Bánh xèo Sài Gòn
Chúng tôi ghé vào một quán bánh xèo lộ thiên ở một ngõ hẻm trên đường Bà Hạt. Món bánh xèo bình dân, chỉ lưa thưa vài cọng giá, chút xíu thịt băm, vài con tép bạc mỏng tang đã quá quen thuộc đến tưởng chừng như phát chán. Ấy vậy mà sắc vàng của bột nghệ, màu xanh của dĩa rau non và màu đỏ tươi của chén mước mắm ớt bằm như làm mát dịu không khí oi bức. Một chút mùi hành và làn khói mỏng từ cái chảo bắc trên lò than tổ ong bỗng gợi nhớ đến cái bếp cà ràng bập bùng ngọn lửa ở quê nhà.
Câu chuyện râm ran quanh cái bánh xèo cứ nối dài ra. Anh bạn ở miệt vườn Chợ Lách - Bến Tre chép miệng nhớ đến miếng nhưn bánh xèo quê anh béo ngọt nhờ có cơm dừa nạo và đậu xanh nấu vừa nở búp. Không phải là loại dừa khô quắt quéo xác cứng làm xảm miệng mà phải là loại dừa vừa cứng nạo, vỏ mới chớm đen. Thứ cơm dừa ấy ngọt mềm như da thịt con gái xuân thì!
Anh bạn ở vùng hạ sông Vàm Cỏ nước mặn đồng chua lại tấm tắc nhớ đọt mọt(*) có vị chát chát chua chua hoà với vị nhẩn nhẩn của lá cách và mùi thơm lừng của lá nghệ. Anh bạn cao hứng phân tích, ba yếu tố chính của bánh xèo là bột, rau và nước chấm chứ không phải là nhưn nhị.
Anh bạn ở Cà Mau gật gù đồng ý. Đất Mũi lắm cá nhiều tôm, bánh xèo hẳn không bao giờ loe ngoe vài chú tép mòng nhưng cái chính vẫn là rau rừng và nước chấm. Phải có lá cách, đọt sộp, lá bứa... Nước chấm phải làm bằng nước mắm rươi màu vàng sánh như hổ phách, mặn mòi ngọt đậm trên đầu lưỡi. Anh bạn Tây Ninh lại nhớ đến một thứ nhưn khác theo đặc sản của quê anh: khoai lang, sắn xắt sợi, tạo cho bánh xèo vị bùi ngọt và giòn. Theo câu chuyện ấy, dĩa bánh xèo bình dân trơ trọi của Sài Gòn đưa mỗi người chúng tôi lạc về một miền ký ức rất sâu, rất riêng tư.
Có một dạo Sài Gòn nổi lên phong trào khoai lang nướng. Đi đâu cũng gặp xe, sạp bán khoai lang nướng nghi ngút khói. Có người đã nghiệm ra rằng sâu kín trong mỗi thị dân Sài Gòn đều có một người nông dân ẩn náu. Người ta không chỉ ăn khoai lang nướng vì hương vị thơm ngon của nó mà đang nhấm nháp ký ức tiềm ẩn của chính mình.
Tôi cũng gốc gác nông dân, theo cuộc mưu sinh phải rời quê ra chợ, vì nợ áo cơm phải đi, đi miết rồi bám vô Sài Gòn như một thứ rong rêu. Trong buổi chiều oi bức này, nhấm nhá miếng bánh xèo thiếu nhưn, thiếu lá, thiếu mùi vị đặc sản quê hương, cái nhớ như cơn giông, như dòng lũ ùa tới như muốn cuốn tôi quay về với quê, với ruộng.
Nhưng chính trong nỗi nhớ lồng lộn điên cuồng đó, tôi chợt nghiệm ra: đâu chỉ có những con đường nhựa khô khốc vô tình, đâu chỉ có những khối bê tông trơ cứng, đâu chỉ có những nhà hàng sang trọng choáng ngợp ánh đèn, Sài Gòn còn có bánh xèo, có khoai lang nướng, có bánh lọt nước dừa đường cát... Hàng chục hàng trăm thức ăn dân dã của khắp mọi miền đất nước theo chân người nhập cư quần tụ về đây. Những món ăn ấy chở theo hàng vạn nỗi nhớ quê.
Sài Gòn đua chen, Sài Gòn ồn ào, Sài Gòn lạnh lùng sòng phẳng, nhưng trong lòng Sài Gòn không chỉ đằm thắm cưu mang những con người mà còn dịu dàng vuốt ve những trái tim bị gặm nhấm thương tích vì nỗi đau xa xứ bằng những món ăn bán kèm ký ức.
(Nguồn: SGTT)

Tour Tây Ninh 1 ngày: Hành trình chinh phục nóc nhà Nam Bộ – Chiêm bái Đại Tượng Phật Di Lặc và quần thể tâm linh Núi Bà Đen
Hành hương Núi Bà Đen – Chiêm bái tượng Phật Di Lặc, Quan Âm, Niết Bàn, Trụ Kinh Bát Nhã và thiền đị ...
Top 10 đặc sản Tây Ninh nên mua về làm quà
Gợi ý 10 đặc sản Tây Ninh mua làm quà: bánh tráng, muối tôm, thốt nốt, bò một nắng, bánh hồng… ngon ...
Du lịch hành hương Núi Bà Đen dịp Đại lễ Vesak 2025: Chiêm bái xá lợi Phật, thắp nến cầu an
Du lịch hành hương Núi Bà Đen dịp Vesak 2025: chiêm bái xá lợi Phật, tắm Phật, thắp nến cầu an, lịch ...
Top 4 hành trình tour du lịch dịp Đại Lễ Vesak 2025 trong nước độc đáo - Những điểm đến không thể bỏ qua
Khám phá các địa điểm du lịch trong nước dịp Đại Lễ Vesak 2025 với những tour du lịch tâm linh hấp d ...