Nhà giáo, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Cần giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền sau khi sáp nhập
- Thưa ông Nguyễn Vinh Phúc, Thủ đô Hà Nội được mở rộng bao gồm cả tỉnh Hà Tây và một số địa bàn phụ cận khác từ 1-8 năm nay. Ðiều đó nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới, được nhân dân nhận thức và đồng tình nhưng vẫn còn rất nhiều điều đặt ra, trong đó có vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa vùng. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Ðây là một vấn đề khó, rất khó, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Làm gì thì làm, nhất định không thể để mất bản sắc văn hóa vùng đã được tích lũy từ nhiều đời.
- Văn hóa kinh kỳ, văn minh đô thị liệu có bị xâm thực, bị pha loãng bởi văn hóa làng xã?
- Trong lịch sử, từng có nhiều lần sự mở rộng và "đông đúc quá tải" bởi làn sóng người từ các địa phương khác lên kinh. Thời Lê Thánh Tông, triều đình định xua hết dân di cư. Có người nói cần phải làm như vậy. Có người lại nói, những người nơi khác đến làm ăn là nguồn thuế quan trọng. Vua Lê Thánh Tông quyết định cho ở lại kinh những người có nghề nghiệp buôn bán, làm ăn, còn những người khác thì bắt quay hết về địa phương. Thời nhà Nguyễn, ngược lại, lại cho Hà Nội thuộc về phủ Hoài Ðức, tức là nông thôn hóa thành thị, nhưng Hà Nội vẫn đô hội và không ngừng phát triển. Sự mở rộng kinh đô trong lịch sử không diễn ra quá nhanh và gấp gáp như hiện nay, nên sự điều chỉnh, điều tiết hiện nay chắc cũng phức tạp hơn và cũng có thể khó tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên, kinh đô vốn là nơi hội tụ nhân tài, bách nghệ bốn phương. Việc mở rộng là một quy luật. Hơn thế, muốn trở thành người thủ đô, cần phải có tính chất thủ đô, mỗi địa bàn, mỗi người phải nâng mình lên rất nhiều.
- Xin ông cho biết nét đặc trưng nhất của văn hóa người Hà Nội?
- Ðó là tài nghệ như trên đã nói và thanh lịch. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Cụ Nguyễn Công Trứ là người đã sớm "tổng kết" về Hà Nội trong bài hát nói Vịnh cảnh Hà Nội. Hai câu ta thường đọc như ca dao chính là câu mượn trong bài hát nói ấy. (Hồi thủ khả lân ca vũ địa. Ðất Tràng An là cổ đế kinh, Nước non một dải hữu tình, Giời Nam Việt trước gây đồ đế ký...).
- Ông có thể cho một thí dụ cụ thể, sinh động về nét thanh lịch ấy?
- Tôi chỉ nói trong nội đô xưa. Việc xưng hô trong gia đình rất lễ phép tôn ty rõ thứ bậc, cô, chú, cậu dì, thím, bá... Bây giờ là chỉ còn bác và cô chú, giản tiện nhưng lạnh. Cụ Hoàng Ðạo Thúy là một bậc đức cao vọng trọng, lại hơn tôi hàng chục tuổi, nhưng vì tôi dạy con cụ ấy, nên lúc nào cụ cũng thưa tôi bằng bác. Ngày Tết, phụ huynh dắt con đến nhà thầy lễ trước bàn thờ, lễ nghi ấy cũng góp phần làm cho thầy ra thầy, trò ra trò.
- Vậy thưa ông, thế còn đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa xứ Ðoài?
- Tôi nhớ xứ Ðoài mây trắng lắm... Câu thơ ấy của nhà thơ Quang Dũng trong bài Ðôi mắt người Sơn Tây thật đẹp và ám ảnh. Xứ Ðoài trời cao, mây trắng rộng rãi, thế đất cao ráo, có Tản Viên được coi là tổ sơn linh thiêng. Văn hóa xứ Ðoài mang đặc trưng cơ bản nhất là sự chất phác. Con người mộc mạc, chân thật nhưng cũng lắm kỳ tài. Ðó là đất hai vua, quê Phùng Hưng, Ngô Quyền, của Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan, Tản Ðà... Ở đây, mỗi làng hiện đều lưu giữ những di sản vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá, những làng nghề từng là niềm tự hào từ bao đời nay. Khi đô thị hóa mạnh mẽ sẽ có những phẩm chất mới tốt đẹp được hình thành nhưng cũng có cái mất. Cái mất trước hết có lẽ là những làng nghề này, sau đó là sự thu hẹp, tiêu tán dần một số di sản khác...
