cảng này đã từng đón bao thuyền buôn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và xứ Đàng Trong…

Thuở đó, Phố Hiến trải dài bờ tả ngạn sông Xích Đằng (tên địa phương của sông Hồng), có vị trí giao thương đường thủy thuận lợi. Từ vịnh Bắc Bộ, tàu bè có thể theo các sông Hồng, Thái Bình, Đáy để vào sâu trong đất liền, nhưng đều phải qua Phố Hiến mới đến được Hà Nội. Vì vậy, ngoài bán buôn, Phố Hiến còn là trạm hải quan.

Nhiều nhà hàng hải phương Tây đã vào Việt Nam theo ngã sông này, trong đó ông William Dampier kể cụ thể là đã quan sát Phố Hiến có khoảng 2.000 nóc nhà vào năm 1688. Còn Samuel Baron, con lai của một phụ nữ Việt và Giám đốc thương điếm Hà Lan Hendrik Baron ở Phố Hiến cũng đã khắc lên bia đá dòng chữ tưởng niệm “Baron 1680”. Về sau, Samuel Baron làm việc cho Công ty Đông Ấn (Compagnie des Indes Orientales) và ở Phố Hiến.

Phố Hiến là vùng đất trải nhiều biến động lịch sử. Thời các sứ quân, vùng này là lãnh địa của sứ quân Phạm Bạch Hổ. Thời tiền Lê, nó là thực ấp của Lý Công Uẩn. Khi nhà Minh diệt Tống, nhiều Hoa kiều chạy sang Việt Nam. Một số người tị nạn ở dải đất bên bờ sông Hồng này và lập làng Hoa Dương. Năng khiếu buôn bán của họ đã góp phần biến nơi này thành phố buôn sầm uất.

Hiện nhiều học giả cho rằng tên Phố Hiến có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) phân chia đất nước thành 12 đạo thừa tuyên. Mỗi thừa tuyên có ty hiến sát để giám sát, kể cả kiểm soát đường thủy. Có lẽ, vì ty hiến sát trên dải đất bờ sông này mà phố buôn được quen gọi là Phố Hiến.

Tàu hút cát trên sông Hồng chảy qua Phố Hiến

Đến thế kỷ thứ XVII, thương cảng Phố Hiến ngày càng tấp nập tàu hàng. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí miêu tả: “Cung cũ Hiến Nam ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Động là lỵ sở trấn Sơn Nam đời Lê. Phàm người nước ngoài đến buôn bán thì tụ tập ở đây gọi là Vạn Lai triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp”.

Các thuyền mành bằng gỗ của Trung Quốc, Xiêm La và các nước châu Á khác có thể neo đậu sát bờ sông Hồng, còn thuyền châu Âu lớn thường neo ở vùng nước sâu giữa sông. Các thương điếm phương Tây đã được dựng lên ở Phố Hiến như Thương điếm Anh (1672-1683), Thương điếm Hà Lan (1637-1700). Riêng thương điếm Hà Lan hiện diện đến 64 năm ở Phố Hiến, trải qua 13 đời giám đốc.

Nhật trình của Công ty Đông Ấn ghi lại rằng trong hơn 10 năm từ 1672-1683, có khoảng 30 chuyến tàu viễn dương phương Tây đến thương cảng Phố Hiến. Cụ thể, vào năm 1637, thương gia Hà Lan Karel Hartsinck giong thuyền tới Phố Hiến đã gặp nhiều tàu Bồ Đào Nha chở đầy tơ sống vào tận Thăng Long. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rằng bến Xích Đằng ở mạn Bắc Phố Hiến bao gồm cả bốn bến đò Kệ Châu, Quan Xuyên, Nhân Dục và Phương Trà. Còn mạn Nam Phố Hiến có bến Nễ Châu, nơi mà tàu thuyền hạng nặng phương Tây thường neo đậu.

