Huyền bí lễ hội nhảy lửa

Là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, nơi con người dám đương đầu với nguy hiểm để xua đuổi tà ma, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn mang đậm nét huyền bí là một khám phá rất thú vị khi bạn đến thăm cao nguyên đá Hà Giang.

  05/03/2014 15:29

 

Dân tộc Pà Thẻn hiện có khoảng 5.000 người sống tập trung ở hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó đặc sắc nhất chính là lễ hội nhảy lửa. Người Pà Thẻn Hà Giang thường tổ chức lễ khi đã thu hoạch vụ mùa (khoảng tháng 10 âm lịch và kéo dài đến rằm tháng Giêng) để tạ ơn thần linh đã ban mùa màng tươi tốt, bội thu và cầu mong mưa thuận gió hòa cho năm sau. Đây cũng là lúc bước vào thời kỳ lạnh giá của mùa đông nên lửa sẽ mang lại sự ấp áp, xua đuổi tà ma, bệnh tật. 

Người Pà Thẻn quan niệm xung quanh luôn có các vị thần che chở, giúp họ vượt qua nguy hiểm và vị thần tối cao nhất chính là thần Lửa. Vì vậy, khi lễ hội nhảy lửa diễn ra, tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. Đây là một trong những lễ hội độc nhất vô nhị ở miền núi biên giới phía Bắc được bà con dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung ở huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) gìn giữ, bảo tồn. Họ nhảy múa trên than hồng bằng đôi chân trần nhằm trừ ma tà, cầu xin thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn, con cháu được khoẻ mạnh.

Một đống lửa lớn được đốt lên rừng rực cháy sáng cả một khoảng sân làng và thầy cúng tiến hành làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu. Lễ vật cúng tế gồm có một bát hương, một chiếc đàn sắt, một con gà, 10 chén rượu, tiền giấy... Thầy mo vừa đọc thần chú, vừa gõ vào đàn phát ra âm thanh rộn ràng để xin phép tổ tiên, thần lửa, thần nước cho dân làng tổ chức trò chơi. 

Sau khi thầy cúng làm lễ xong, những thanh niên tham gia lễ hội nhảy lửa ngồi đối diện với thầy mo, liên tục dùng que tre gõ vào chiếc đàn sắt để xin sức mạnh của thần linh. Nếu thanh niên nào nhập đồng được, người sẽ run lên, lắc lư mạnh dần theo tiếng nhạc và đứng dậy nhảy vào đống lửa trong tiếng reo hò của dân làng. Dường như có một nguồn năng lượng nâng bổng người thanh niên lên. Anh nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực mà không hề sợ hãi hay bỏng rát. 

Họ thường nhảy thành từng đôi, rồi nhảy múa, lăn vòng mặc cho lửa vẫn còn cháy theo từng gót chân… từ 5 - 10 phút tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Ngạc nhiên hơn, họ vừa nhảy vừa đưa tay bới tung than hồng, thỉnh thoảng lại bốc lên một viên than cho vào miệng nhai. Trong khi đó, thầy mo tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc huyền bí lẫn với lời khấn lầm rầm. Khi hết sức mạnh, họ bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ, lắc lư trong tiếng nhạc và chờ thần linh ban cho đợt nhảy mới. 

Càng về sau, vũ điệu lửa càng cuốn hút người xem bởi không khí linh thiêng, huyền hoặc. Vào đợt nhảy cuối, thầy mo cũng tham gia trình diễn những bước nhảy mạnh mẽ và oai phong. Chiếc áo khoác đỏ, chiếc mũ sặc sỡ cùng những đốm lửa rực rỡ như pháo hoa khiến khung cảnh lộng lẫy và mê hoặc vô cùng. Cứ thế, từng đôi nối tiếp nhau trình diễn vũ điệu lạ kỳ, huyền bí ấy cho đến khi đám than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm. Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân sau nhiều ngày đi bộ nơi núi rừng, thế mà chẳng ai bị bỏng hay cháy quần áo, đôi mắt lại rực sáng, đôi má hây hây đỏ trong ánh lửa bập bùng.

Khi lửa đã tàn, ông thầy cúng làm lễ để tiễn "thần lửa" và các con ma về chốn cũ. Mọi người tham gia nhảy lửa trở về trạng thái bình thường. Nhảy lửa chỉ dành cho nam thanh niên từ 13 tuổi trở lên có sức khỏe tốt. Chàng trai Pà Thẻn tham gia lễ hội luôn nhận được sự ngưỡng mộ của du khách, sự tin yêu của các cô gái. Hàng trăm đôi mắt đã dõi theo từng bước nhảy điêu luyện, để khi xong lễ họ làm quen, nên nghĩa vợ chồng và năm sau lại địu con dự lễ hội thần lửa.

Ngày nay, các bản làng người Pà Thẻn vẫn thường xuyên tổ chức lễ hội nhảy lửa vào dịp cuối năm hay hội xuân với đầy đủ nghi thức truyền thống. Phong tục này truyền dạy cho con cháu cách xua tan nỗi sợ hãi và nung đúc tinh thần dũng cảm. Đây là một trong những nét hấp dẫn du khách khi đến với vùng đất địa đầu Hà Giang.

 Bài: Thái Hà. Ảnh: Quốc Phương

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin