Du lịch thành phố Hồ Chí Minh: Chuyển biến rõ rệt sau 1 năm gia nhập WTO

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch của cả nước. Sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), du lịch Thành phố đã có những chuyển biến rõ rệt. Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Đổng Thị Kim Vui, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

  14/12/2007 12:00

P/V: Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã có tác động như thế nào tới sự phát triển của du lịch thành phố? Xin bà cho biết những kết quả cụ thể mà du lịch thành phố đạt được sau 1 năm Việt Nam gia nhập tổ chức này?

 

Bà Đổng Thị Kim Vui: Việc Việt Nam gia nhập WTO đã đem lại cơ hội lớn đối với kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – thành phố vốn có vị trí, vai trò là một trung tâm kinh tế-văn hoá lớn của cả nước. Sự kiện này tạo ra sự chuyển biến khá rõ nét đối với du lịch thành phố, thu hút đông khách quốc tế đến tham quan cũng như tìm hiểu cơ hội đầu tư.

 

Du lịch thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Lượng khách quốc tế đến thành phố năm 2007 ước đạt 2.650.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt là loại hình khách du lịch hội nghị- hội thảo- triển lãm ( MICE) có xu hướng tăng, góp phần tăng doanh thu cho du lịch nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.

 

Công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh điểm đến thành phố có nhiều chuyển biến rõ rệt thông qua việc tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại thành phố và ở nước ngoài. Ngành du lịch thành phố khai thác lợi thế của các hãng hàng không, báo chí quốc tế để tổ chức nhiều đoàn Famtrip, Press trip và nhất là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nâng tầm và tổ chức tốt một số sự kiện tại thành phố, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế hàng đầu, tiêu biểu là Triển lãm quốc tế du lịch thành phố Hồ Chí Minh 2007.

 

Công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp được ngành du lịch thành phố chú trọng thông qua việc tăng cường hậu kiểm. Nét nổi bật là công tác phối hợp giữa Sở Du lịch với Sở Kế hoạch và Đầu tư và 24 quận huyện trong việc rà soát doanh nghiệp trên địa bàn để hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh đúng qui định và kịp thời phát hiện, xử lý một số doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật.

 

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố thể hiện vai trò năng động trong quá trình hội nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch thành phố thông qua việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá sản phẩm du lịch phù hợp với thu nhập xã hội. Bên cạnh những tour mở- thu hút khách phổ thông, các công ty lữ hành đã mở nhiều tour cao cấp hướng đến dòng khách thương gia có mức chi tiêu cao, phục vụ loại hình du lịch hội nghị- hội thảo ( MICE) ở một số doanh nghiệp hàng đầu như công ty Dịch vụ Lữ hành Saigon Tourist, Công ty Fidi Tourist, Bến Thành Tourist... Việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý môi trường và các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được các doanh nghiệp đưa vào hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu qủa quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường. Phương thức quảng bá, chào bán sản phẩm qua mạng đã được hầu hết các doanh nghiệp lữ hành lớn, khách sạn từ 3-5 sao áp dụng. Xu hướng liên kết doanh nghiệp lữ hành trong ngành để tăng chất lượng phục vụ và sức cạnh tranh đang phát triển mạnh không chỉ giữa các doanh nghiệp lớn mà còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp du lịch còn chủ động bắt tay liên kết với các tập đoàn lớn có thương hiệu mạnh trên thế giới để hỗ trợ phát triển, khai thác thị trường hai bên, tạo nguồn khách ổn định.

 

P/V: Thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã chú trọng đến nhiều giải pháp trong đó quan tâm nhiều tới vấn đề phát triển cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn cao cấp. Xin bà cho biết giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này?

 

Bà Đổng Thị Kim Vui: Hệ thống khách sạn (từ 1 đến 5 sao) của thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 có 289 khách sạn với 13.533 phòng, tăng 118 khách sạn và 2505 phòng so với cùng kỳ năm 2006. Trong đó, có 44 khách sạn từ 3-5 sao với 7.015 phòng, tăng 06 khách sạn và 748 phòng so với cùng kỳ năm 2006. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tăng mạnh về du khách do đó Sở Du lịch đã chủ động tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch phát triển mạng lưới khách sạn trên địa bàn thành phố từ nay đến 2010 cùng với các nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài.

 

Về các giải pháp cấp bách:

 

Trước hết, chúng tôi tiến hành thông báo rộng rãi qua nhiều kênh thông tin về yêu cầu cấp bách phát triển khách sạn cao cấp 3 đến 5 sao tại thành phố từ nay đến 2010 để kêu gọi các thành phần kinh tế, kể cả vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Khuyến khích, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các khách sạn có điều kiện mở rộng, nâng cấp thành các khách sạn 3 đến 5 sao. Hiện có 19 khách sạn có khả năng mở rộng, nâng cấp, bao gồm 4 khách sạn nâng cấp lên 5 sao, 3 khách sạn nâng cấp lên 4 sao và 12 khách sạn có thể nâng cấp lên 3 sao song song phát triển các dự án xây dựng mới.

