Món ngon miền Tây - Đi xa là nhớ, đi về là ăn

Mùa nước nổi miền Tây mang theo nhiều sản vật mà tiêu biểu là bông điên điển - loài hoa có vị thanh mát, hơi nhẫn, bùi bùi chế biến được nhiều món ăn ngon tuyệt. Đặc biệt, du lịch miền Tây mùa này bạn còn có thể thưởng thức những món ngon miền Tây dân dã nhưng đậm đà đến khó quên.

  26/10/2022 11:05
Món ngon miền Tây mùa nước nổi có sự góp mặt của bông điên điển gây bao thương nhớ, khiến bao người về chỉ muốn ăn ngay phải kể đến như canh chua bông điên điển nấu với cá rô đồng, lẩu mắm, gỏi bông điên điển tép riu và món bún cá - đặc sản trứ danh ở Châu Đốc, An Giang.

Những món ngon miền Tây được làm từ bông điên điển

Canh điên điển nấu cá rô đồng - cái tên gợi nhớ miền Tây từ những ngày tháng 8 âm lịch kéo dài cho đến hết tháng Chạp. Mỗi năm cứ vào dịp này, điên điển trổ bông vàng đồng, hái về bắc nồi canh cá rô, nêm tí muối tí me, nước sôi bùng thì cho bông điên điển và mớ giá đậu xanh vào. Canh điên điển ăn với cá kho, cá chiên hay chỉ cần chén nước mắm đồng vớt cá canh ra chấm đã đủ khiến bạn mê mẩn. 

Canh chua bông điên điển

Bún cá Châu Đốc cuốn hút thực khách bởi nước dùng đậm đà, thơm mùi mắm, kết hợp cùng những miếng nạc cá lóc đồng vàng màu nghệ, những miếng heo quay mỡ béo, da giòn... Đặc biệt là khi ăn kèm với bông điên điển, giá sống, rau muống và rau thơm.

Bún cá Châu Đốc

Với cách chế biến cũng tương tự như bún cá nhưng có phần đậm vị hơn, với nguyên liệu đa dạng hơn, lẩu mắm là một trong những món ngon miền Tây bạn không thể bỏ qua khi có dịp du lịch miền Tây mùa này. Thành phần chất đạm thường có đủ các loại cá (cá lóc, cá hú, cá kèo...), lươn, tôm, mực, ba rọi, heo quay, chả cá... Các loại rau, hoa, củ ăn kèm cũng rất phong phú, như bông điên điển, bông súng, bông so đũa, bông bí, bông lục bình, khổ qua, cà tím, rau nhút, rau đắng, kèo nèo, muống bào, bắp chuối, giá, bạc hà... đảm bảo ăn một lần là bạn cứ phải thèm thuồng muốn ăn thêm lần nữa.

Lẩu mắm cá linh non

Những bông hoa điên điển vàng tươi ấy khi kết hợp cùng con tép nhỏ tươi rói, được gọi là tép đồng, tép rong, tép riu, tép trấu, tép mòng, tép muỗi... còn có thể cho ra đời một món ngon miền Tây dân dã mà rất đưa cơm là gỏi bông điên điển đủ vị chua, cay, mặn, ngọt hấp dẫn.

Gỏi tép bông điên điển

Bông điên điển còn được người miền Tây dùng làm nhân bánh xèo. Bánh xèo bông điên điển thường được đổ trong chảo to với lớp vỏ bánh mỏng, giòn, kết hợp cùng các nguyên liệu như tép, thịt heo, thịt vịt, đậu xanh...

Bánh xèo bông điên điển

Chuột đồng nướng chao

Sau khi những bông lúa trên đồng gặt hết, mùa lũ về cũng là lúc chuột đồng mập nhất. Những con chuột đồng béo ngậy được làm sạch bỏ đầu và ruột rồi tẩm ướp chút bột ngọt, nước mắm, hạt tiêu, tỏi, chao, sa tế, ớt tươi, ớt khô, dầu hào khoảng 20 phút cho ngấm đều rồi nướng trên bếp than củi đỏ hồng. Khi thấy thịt có mùi thơm và cháy sem sém rìa là thịt đã chín. Trên tấm lá chuối đã được rửa sạch hoặc đĩa sứ, bày khế chua, dưa chuột, cà chua thái miếng, rau răm, rau thơm và bày chuột nướng chao vào giữa rồi từ từ thưởng thức. Thịt chuột dai dai, thơm, thấm đều vị beo béo của chao, một chút cay của sa tế và mùi thơm của than củi… đây là có lẽ là món ăn đậm hương vị của miền Tây mà không phải ai cũng dám thử, nhưng nếu “can đảm” nếm qua qua một lần chắc chắn bạn sẽ khó lòng quên được.

Chuột đồng nướng chao

Bánh cóng

Bánh cóng là món ngon nổi tiếng của Sóc Trăng, là đặc sản của người Khmer Nam Bộ được rất nhiều người Sài Gòn ưa chuộng. Bánh cóng miền Tây gồm có bột gạo pha loãng, đậu xanh, tôm thịt, củ sắn ăn kèm với cải xanh và các loại rau thơm khác, nghe thì có vẻ giống công thức của bánh tôm Hồ Tây ngoài Hà Nội nhưng bánh cóng mang trong mình ý nghĩa thân thương hơn nhiều.

Bánh cóng miền Tây

Bánh có màu hơi sẫm chứ không tươi như những nơi khác nhưng lại có mùi thơm và cực kỳ hấp dẫn. Trên bề mặt bánh cóng là một con tôm nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn. Và chỉ cần thưởng thức ngay từ miếng đầu tiên, bột bánh giòn tan lan tỏa trong miệng, mùi vị thơm nức, được béo của ít mỡ sa, ít đậu xanh và thịt heo băm nhuyễn sẽ dễ dàng "gây nghiện" cho người ăn. Tuy chỉ là một món ăn vặt nhưng toàn bộ quy trình làm bánh đều đòi hỏi phải tinh tế và khéo léo, từ khâu chọn gạo xay bột, hòa với đậu xanh và nước thế nào cho đủ, pha nước chấm sao cho vừa ý khách. Bánh chiên phải có độ giòn xốp chứ không cứng, ăn vào phải đủ vị béo bùi của bột gạo, đậu xanh, tôm thịt… nhưng không quá ngấy.

Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt lốt

Nếu đã nói đến món bánh ăn vặt thì không thể nào không kể đến một món bánh đặc sản tuyệt hảo khác của người An Giang làm từ thốt nốt là bánh bò thốt nốt. Bánh làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa. Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông rất hấp dẫn. Bánh ăn ngon nhất khi còn nóng hổi, ăn chậm rãi để thưởng thức vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của thốt nốt tan trong miệng, ngon đến nỗi bạn có thể ăn no mà không ngán.

Nếu có dịp du lịch miền Tây mùa nước nổi, bạn đừng bỏ qua các món đặc sản này nhé, nhất là các món ăn có sự góp mặt của bông điên điển. Vì bông điên điển ngon nhất là bông điên điển mọc dại trên đồng ruộng (bông điên điển đồng) mà chỉ 1 vài tuần nữa thôi là mùa nước nổi đã qua. Thế nên, hãy tranh thủ đi du lịch miền Tây ngay thôi nào bạn ơi!
-
THAM KHẢO TOUR MIỀN TÂY TRỌN GÓI TẠI ĐÂY: https://vietravel.ink/MienTay
-
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY DU LỊCH VIETRAVEL
190 Pasteur, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: (028) 3822 8898 - Hotline: 1900 1839 
Website: www.travel.com.vn
loading
Các tin khác
pin