- Khi chọn Thăng Long để định đô cho muôn đời, vua Lý Thái Tổ nhìn thấy đây là đất "rồng cuộn, hổ ngồi". Ðó là cái nhìn theo thuật phong thủy. Phong thủy hiểu theo nghĩa đơn giản là đường đi của gió, nước. Nó phải thông thoáng mới có lợi. Trong quá trình đô thị hóa, phải xây dựng nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà cao tầng, phải san lấp nhiều sông hồ..., liệu có ảnh hưởng đến đường đi của gió, nước, đến địa linh? Và cũng cần chú ý đến sự "thông thoáng" trong quan hệ ứng xử với con người...
- Nhất định người xây dựng các dự án, nhất là người phê duyệt các dự án phải có thêm một cách đầy đủ kiến thức văn hóa chứ không chỉ vì kinh tế và kiến trúc. Hơn nữa càng không thể vì lợi cá nhân, vì lợi trước mắt, lợi dụng tình hình để "đục nước béo cò"...
- Vâng, thưa ông, ông có thể có ý kiến gì, giải pháp gì để giữ gìn và phát huy tốt nhất bản sắc văn hóa vùng?
- Thì trước hết chúng ta phải xác định được những vùng khác nhau. Tôi nghĩ trong nội đô, tức bốn quận nội thành cũ phải là một vùng. Nó phải khác với anh Thanh Trì, Sóc Sơn. Ở Hà Tây cũ cũng có những vùng khác nhau. Từ xác định vùng ấy có những chủ trương thích hợp, sự đầu tư thích hợp. Và ngoài việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, chúng ta phải xây dựng những giá trị văn hóa mới, nền văn minh mới. Như trên đã nói, là người Thủ đô Hà Nội thì phải tài giỏi và thanh lịch. Cụ thể hơn, người gốc nông thôn phải nhanh chóng nắm bắt được lối sống đô thị và tuân thủ nghiêm pháp luật. Có một câu cách ngôn hồi chúng tôi học tiểu học, đó là Văn minh tự thể trên đường. Chen lấn, không nhường nhịn, sẵn sàng "xử lý" nhau, là những điều thường thấy trên đường phố. Không thể đổi sự thanh lịch xưa bằng những biểu hiện ấy, không thể đổi tình xóm giềng tắt lửa tối đèn bằng những khu phố có biệt thự liền kề mà "xa cách" về tình nghĩa xóm giềng... Rất nhiều điều đáng suy nghĩ, nhưng chủ yếu là suy nghĩ, hành động của tất cả mọi người, chứ không phải của chính quyền hay của ai đó phải làm...
- Xin trân trọng cảm ơn những ý kiến của ông.
(Theo: báo Nhân dân, Trích từ Cinet, ngày 30/8/2008)

Hành trình “Áo Ấm Cho Em 2023”: Đưa trẻ em từ vùng miền cao có thành tích học tập xuất sắc về thăm Thủ đô Hà Nội
Tiếp nối hành trình từ thiện 10 năm tới vùng miền núi Đông - Tây Bắc, ngày 7-9/1/2023, Công ty Du lị ...
Vietravel Airlines chính thức khai trương đường bay quốc tế đầu tiên Hà Nội - Bangkok
Thủ đô Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2022 – Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) chính thức ...
Công bố Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2022 và Giải chạy bộ kết hợp với âm nhạc - Da Lat Music Run 2022
Lễ họp báo công bố Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng và ra mắt giải “Da Lat Music Run 2022” được diễn ra ...
Ưu đãi giảm giá nhóm đến 200 nghìn cùng Khuyến mại Xuân 2022 Vietravel
Như một lời tri ân đến Quý khách hàng đã gắn bó cùng Vietravel trong suốt thời gian qua cũng như để ...
Thể lệ Cuộc thi thiết kế tour du lịch Đài Loan "Booking Your Next Trip"
Cuộc thi “"Booking Your Next Trip" do Vietravel phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Đài Loan tổ chức với ...
Chính thức ra mắt Bản tin Vietravel - Ấn phẩm Online
Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid - 19 hoành hành đã khiến chúng ta không thể thực hiện nh ...