Du lịch bền vững: Xu hướng giúp ngành du lịch “ăn chắc mặc bền”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng, ngành du lịch toàn cầu buộc phải chuyển mình để tồn tại và phát triển. Du lịch bền vững giờ đây không chỉ là một xu hướng mà là một cam kết, thúc đẩy kinh tế địa phương, bảo tồn văn hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng. Khác với lối du lịch truyền thống tiêu tốn tài nguyên và để lại hậu quả môi trường lớn, du lịch bền vững khuyến khích việc quản lý tài nguyên một cách hợp lý và tôn trọng quyền lợi của các cộng đồng địa phương, tạo ra giá trị lâu dài cho cả du khách và người dân bản địa.
1. Du lịch bền vững đang là mục tiêu chung của toàn cầu
Theo (World Conservation Union,1996): Du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên (và tất cả những đặc điểm văn hoá kèm theo, có thể là trong quá khứ và cả hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế-xã hội của cộng đồng địa phương.
Du lịch bền vững có gì khác với du lịch đại chúng?
Du lịch đại chúng không được lập kế hoạch cẩn thận cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc giáo dục, không mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương và có thể phá huỷ nhanh chóng các môi trường nhạy cảm. Và kết quả là có thể phá huỷ hoặc làm thay đổi một cách không thể nhận ra được các nguồn lợi và văn hoá mà chúng phụ thuộc vào.
Ngược lại, Du lịch bền vững thì được lập kế hoạch một cách cẩn thận từ lúc bắt đầu để mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên và giáo dục du khách và cả cộng đồng địa phương. Du lịch bền vững có thể tạo ra một lợi tức tương tự như du lịch đại chúng, nhưng có nhiều lợi ích được nằm lại với cộng đồng địa phương và các nguồn lợi tự nhiên, các giá trị văn hoá của vùng được bảo vệ.
Các hợp phần của du lịch bền vững
Du lịch bền vững có 3 hợp phần chính, đôi khi được ví như “ba chân” (International Ecotourism Society, 2004):
1. Thân thiện môi trường, du lịch bền vững có tác động thấp đến nguồn lợi tự nhiên và khu bảo tồn biển nói riêng. Nó giảm thiểu các tác động đến môi trường (động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm …) và cố gắng có lợi cho môi trường.
2. Gần gũi về xã hội và văn hoá. Nó không gây hại đến các cấu trúc xã hội hoặc văn hoá của cộng đồng nơi mà chúng được thực hiện. Thay vào đó thì nó lại tôn trọng văn hoá và truyền thống địa phương. Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành tour, và quản lý chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.
3. Có kinh tế, nó đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như càng nhiều bên liên quan khác càng tốt. Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh. Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn. Một đơn vị kinh doanh du lịch mà có đủ 3 tiêu chí trên thì “sẽ kinh doanh tốt nhờ làm tốt”.
Điều này có nghĩa là việc thực hiện kinh doanh du lịch trong nhiều cách có thể không phá huỷ các nguồn lợi tự nhiên, văn hoá và kinh tế, nhưng cũng khuyến khích đánh giá cao những nguồn lợi mà du lịch phụ thuộc vào. Việc kinh doanh mà được thực hiện dựa trên 3 tiêu chí này có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hoá và mang lợi tức đến cho cộng đồng và có thể cũng sẽ thu lợi tức.
2. Du lịch bền vững diễn ra sôi nổi ở thị trường Đông Nam Á
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế nhanh nhất toàn cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2019, Đông Nam Á đã tiếp đón 137 triệu lượt khách quốc tế và gần 1 tỷ lượt khách nội địa. Ngành du lịch chiếm 12,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á, khoảng 42 triệu người hoạt động trong ngành du lịch. Hơn 2 năm gián đoạn du lịch vì đại dịch Covid-19 dường như đã trở thành cơ hội hiếm có để nhiều chính phủ ở khu vực Đông Nam Á suy tính lại về ngành công nghiệp không khói, nhằm hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn.
Sau khi dần vượt qua những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch của các nước ASEAN đang từng bước hồi phục. Các quốc gia Đông Nam Á hiện đặt mục tiêu thu hút thêm du khách để lấy lại đà tăng trưởng và hướng tới phát triển mạnh mẽ, bền vững cho "ngành công nghiệp không khói" trong khu vực.
