Lễ ăn cơm mới với người Kor

Lễ ăn lúa mới, tiếng Kor gọi là xa păng đau, diễn ra vào khoảng cuối tháng tám đầu tháng chín âm lịch hằng năm. Khi lúa trên rẫy đã chín, phụ nữ Kor mang chiếc tró (gùi kín, nhỏ mang ở thắt lưng, trước bụng) lên rẫy suốt lúa. Tuỳ theo số người trong nhà đông hay ít mà người ra suốt 2 hoặc 3 hoen (gùi kín, lớn) lúa trên rẫy.

  14/12/2007 14:15

Lúa được cõng về, trải trên chiếc chiếu phơi đặt trên giàn bếp cho khô rồi giã thành gạo, để hôm sau nấu cúng. Lễ vật cúng cơm mới còn có thể có heo, gà, vịt, nói chung là những loài vật nuôi sẵn trong chuồng, có heo cúng heo, có gà cúng gà, có vịt cúng vịt, không nhất thiết phải là con vật nào. Đối tượng thần cầu cúng đều là các nữ thần, tức các Moh: Moh Huýt là thần giữ giống lúa, Moh Crai là thần phù hộ cho lúa tốt, Moh Pút là thần phù hộ cho lúa hình thành hạt gạo ngon, Moh Lúp phù hộ cho sự gom góp lúa đủ đầy, Moh Pnel phù hộ cho con người ăn được nhiều cơm gạo, lại có Moh Hỏi, như là hai chữ vân vân, có nghĩa là các Moh khác nữa mà người cúng vái có thể không biết được hết. Cúng lễ ăn cơm mới thường trong phạm vi gia đình, mỗi gia đình tổ chức cúng riêng. Nhưng mọi người chỉ cúng sau khi ông chủ nóc đã bắt đầu cúng. Các nhà có thể cúng lễ ăn cơm mới cùng một ngày, có thể cúng những ngày khác nhau, tuỳ theo nóc. Nghi thức hiến tế các con vật nuôi (heo, gà, vịt), đều như các lễ thức khác, đều phải qua hai cung đoạn cúng sống (hay cúng tươi) và cúng chín. Cúng sống nếu là heo thì cột heo nằm ngoài sân, chủ lễ bưng cái đík thúc (cơi thờ đan bằng tre, đựng tro, chén gạo nhỏ, đốt trầm và thắp đèn sáp ong) cầm xâu lục lạc ra sân cúng vái, dùng dao phép đâm phép vào con heo, dùng cây phép gõ phép vào heo, rung lục lạc gọi hồn, sau đó đưa heo xuống làm thịt và chuẩn bị cúng chín. Heo luộc xong thì chuẩn bị nghi thức cúng chín, diễn ra trong nhà. Chủ lễ cũng ngồi bên cái đík thúc, khấn vái, rung lục lạc gọi hồn về chứng kiến. Nếu cúng gà, cúng sống thì ôm con gà sống vái ngay trong nhà, sau đó đưa xuống làm thịt nấu xong thì tiếp tục đưa lên cúng chín. Phẩm vật cúng được bày biện trong nhiều "mâm" (có thể từ 10 đến bốn chục "mâm"), trong đó "mâm" lớn đặt ở giữa, có đầu heo, gan lòng heo, con gà, gan gà, mâm nhỏ đặt trên lá chuối rừng theo hàng xung quanh, theo nguyên tắc mỗi "mâm" tối thiểu phải có chén cơm mới với con cá suối nhỏ, chén nước, chén rượu, lá trầu chấm vôi, ít cau xé nhỏ, tí thịt, tí gan.

(Nguồn báo Quảng Ngãi)

 

Trong mâm cúng cũng không thể thiếu chai rượu trắng. Chủ lễ bưng cái đík thúc ngồi vái từng vị thần, mỗi lần vái lại bốc ít gạo rải vào các mâm, cầm xâu lục lạc đặt ở mâm lớn nhất rung gọi hồn. Cúng lễ xong, người chủ lễ bốc ít cơm bỏ lên đầu mình, rồi lần lượt bốc cơm bỏ lên đầu vợ, con trong nhà, biểu thị sự hàm ơn các thần đã phù hộ cho lúa tốt, bội thu. Khoảng kết thúc lễ cúng, ông lại bốc ít cơm trong chén bỏ lên đầu mình, lên hai vai, hai bên hông mình và cuối cùng bốc ít gan gà bỏ lên đầu vợ. Lễ cúng đơn giản nhưng trang nghiêm. Có khách đến, chủ nhà sẽ lấy các thức cúng đãi dằng khách ăn uống thật vui vẻ, lại đem ít thịt đến biếu bà con trong làng. Chỉ sau khi làm lễ ăn lúa mới xong gia đình mới lên rẫy suốt lúa. Lễ ăn cơm mới ở đây có ý nghĩa như lễ cúng cáo thần linh đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bội thu và xin được đưa lúa về. Người Kor không chỉ làm lúa, nhưng lúa là một phần quan trọng quyết định tới sự đói no, thiếu đủ của mỗi gia đình. Xưa kia các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên phổ biến tín ngưỡng hồn lúa, chính là nền tảng tâm linh cho lễ ăn lúa mới. Một yếu tố thực tế cũng góp phần làm phát sinh nghi lễ này cũng chính là do để có được số lúa rẫy ít ỏi, người Kor đã phải bỏ ra nhiều công sức với rất nhiều rủi ro. Địa bàn người Kor sinh sống (Trà Bồng, Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi và Trà My tỉnh  Quảng Nam) vốn không có thung lũng rộng để có thể hình thành ruộng nước, chỉ nhờ vào lúa rẫy. Xưa kia, rừng núi vây phủ, có rất nhiều loài chim thú như voi, hổ, khỉ, gấu, chim, chuột, sẵn sàng phá hoại mùa màng. Sau khi trỉa lúa, lúa mọc lên, người Kor dùng cái rựa quéo (kno) làm cỏ lúa, rồi từ đó ngày ngày phải lên chòi trên rẫy giữ lúa. Chòi dựng bằng cây, ở trên cao bằng cái nóc nhà, để đề phòng thú dữ. Đêm đêm người ta phải ngủ ở đó, nếu thấy có chim thú đến thì đốt đuốc, la hú đuổi đi. Có khi có voi dữ tới, người ta la lên vang động, đốt lửa xua voi. Lễ ăn lúa mới đơn giản nhưng biểu hiện sự trân trọng đối với thành quả lao động, trân trọng đối với hạt lúa, đúng như người Việt thường nói "hạt lúa là hạt ngọc" vậy.

(Nguồn báo Quảng Ngãi)

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin