Mít có nhiều chủng loại, chiều cao trung bình khoảng từ 5 đến 15m. Khoảng từ 3 năm, mít bắt đầu ra hoa và kết quả lần đầu. Quả mít có nhiều hình dáng, to nhỏ khác nhau tuỳ vào chủng loại nhưng thông thường có hình bầu dục. Khi chín, gai mít nở, màu chuyển từ xanh sang thâm nâu. Xẻ đôi quả mít chín theo chiều ngang, bạn sẽ thấy bao quanh chiếc cùi trắng đầy nhựa là những múi mít vàng ươm, óng ánh dưới ánh sáng.
Ngoài thú thưởng thức món ngon này khi chín, ở vùng quê, quả mít còn được chế biến thành nhiều món ngon khác ngay từ khi còn xanh. Trước hết là món nhút, nổi tiếng khắp vùng Nghệ An với câu nói truyền miệng: “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn". Theo nghĩa địa phương, nhút là từ dùng để chỉ món dưa muối. Nhút mít là quả mít được muối mặn dùng để làm thức ăn để dành. Bởi vùng đất Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An là nơi trồng mít rất ngon, do vậy món nhút mít cũng đã từ đây mà truyền đến mọi người. Món này được làm vào khoảng từ tháng 3, sau tết, khi quả mít non đã bắt đầu lớn bằng chiếc tô lớn. Người ta gọt vỏ, xắt sợi phần múi, xơ rồi ngâm kỹ với nước vo gạo cho sạch nhựa. Sau một đêm, mít được vớt ra để ráo rồi cho muối vào. Làm nhút mít theo cách này có thể dùng quanh năm. Ngoài ra, còn có cách làm khác là lấy xơ của quả mít mật ngon, sau đó cho thêm một nhúm muối vào rồi trộn kỹ. Toàn bộ xơ mít được gói chặt trong mo cau, để 2 ngày sau là ăn được. khi ăn, chỉ cần cắt thành từng khoanh, ăn kèm với lá kinh giới. Món nhút mít này có vị ngọt của mít, có mùi thơm thoang thoảng của hương cau, vị mặn tự nhiên của muối nên rất hấp dẫn người ăn. Tuy nhiên, món nhút mít này không để được lâu nên ăn đến đâu thì làm đến đó. Bên cạnh cách ăn như kể trên, nhút mít còn được nấu canh, chỉ cần giã thêm vài hạt đậu phộng là đã có nồi canh vừa chua dịu vừa bùi bùi, thơm ngon.
Mít còn được chế biến thành nhiều món ngon khác như Gỏi mít tôm thịt, bánh bao mít… Đối với món gỏi mít, vì đây là món khai vị nên cần tạo được ấn tượng cho người thưởng thức vì vậy hương, vị và màu sắc rất quan trọng. Trước hết, người ta chọn và luộc một quả mít non sao cho chỉ vừa chín và chuẩn bị một ít tôm đất, thịt ba rọi, chanh, ớt, nước mắm, đường cát, đậu phộng, bánh phồng tôm chiên giòn, rau răm, tỏi… Trước hết, xắt mít non đã luộc thành những lát mỏng, tôm được bóc vỏ và thịt ba chỉ cắt sợi. Tất cả được trộn lẫn vào nhau. Sau đó trộn nước mắm chanh ớt vào chung, trộn đều cho vừa ăn, rồi phi hành tỏi cho thơm xếp lên mặt, trải đều rau răm xắt sợi trên mặt dĩa gỏi, thêm vài con tôm và hoa ớt để tạo màu sắc cho đẹp là bạn đã có một dĩa gỏi mít ngon đến tuyệt vời. Khi dùng có thể cuộn với bánh tráng mềm hoặc có thể lấy bánh phồng tôm chiên giòn để ăn cùng.
Nói đến món ngon từ mít còn có món bánh bao. Đây là món bánh bao ngọt với hương vị nồng nàn riêng có. Nói là bánh bao nhưng vỏ bánh chính là mít. Trước hết người ta chọn những múi mít lớn, vàng ươm rồi tách hạt cho khéo. Tiếp theo, là khâu trộn nhân. Nhân bánh là hỗn hợp cá thác lác được quết nhuyễn cùng với thịt heo và các loại gia vị như nước mắm, hành tím, tiêu bột, bột ngọt… Khi đã hoàn tất, người ta dồn nhân vào múi mít và bắt đầu hấp. Thời gian hấp khoảng 30 phút là có thể dùng được. Bánh bao mít nóng hổi bóc khói mang hương vị ngọt ngào tự nhiên, ăn một miếng là nhớ mãi. Không chỉ có nhút, gỏi và bánh bao mít, người ta còn chế biến ra nhiều món ngon khác như bánh lá mít ăn với nước cốt dừa nấu mặn phổ biến ở vùng Nam bộ, hay món cá chuồn kho mít nổi tiếng của vùng đất miền Trung, ngoài ra còn có mít chín được sấy khô, rất tiện lợi cho những chuyến đi xa, những buổi dã ngoại của các bạn trẻ.
Mít dân dã và đơn sơ là thế nhưng cũng để lại không ít kỷ niệm cho biết bao người. Những món ngon thời thơ ấu đó đã đi - về trong kỷ niệm và nỗi nhớ, như nhớ lấy hồn quê dù ở chốn thị thành hay nơi xa xôi nào đó.