Du lịch bền vững đang phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, nơi các sáng kiến bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Với cảnh quan thiên nhiên phong phú cùng văn hóa đa dạng, Đông Nam Á nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích du lịch bền vững. Tuy nhiên, chính sự gia tăng du khách cũng đặt ra nhiều thách thức về bảo tồn tài nguyên và duy trì bản sắc văn hóa. Trong đó, Thái Lan đã tiên phong với nhiều hoạt động và chiến dịch nhằm bảo vệ môi trường biển, rừng quốc gia và các địa điểm di sản. Quốc gia này đặt trọng tâm vào việc giảm thiểu rác thải, phát triển các khu du lịch sinh thái và khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch.
Hình mẫu du lịch bền vững tiêu biểu của Thái Lan
Nằm cách đất liền 38 km, Koh Mak là hòn đảo lớn thứ ba thuộc tỉnh Trat của Thái Lan, chỉ xếp sau Koh Chang và Koh Kut về diện tích. Koh Mak không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và hoang sơ mà còn trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích lối sống xanh và du lịch bền vững. Trên đảo, nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường được thực hiện nhằm duy trì sự trong lành của bãi biển và bảo tồn hệ sinh thái biển quý giá. Người dân và các doanh nghiệp địa phương cùng nhau thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, từ việc giảm thiểu rác thải nhựa đến tổ chức các tour khám phá hệ sinh thái với hướng dẫn viên là cư dân bản địa.
Koh Mak đã được Chính phủ Thái Lan lựa chọn làm nơi thử nghiệm chính sách du lịch xanh theo mô hình kinh tế BCG (Sinh học – Tuần hoàn – Xanh). Theo đó, hòn đảo được định hướng trở thành điểm đến du lịch kiểu mẫu, vừa đảm bảo tạo ra thu nhập bền vững cho cộng đồng địa phương, vừa thúc đẩy việc quản lý môi trường hiệu quả và cam kết giảm thiểu tối đa lượng carbon trong mọi hoạt động du lịch. Mô hình này hướng tới một hệ sinh thái du lịch tuần hoàn, giảm thiểu rác thải và áp dụng các quy trình sinh học nhằm bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên của đảo.
Giải thích cho sự lựa chọn này, ông Chumpol Musiganont - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý các khu vực được chỉ định cho du lịch bền vững (DASTA) của Chính phủ Thái Lan - chia sẻ: “Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là sự tồn tại của một bản 'Hiến chương Du lịch bền vững' do chính người dân trên đảo lập ra. Đây là yếu tố cốt lõi để đảm bảo người dân có sự tham gia trọn vẹn và có trách nhiệm trong mọi khía cạnh phát triển du lịch bền vững trên Koh Mak.” Bản hiến chương này đóng vai trò như một cam kết chung, bảo đảm rằng mỗi hoạt động trên đảo đều phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần nâng cao ý thức và sự hợp tác của toàn cộng đồng trong công cuộc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.
Áp dụng du lịch bền vững ở các điểm du lịch “nóng”
Một mô hình du lịch bền vững Thái Lan đang được triển khai ở vịnh Maya - nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch của Thái Lan. Nơi đây từng đón 7.000 khách du lịch mỗi ngày, khiến hệ sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng, buộc nhà chức trách phải đóng cửa vịnh. Dưới sức ép phục hồi ngành du lịch hiện nay, vịnh Maya đã được mở cửa trở lại, nhưng với cách quản lý mới để cân bằng giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo vệ hệ sinh thái.
Dưới làn nước trong xanh ở vịnh Maya, du khách dễ dàng bắt gặp những con cá mập tre con tung tăng bơi lội ở vùng nước nông ngay sát những bãi cát trắng. Xa xa những rạn san hô bị hư hại đã bắt đầu được hồi sinh, các sinh vật biển phát triển mạnh. Đây là điều chưa từng có trước khi khu vịnh này bị đóng cửa.
