Tết Việt trên đất Mỹ - giữ nét truyền thống quê nhà

Sáng nay video call với bác gái đang sống ở miền Nam Cali nước Mỹ, bác lại rủ rê năm nay qua ăn Tết sẵn kết hợp du lịch mùa xuân. Trả lời còn lâu lắm mới Tết mà, bác nói ngay: “Quay qua quay lại hết năm bây giờ đó, giờ này đã nhiều người Việt mình giở lịch ra xem Tết năm nay có trùng cuối tuần không để lên kế hoạch rồi. Phải tranh thủ, còn vui được cái không khí Tết quê năm nào hay năm đó con ơi!”

  27/01/2020 16:20

Người Việt ăn Tết xa quê - nếp nhà gìn giữ

Theo thống kê gần đây, có đến gần hai triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống rải rác khắp các bang nước Mỹ và tập trung đông nhất ở California là khoảng 10%. Nhớ năm ngoái lần đầu trải nghiệm đón Tết với nhà bác gái ruột, tôi vô cùng choáng ngợp vì những món ăn ngày Tết quen thuộc của mọi gia đình Việt vẫn đủ đầy, tươm tất, thậm chí những món ăn thuở nhỏ mà giờ con nít Việt Nam còn ít “chịu ăn” như bánh in, bánh đậu xanh cũng có mặt trên bàn trà. 

Sáng 28 Tết, như mọi gia đình Việt kiều đang sinh sống tại xứ người xa xôi nhưng luôn đau đáu về một cái Tết trọn vẹn, đại gia đình nhà bác tôi cùng mấy người bạn rủ nhau đi chợ trái cây và chợ Tết ở khu Little Saigon để sắm sửa thức ăn, cây kiểng và mấy món trang trí nhà cửa truyền thống. 
 

Dạo bước cùng cả nhà trong khu chợ, gọi là chợ nhưng nó quy củ và sạch sẽ kiểu như siêu thị bên mình, tôi càng thấy quý hơn cái tình người nơi xứ lạ. Bất cứ ai tôi gặp ngoài đường, nếu biết là người Việt đều dừng lại vui vẻ chào hỏi nhau, sẵn hỏi thăm vài câu mua gì, ăn Tết với ai, sao không có “plan” về Việt Nam mà ăn Tết cho vui hơn? Cái không khí Tết rộn rã, tình đồng hương và nỗi vui chung dường như kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

Chọn một bó hoa lay ơn và một chậu sung với giá hơn 80 USD, một cô khoảng U60 giọng vừa vui vừa bùi ngùi chia sẻ: “Giá cả cũng bình thường như mọi ngày thôi à. Cô nhất định phải mua hoa gì nó truyền thống một chút, phần cúng ông bà, phần trang trí cho nhà cửa, vì ngày trước ở Việt Nam, nhà cô năm nào cũng phải chưng một bình lay ơn đỏ thiệt đẹp ba ngày Tết. Giờ nhìn nó, cô thấy nôn Tết lắm!”.

Tết Việt xứ người - lắng đọng nhưng cũng đầy rộn rã

Dù bận rộn cách mấy, người Việt xa xứ vẫn luôn duy trì Tết Việt để truyền giữ tình cảm gia đình, nuôi dưỡng tình yêu với quê hương, nhất là để lại hình ảnh đẹp cho thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, vốn bắt nhịp nhanh hơn với Noel, Tết Dương lịch… Chính vì vậy, không chỉ riêng Cali với chợ hoa Tết trên đại lộ Bolsa; hay khu chợ Phước Lộc Thọ bán không thiếu món quà Tết nào; chợ Tết Santa Clara đông đúc, vui nhộn với múa lân, trình diễn áo dài, trò chơi dân gian... 

Những khu vực khác tập trung người Việt, tuy ít hơn nhưng cũng tưng bừng không kém như chợ Tết tại Asia Times Square, Texas hay chợ Hongkong ở Atlanta… Người ta bán đủ thứ trên đời, nào hoa quả, bánh mứt, nào đồ khô, lạp xưởng, thậm chí cả bó lá chuối, xấp dây lạt cho nhà nào tự nấu bánh chưng, bánh tét.

Tôi còn nhớ nguyên vẹn cảm xúc ngày mùng 1 Tết ở nhà bác, theo Dương lịch là 16/2 trùng vào thứ sáu, tức ngày làm việc bình thường của mọi người, ai sắp xếp nghỉ phép được mới nghỉ, còn không thì phải đi làm rồi chơi bù cuối tuần. Các cháu nhỏ người châu Á nói chung, người Việt nói riêng được nhà trường ưu tiên cho nghỉ holiday. Một số chủ cửa hàng, xưởng nhỏ cũng linh động cho nhân viên về sớm để ăn tiệc với gia đình. 
 

Mâm cỗ ngày Tết vẫn đủ bánh chưng, giò chả, lạp xưởng, thịt kho, canh khổ qua…, gói ghém tình cảm của người con xa xứ. Hai ngày cuối tuần, ở các khu hội chợ Tết, các ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Bà Thiên Hậu (Teen How Taoist Temple, Texas), thiền viện Đại Đăng (San Diego)…, tiếng trống, tiếng nhạc Việt du dương. Phụ nữ và trẻ nhỏ mặc áo dài du xuân, viếng chùa tạo nên một bức tranh thật đẹp về cái Tết truyền thống dù cách quê nhà nửa vòng trái đất.

Hầu hết những gì tinh túy nhất của văn hóa dân gian đều có mặt tại các hội chợ xuân như múa quạt, biểu diễn võ thuật, xe hoa, lồng đèn… Đám trẻ nhỏ thì háo hức phần vì được nghỉ học, được lì xì, phần vì theo chân ba mẹ, được nghe kể về Tết. Những gia đình có người thân ở Việt Nam sang ăn Tết chung thì thay phiên nhau “off” để vui xuân kết hợp du lịch, nhất là khu bờ Tây nước Mỹ vì mùa Tết nguyên đán có khí hậu ôn hòa hơn. 

Dư dả thời gian thì lên tận Grand Canyon, New York thăm Đại lộ danh vọng, hồ Mead… Ít thời gian hơn thì thăm cảng và phố cổ San Diego, loanh quanh mấy công viên Los Angeles… “Tết” - tiếng gọi thân thương của người Việt vẫn luôn là dịp đáng trông đợi nhất trong năm để cùng vui chơi, du xuân bên gia đình, bè bạn và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời.

Ảnh: Báo Thanh Niên
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin