Đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch tại TP. Hồ Chí Minh: Chặng đường còn lắm gian nan

Sau khi TPHCM có chủ trương đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam và đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách, nhiều đơn vị nghệ thuật ở TPHCM đã hồ hởi tham gia. Thế nhưng, sau hơn hai năm thực hiện, giờ đây nhìn lại, chặng đường còn lắm gian nan!

  01/12/2008 10:55

Nhu cầu có, vẫn khó thực hiện!?

Từ nhiều năm nay, ai cũng nhận thấy các du khách nước ngoài đến Việt Nam rất vất vả đi tìm những sàn diễn, địa chỉ văn hóa để giải trí, tìm hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Chính từ nhu cầu có thực của du khách mà thành phố đã có chủ trương đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch.

Nhưng trên thực tế, xem ra từ chủ trương đến việc hiện thực hóa vấn đề vẫn còn là một… khoảng cách. Công bằng mà nói, khi có chủ trương này, từ cuối năm 2005, đầu năm 2006, có không ít đơn vị nghệ thuật đã bắt tay vào chuẩn bị các tiết mục, chương trình để “trình làng”: Từ xiếc, ca múa nhạc dân tộc đến cải lương… đều có.

Tuy nhiên, đến giờ này, khi nhắc tới chuyện “đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch”, không ít người tỏ ra ngán ngẩm. Tại sao? Đó là điều mà bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề này đều muốn đi tìm lời giải.

Nhìn lại cả quá trình thực hiện việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch thì ai nấy cũng dễ dàng nhận ra rằng, với cách làm như thời gian qua thì cho dù có kéo dài bao năm đi nữa, mọi việc cũng chẳng thể thay đổi gì hơn! Tất cả hô hào chuẩn bị cho có, rồi… lại đâu vào đấy.

Một nghệ sĩ từng tham gia vào quá trình chuẩn bị chương trình sân khấu du lịch thố lộ: “Đường còn lắm gian nan. Tôi nghĩ, nếu muốn đưa nghệ thuật vào phục vụ du khách cần phải có cách làm năng động hơn và phải có đánh giá để biết công việc đã làm được và chưa làm được gì. Trong chuyện này, nếu làm không khéo, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, tất cả sẽ đi vào quên lãng…”.

Điểm sáng Rồng Vàng

Dẫu biết rằng, việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch là chuyện lâu dài, không thể ngày một ngày hai có thể thực hiện được ngay. Nhưng trên thực tế, có một nghịch lý mà ai cũng thấy rõ là, hầu hết các đơn vị công lập thực hiện những chương trình phục vụ du khách đều đã buông xuôi, chỉ còn duy nhất Sân khấu IDECAF với Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TPHCM - đơn vị nghệ thuật xã hội hóa - là bền bỉ đeo đuổi.

Từ chỗ kiên trì, quyết tâm thực hiện, đến nay, múa rối nước Rồng Vàng TPHCM đã trở thành một điểm hẹn của khá nhiều công ty du lịch trong việc đưa du khách đến giải trí. Trong thời gian đầu, Rồng Vàng cũng khá vất vả đi tìm và kéo du khách đến với mình.

Các diễn viên không chỉ lo chăm chút cho từng tiết mục của mình mà ngay khi ánh đèn sân khấu khép lại, ai cũng như ai, mỗi người mỗi việc, họ thay nhau đi khắp các phố có du khách nước ngoài trú ngụ để tiếp thị, chào mời. Một, hai, ba ngày… và nhiều ngày, công việc cứ đều đặn như thế.

Nhờ vậy mà giờ đây, khi du khách cần xem múa rối nước, nhiều công ty du lịch giới thiệu ngay đến Rồng Vàng. Bên cạnh sự chịu khó của anh em diễn viên làm tiếp thị, Rồng Vàng có một chiến lược hoạt động khá linh hoạt.

Cứ đều đặn, mỗi ngày diễn hai suất vào 18g và 20g, dù có bao nhiêu khách cũng vẫn diễn và ngay cả trong ngày nếu các đoàn du khách có nhu cầu đến xem, Rồng Vàng luôn sẵn sàng phục vụ. Chính cách làm này, Rồng Vàng càng tạo thêm uy tín cho “thương hiệu” của mình.

Việt Nam đâu chỉ có rối nước!

Từ mô hình hoạt động khá hiệu quả của Rồng Vàng đã mở ra một viễn cảnh, việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch là hoàn toàn có thể làm được. Chỉ có điều là ai làm, làm như thế nào mà thôi. Tại sao Rồng Vàng làm được sân khấu du lịch?

Quả tình, nếu nhìn vào cách làm của Rồng Vàng thì thực sự không gì quá khó khăn. Khi bắt tay làm sân khấu du lịch, nếu chúng ta cứ khư khư nghĩ rằng, làm sao một suất diễn phải có hàng trăm, cả ngàn người xem thì mới thực hiện, còn chỉ vài khách, lỗ lã, nên thôi… Nếu cách nghĩ ấy, cộng thêm sự không bền bỉ, linh động, chỉ ngồi chờ du khách tìm đến mình, rồi mới đưa ra chương trình biểu diễn thì chỉ có… chào thua là cái chắc.

Nếu nhảy vào kinh doanh sản phẩm du lịch mà không tiếp thị, không tự đi tìm khán giả, thì ai sẽ biết đến mình có “sản phẩm” mà đặt hàng đến xem? Trong khi đó, khi du khách đặt chân đến Việt Nam, hầu như ai cũng muốn xem sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam có gì khác họ không. Vậy thì nghệ thuật hát bội, cải lương, âm nhạc dân tộc… - những đặc sản văn hóa của Việt Nam - bao giờ mới tạo dựng được một địa chỉ văn hóa, mới tiếp cận, phục vụ được khách du lịch?

Đây là điều đáng suy ngẫm mà những nhà quản lý văn hóa, hoạt động sân khấu cải lương, hát bội, âm nhạc dân tộc phải sớm có lời đáp.

(Nguồn: SGGP)

 
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Ưu đãi giảm giá nhóm đến 200 nghìn cùng Khuyến mại Xuân 2022 Vietravel

Như một lời tri ân đến Quý khách hàng đã gắn bó cùng Vietravel trong suốt thời gian qua cũng như để ...

  26/12/2021 14:00

Thể lệ Cuộc thi thiết kế tour du lịch Đài Loan "Booking Your Next Trip"

Cuộc thi “"Booking Your Next Trip" do Vietravel phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Đài Loan tổ chức với ...

  23/10/2021 15:00

Chính thức ra mắt Bản tin Vietravel - Ấn phẩm Online

Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid - 19 hoành hành đã khiến chúng ta không thể thực hiện nh ...

  21/09/2021 09:00

"Nhật Bản tôi yêu" - Cuộc thi viết dành cho cho những người yêu "Xứ sở mặt trời mọc"

Với mục đích duy trì sự quan tâm, yêu thích với du lịch Nhật Bản cũng như khơi dậy nhu cầu đi du lịc ...

  14/07/2021 00:00

Du lịch hấp dẫn với “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021”

Chính thức diễn ra từ ngày 24/4 đến ngày 2/5/2021, “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021” (Vung T ...

  20/04/2021 09:00

Vietravel – Vietravel Airlines kết hợp cùng tỉnh Hà Giang xúc tiến quảng bá du lịch

Nhằm khôi phục thị trường du lịch thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời chuẩn bị các sản phẩm cho mùa Hè 2 ...

  14/04/2021 10:10
pin