Nhằm giữ cho hệ sinh thái mong manh mới được khôi phục trở lại, nhà chức trách đã đưa ra nhiều giải pháp dựa trên ý kiến đóng góp của các chuyên gia bảo tồn. Theo đó, số lượng du khách đến vịnh Maya chỉ giới hạn 375 người mỗi đợt. Đồng thời, du khách cũng chịu nhiều hạn chế nghiêm ngặt về thời gian hoạt động và trải nghiệm trên đảo. Để không làm phiền những chú cá mập con, khách du lịch chỉ được phép ở vùng nước nông và đứng ở nơi mực nước biển dưới đầu gối của họ.
Cô Gytaute - Du khách đến từ Litva: "Tôi nghĩ việc không cho phép du khách được bơi trong vịnh là để cứu lấy hệ sinh thái ở đây, tôi đánh giá cao cách làm này vì như vậy hệ sinh thái mới không bị hủy hoại mà giúp cho vịnh vẫn giữ được vẻ đẹp".
Nếu như trước kia có hàng trăm thuyền đưa khách du lịch vào vịnh mỗi ngày gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thì nay, các thuyền phải neo đậu từ phía xa. Từ đó, du khách đi bộ dọc theo một con đường bằng gỗ nổi để vào thăm vịnh.
Quán triệt từ những cái nhỏ nhất để đạt được du lịch bền vững
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), nền du lịch nước này sẽ đi theo hướng giá trị cao và bền vững, trong đó chú trọng quảng bá nước này là điểm đến có thể du lịch quanh năm. "Thái Lan đưa ra 15 tiêu chí về du lịch bền vững dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, cơ sở du lịch dần đạt được từng tiêu chí. Trong đó có các tiêu chí về phân loại, xử lý rác thải, ưu tiên các vật liệu thân thiện môi trường…
Trong 15 tiêu chí đó, nếu các khách sạn có thể đạt 4-5 tiêu chí có thể xếp hạng 1 sao. Thái Lan cũng xây dựng các chứng nhận liên quan đến du lịch bền vững, chẳng hạn như Thailand Tourism Awards, CF-Hotels, Green Hotels…", bà Patsee Permvongsenee - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết.
Theo trang Nikkei Asia, Thái Lan nổi tiếng thế giới với các món ăn đường phố làm từ động vật ngon và rẻ. Có hải sản đủ hình dạng, thịt lợn xào, cà ri gà nướng và thịt bò cùng nhiều món ăn được tẩm gia vị đa dạng. Đồ ăn chay ít phổ biến hơn. Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào nền ẩm thực siêu quốc tế của Bangkok, bạn sẽ thấy lịch sử phong phú về cách nấu ăn không có thịt hoặc cá.
Mức độ chú ý đến thực phẩm thuần chay đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Ngay cả những người Thái không ăn thuần chay hiện cũng nhận thức được đây là chế độ ăn uống khỏe mạnh và có ý tưởng tích cực về nó. Ngày càng có nhiều người trở nên linh hoạt hơn trong ăn uống và đôi khi họ lựa chọn ăn chay để cân bằng ẩm thực.
Đáng chú ý, trong tháng 10 này, thành phố Phuket (Thái Lan) sẽ trở nên náo nhiệt với Lễ hội ăn chay Phuket kéo dài 10 ngày trên đường phố. Mặc dù Thái Lan chủ yếu là một quốc gia Phật giáo, với nhiều lễ hội gắn liền với chu kỳ mặt trăng và các hoạt động tôn giáo, nhưng các lễ kỷ niệm như lễ hội ăn chay Phuket sẽ thu hút du khách cả trong nước và quốc tế.
Tham khảo các tour Du lịch bền vững Thái Lan ngay:
Du lịch bền vững không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là con đường dài hạn giúp ngành du lịch phát triển vững vàng trong tương lai. Khi các doanh nghiệp du lịch và du khách ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, hành trình khám phá thế giới trở nên giàu ý nghĩa và nhân văn hơn. Với các biện pháp bảo tồn tài nguyên, thúc đẩy kinh tế địa phương và tôn trọng văn hóa bản địa, du lịch bền vững mang lại giá trị bền lâu cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Để tiếp tục hành trình này, sự hợp tác giữa các bên liên quan và ý thức của từng du khách là chìa khóa giúp ngành du lịch “ăn chắc mặc bền,” vững bước trên con đường phát triển xanh và bền vững.