Những món ăn “chất lừ” nơi vùng cao Tây Bắc

Nhắc đến Tây Bắc, người ta nghĩ ngay các món ăn dân dã, lạ mắt... mà bất cứ ai đặt chân đến cũng phải trầm trồ trước “thiên đường” ẩm thực vô cùng phong phú và đặc sắc nơi vùng cao. Dưới đây là một số món ăn “chất lừ” khi nghe tên đã biết ở Tây Bắc, vừa có sức hút khó cưỡng, vừa níu chân khách phương xa.

  18/09/2019 16:23

Thịt trâu gác bếp

Hay còn gọi là thịt trâu xông khói, vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, sau đó thái dọc thớ thịt từng miếng rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều, rồi quắt khô để bảo quản. Ngày nay, món ăn này trở thành đặc sản phổ biến, có mặt trong bữa cơm của dân bản, được nhiều khách miền xuôi ưa thích.

Lợn cắp nách

Đây là loại thịt lợn đặc sản nằm trong top danh sách những món ăn “chất lừ” nơi vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rong trong rừng, tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10-15 kg. Do ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt của chúng rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon như: hấp, nướng, nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng, đem lại cảm giác lạ miệng, đặc biệt cho những ai lần đầu thưởng thức.

Pa pỉnh tộp

Có nghĩa là cá suối nướng, một món ăn nổi tiếng của đồng bào Thái vùng Tây Bắc, không chỉ có giá trị ẩm thực mà còn là thước đo đánh giá bàn tay khéo léo của người chế biến. Họ chọn cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Cá xát muối cùng ớt bột để khử tanh rồi nhồi một số loại rau thơm, quả mắc khén, gừng, tỏi, sả, hành... vào trong bụng cá. Sau đó gấp đôi con cá theo chiều ngang, dùng que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên than hoa đã quạt hồng. Cá vừa chín tới được gỡ ra bỏ lên dĩa, ăn kèm với cơm nếp rất ngon.

Nậm Pịa

Là món ăn đặc trưng của người Sơn La, có thể dùng để làm nước chấm và có thể dùng trực tiếp làm món ăn như một loại canh, có tác dụng giải rượu rất tốt. Nguyên liệu chính của món này là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù trộn lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tàu, tỏi, ớt… đem ninh nhừ thành chất sền sệt đó là món Nậm Pịa. Món này được ăn cùng với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối, thêm chút rượu ngô dân tộc thì không gì tuyệt vời hơn.

Xôi ngũ sắc

Là món ăn nổi tiếng của người Tày dùng trong những dịp lễ hội truyền thống, được chế biến từ gạo nếp nương. Món xôi độc đáo này sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm thành 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành. Họ quan niệm màu sắc của món xôi càng đẹp thì gia đình sẽ thịnh vượng. Với hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn khiến xôi ngũ sắc trở thành món ăn làm nên bản sắc của người dân vùng cao Tây Bắc mà bất kỳ du khách nào cũng bị mê hoặc.

Cốm Tú Lệ

Đến Yên Bái, được một lần thưởng thức cốm Tú Lệ bạn sẽ không thể nào quên hương vị dẻo thơm, xanh non của những hạt lúa nếp đầu mùa. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát. Cốm Tú Lệ thường được ăn cùng với chuối chín trứng cuốc, trái hồng đỏ chín cây hoặc dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: nem rám, tôm rán, thịt chiên… và trở thành đặc sản nổi tiếng “chất lừ” nơi vùng cao Tây Bắc.
loading
Các tin khác

Du lịch Trung Quốc tháng 12: Khám phá thiên đường tuyết tại đất nước tỷ dân

Mùa đông ở Trung Quốc như một bản nhạc du dương, nơi những bông tuyết rơi nhẹ nhàng tạo nên một khôn ...

  05/11/2024 16:15

Tọa độ các điểm ngắm hoa xuân Đông - Tây Bắc không thể bỏ lỡ

Hoà mình vào vẻ đẹp trời đất, những ngày giáp Tết Nguyên đán, miền núi Tây Bắc được bao phủ trong sắ ...

  05/11/2024 16:05
pin