Bánh chưng xanh: Đậm đà vị Tết Đoàn Viên

“Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng bên cành đào tươi”… hình ảnh từ lâu đã quen thuộc trong tâm thức người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Trời đất giao hòa ngập tràn sắc xuân, dọc mọi miền đất nước từ thôn quê đến thị thành lại nhộn nhịp nao nức sắm sửa, chuẩn bị cho ba ngày Tết tươm tất, đầy đủ. Sẽ không trọn vẹn nếu ngày Tết thiếu mâm cổ đầu xuân, càng không thể thiếu chiếc bánh chưng, bánh tét trên mâm cổ và cả trong lòng người con đất Việt.

  09/02/2016 08:30

Sự tích bánh chưng ngày xuân

Truyền thuyết kể lại rằng, nhân dịp đầu xuân, vua Hùng đời thứ 6 đã triệu tập các con đến truyền rằng: ai tìm được lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhường ngôi. Từ đó, nguời lên rừng, kẻ xuống biển tìm châu ngọc và sản vật quý dâng lên vua. Lang Liêu - người con nghèo khó nhất - không thể tìm những sản vật quý hiếm. Chàng bèn dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra loại bánh chưng tượng trưng cho đất trời để dâng lên. Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng, vua đã truyền ngôi cho chàng. Từ đó bánh chưng trở thành vật phẩm không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Bánh chưng tượng trưng cho đất với màu xanh đại diện cho cây cỏ, đỗ xanh đại diện cho hoa quả, thịt lợn đại diện cho muông thú, và gạo nếp đại diện cho con người. Lá dong dùng để gói tạo cho bánh có màu xanh mướt. Chính màu xanh tự nhiên của lá gói khiến món ăn này trở nên đặc biệt và bắt mắt. Ở một số vùng người ta thay lá dong bằng lá chuối, thậm chí lá bàng.

Qua thời gian, bánh chưng trở thành món ăn không thể thiếu vào ngày Tết. Ý nghĩa của bánh chưng trong mâm cổ Tết không chỉ ở sự kết hợp sản vật của đất trời mà còn thể hiện sự đầm ấm gia đình. Trong những ngày Tết se lạnh, cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng, tiếng cười đùa rộn rã. Đêm thức canh nồi bánh sôi sùng sục trên lửa hồng, mọi người cùng kể chuyện năm cũ, mong chờ một năm mới hạnh phúc, bình an. Với những người con xa quê, chỉ cần ngồi bên gia đình trong giờ phút ấm áp này là đã trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên.

Đậm vị Tết dân tộc

Đặc trưng văn hóa Bắc bộ vào ngày Tết là trên bàn thờ tổ tiên bày mâm ngũ quả, bánh mứt, rượu ngon, bình hoa xuân tươi thắm và chắc chắn phải có bánh chưng. Bánh chưng sau khi dâng lên tổ tiên, được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức.

Hẳn chúng ta sẽ không ngớt lời tấm tắc về món mĩ vị vừa ngon, béo, thơm đồng thời cũng trông thật đẹp mắt. Bánh chưng tôn lên niềm tự hào văn hóa ẩm thực của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Đó là loại thức ăn vừa độc đáo, vừa gần gũi mà không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. Độc đáo ở chỗ: loại bánh này do chính người Việt Nam sáng tạo nên từ nguyên liệu rất gần gũi và dễ tìm kiếm trong dân gian như: gạo nếp, thịt heo, hành, tiêu, đậu xanh, lá dong rừng (hoặc lá chuối, lá tre...), lạt giang... đôi khi có khi thêm một số nguyên liệu phụ như: quả chùm phù (lúc chín có màu đỏ), quả gấc... để tăng màu đẹp mắt cho nhân bánh.

Nói bánh chưng mang đậm vị Tết dân tộc là vì thế. Hiếm có loại bánh nào được làm ra còn giữ nguyên vẹn vị đất trời quyện hài hoà vào nét tinh tế ẩm thực cổ truyền ngày Tết. Nếu ba ngày Tết đến xuân về mà thiếu đi hương vị bánh chưng trên bàn ăn gia đình thì xem như thiếu đi một phần trọn vẹn.  

Thiện Phạm

loading
Các tin khác
pin