 

Thành phố ưu tiên dành quỹ đất ở các khu vực có vị trí thuận lợi để xây dựng khách sạn 3- 4 – 5 sao hoặc khu phức hợp có chức năng kinh doanh khách sạn, khẩn trương quy hoạch xác định cụ thể địa điểm để kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhanh chóng quyết định đầu tư và tiến hành các thủ tục xây dựng để sớm đưa công trình vào sử dụng.

Bên cạnh đó, chúng tôi vận động các nhà khách của các Bộ Ngành Trung ương chuyển sang kinh doanh khách sạn theo Quyết định 317 của Chính phủ. Hiện tại, thành phố còn một số nhà khách có mặt bằng rộng, vị trí tốt có thể chuyển sang kinh doanh khách sạn như: Nhà khách của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ở đường Cách mạng Tháng 8, Nhà khách chính phủ ở đường Lý Thái Tổ, Nhà khách Quốc hội ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

 

Về các giải pháp lâu dài:

 

Trên cơ sở qui hoạch phát triển du lịch đến 2020, Thành phố ưu tiên dành quỹ đất đầu tư khách sạn 4 – 5 sao, đặc biệt là tại các Khu Phú Mỹ Hưng Quận 7, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Sở Du lịch giới thiệu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kể cả về nghiệp vụ khách sạn lẫn ngoại ngữ, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, bảo đảm đúng yêu cầu và tiêu chuẩn của từng cấp hạng sao. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch - khách sạn vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ khách sạn.

 

Từng bước xây dựng thương hiệu quản lý kinh doanh khách sạn của Thành phố Hồ Chí Minh, ổn định và nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp khách sạn thành phố trên bước đường hội nhập quốc tế.

 

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, đến năm 2010 thành phố có khả năng có thêm trên 6.000 phòng khách sạn cao cấp góp phần giải quyết tình trạng thiếu phòng khách sạn trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

 

P/V: Trong xu hướng hội nhập hiện nay, du lịch thành phố chọn hướng đi nào để phát huy lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam?

 

Bà Đổng Thị Kim Vui: Phát huy kết quả đạt được của năm 2007, năm 2008 du lịch thành phố tiếp tục khai thác lợi thế so sánh để tập trung phát triển và đa dạng hoá các loại sản phẩm du lịch vốn là thế mạnh (du lịch mua sắm, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch MICE, du lịch sinh thái). Phát huy lợi thế là trung tâm trung chuyển khách trong nước và với các nước trong khu vực, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá trong đó, chú trọng các kênh báo chí truyền thông trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, tổ chức tốt các sự kiện du lịch định kỳ (Ngày hội du lịch, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Triển lãm Du lịch quốc tế ITE, Liên hoan Món ngon các nước), tổ chức và tham gia các sự kiện ngoài nước nhằm chủ động quảng bá hình ảnh điểm đến ngay tại nước sở tại; tăng cường hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước nhằm thực hiện kết nối sản phẩm, liên kết quảng bá, tranh thủ hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực; công tác đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuẩn hoá đội ngũ, đặc biệt chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao hịệu lực quản lý nhà nước và công tác cải cách hành chính, chú trọng nâng cao vai trò của hiệp hội du lịch thành phố cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn minh thân thiện.

 

P/V: Xin cảm ơn bà!

(Nguồn Website Đảng CSVN)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Cùng Vietravel săn tour giá tốt giảm đến 20 triệu đồng tại Ngày hội Du lịch TP.HCM 2024

Đồng hành cùng sự kiện Ngày hội Du lịch TP.HCM 2024 trong khoảng thời gian từ 4/4 - 7/4/2024 tại Khu ...

  29/03/2024 16:18

Gần 200 du khách khởi hành đến Takamatsu trên chuyến bay thuê bao nguyên chuyến đầu tiên của Vietravel & Vietravel Airlines

Vào ngày 17/03/2024, Công ty Du lịch Vietravel và Hãng hàng không Vietravel Airlines đã tổ chức chuy ...

  17/03/2024 14:02

Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá

Theo các doanh nghiệp du lịch, số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tă ...

  15/03/2024 10:34

Thử tài “bắt hoa bay” cùng Vietravel: Chơi minigame là có quà

Hành trình khám phá mùa hoa Thế giới 2024 của Vietravel đã bắt đầu rôm rả kể từ sau Tết Nguyên đán. ...

  08/03/2024 16:57

Vietravel vinh dự nhận được các giải thưởng lớn tại World Mice Awards 2023

Vào tối ngày 06/03/2024, Lễ trao giải World MICE Awards 2023 đã được tổ chức đồng thời với Hội chợ I ...

  07/03/2024 16:52

Tưng bừng khám phá “Ngày hội Hoa Anh Đào Nhật Bản 2024” cùng Vietravel

Mùa xuân Nhật Bản chưa bao giờ thôi quyến rũ những “tín đồ xê dịch”. Đến đây, du khách sẽ choáng ngợ ...

  03/03/2024 10:01
pin