Chợ Phố Hiến ở trung tâm thị xã Hưng Yên bây giờ không rõ có phải nằm trên nền chợ xưa hay không? Thời hưng thịnh, Phố Hiến đã có những chợ rất lớn như chợ Vạn ở bến Xích Đằng, chợ Hiến, chợ Bảo Châu ở bến Nễ Châu. Phố phường sinh sống của người dân và thương buôn quây quanh các ngôi chợ này như Cựu đê thị (phường đê cũ), Ngoại đê thị (phường ngoài đê), Hà khẩu thị (phường cửa sông)… Ngoài ra, một số phường còn được đặt tên theo hàng buôn như Thuộc bì thị (phường thuộc da), Hàng chén thị (phường Hàng chén), Hoa lạp thị (phường nón hoa)...

Thời vàng son ở Phố Hiến, nơi bán buôn trù phú nhất là các phố phường của Hoa kiều. Thương khách Nhật cũng đến ở thương cảng này từ đầu thế kỷ XVII, chủ yếu để đổi bạc, đồng lấy tơ lụa. Sau khi Mạc phủ Tokugawa ban lệnh tỏa quốc, nhiều người quyết định ở lại Phố Hiến. Ngoài buôn bán, họ làm thêm nhiều nghề như hoa tiêu, phiên dịch, môi giới… Người Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng đến Phố Hiến rất sớm.

Năm 1626, giáo sĩ Baldinotti đã đến Phố Hiến rồi vào Thăng Long, mở đầu làn sóng thương nhân Bồ Đào Nha đến đất này. Một số người Bồ Đào Nha còn sinh sống ở Phố Hiến trong đó nữ thương nhân Monica Dabada lấy chồng Pháp và rất giàu có. Người Pháp cũng theo sông Hồng đến Phố Hiến. Năm 1680, họ lập thương điếm ở thương cảng này cùng với các thương điếm Anh, Hà Lan. Vừa giao thương, người Pháp vừa truyền giáo và xây dựng nhiều công trình mà đến nay vẫn còn lưu dấu tích bên bờ sông Hồng...

Thời suy tàn

Khó biết được Phố Hiến bắt đầu suy tàn khi nào nhưng nhiều nguồn tin cho rằng vào cuối thế kỷ XVII, thương mại ở Phố Hiến đã suy thoái. Một trong những nguyên nhân là hệ thống đê điều sông Hồng ngày càng được hoàn thiện đã hạn chế phù sa chảy vào đồng ruộng, để nó tự bồi lắng trên chính lòng sông.

Bến cảng Phố Hiến cũng bị bồi lắng. Lòng sông nông dần và ngày càng bị kéo ra xa bờ làm việc bốc dỡ hàng hóa trở nên khó khăn. Ký ức của các cụ già trong thế kỷ XX này cũng chứng minh chuyện đó. Họ kể rằng bãi bồi gần cầu Yên Lệnh còn nhỏ, nhưng đến giờ đã phình dâng ngút ngàn tầm mắt.

Ngoài ra, các nước Nhật, Trung Quốc sau thời gian tỏa quốc đã mở cửa thông thương thoáng hơn, làm cho Phố Hiến bị cạnh tranh khốc liệt. Rồi những biến động chính trị - xã hội Việt Nam cũng làm Phố Hiến suy thoái. Kinh thành phát triển ở Huế cùng với cảng Thuận An, rồi những dòng Hoa kiều phải thay đổi nơi chốn kinh doanh trong các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu làm cho Phố Hiến chìm vào quên lãng. Số ít thương nhân còn trụ lại phải chuyển từ bán buôn sang bán lẻ tại chỗ.

Chiều dần buông ở Phố Hiến, bên bờ sông Hồng, thoảng nghe như có tiếng thở dài đâu đây. Thương cảng thuở nào tấp nập tàu bè giờ đã xanh màu cây trái bởi phù sa sông Hồng. Hưng Yên nay không mạnh về thương mại, nhưng là tỉnh thuần nông đang từng bước công nghiệp hóa. Người xưa, cảnh cũ đã đổi thay. Chỉ có Hồng Hà vẫn lặng lẽ xuôi chảy làm chứng nhân bao thời cuộc thăng trầm…

(Nguồn: DNSGCT)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin