Bổ sung nước mùa nắng nóng

Vào mùa hè, hoạt động vui chơi dưới thời tiết nắng nóng khiến bạn đổ mồ hôi nhiều. Từ đó, khiến cơ thể mất nước và chất điện giải. Thiếu chất điện giải, chúng ta sẽ cảm thấy lừ đừ, buồn nôn, thậm chí co giật, rối loạn nhịp tim…

  10/03/2020 11:21
Bạn có biết, nắng nóng làm tăng nhu cầu về nước do cơ thể bị mất nước qua da (tăng tiết mồ hôi) và qua phổi (tăng nhịp thở)?. Mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hóa trong tế bào, làm tăng u-rê, không loại bỏ hết các chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu.

Uống nước thế nào là đúng cách?

Việc uống nước tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu thực hiện không đúng cách sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, mọi người cần uống nước đúng cách trong mùa hè để bảo vệ sức khỏe.
Đi dưới trời nắng nóng, hoặc bạn vừa mới từ ngoài vào nhà, cơ thể có cảm giác rất khát. Lúc này mọi người thường uống nhanh một ly nước thật đầy. Tuy nhiên đây lại là cách uống nước gây nguy hiểm cho cơ thể. Bởi uống nhiều nước trong một thời gian ngắn làm cho máu bị loãng, tăng gánh nặng cho tim.
Nhiều người có thói quen tìm uống nước mát lạnh. Thậm chí là nước đá. Thói quen này không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (có thể do nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi... Vì vậy, bạn nên uống nước ấm. Nhiệt độ của nước thích hợp là 10-30°C.
Bên cạnh đó, không ít người có thói quen chỉ uống nước khi khát và khi khát thì uống liên tục. Đây là thói quen không tốt. Mỗi ngày cơ thể cần 2 – 2,5 lít nước. Khi cơ thể cảm thấy khát, đó là lúc cơ thể đã thực sự thiếu nước. Nếu uống “ừng ực” nước cho đã cơn khát lại làm cản trở tiêu hóa, khiến tim đập nhanh, khó thở… Vì vậy, việc uống nước đầy đủ, thường xuyên ngay cả khi không khát sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn, lâu mệt mỏi hơn.
 

Những loại nước tốt cho sức khỏe trong mùa hè

Theo thạc sĩ – bác sĩ Trương Thúy Vinh từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tất cả loại nước đều có thể dùng được. Từ nước đun để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước rau luộc... Tuy nhiên ngày nắng nóng gay gắt thì bù nước là chưa đủ. Chúng ta cần bù chất điện giải”.

1. Nước có chất điện giải là nước pha muối loãng, nước tonic… và đặc biệt là nước dừa tươi nguyên trái. Nước dừa có thành phần nước tinh khiết chiếm 95%, phần còn lại là đường và một số vi chất như kali, sắt, canxi, photpho...

2. Nước oresol là nước điện giải nhưng không nên uống hàng ngày. Bản chất oresol là một loại thuốc và sử dụng với 2 mục đích. Một là bù nước, điện giải trong trường hợp trẻ em và người lớn sốt, tiêu chảy, nôn mửa nhiều. Hai là người làm việc ngoài trời nắng nóng, vận động thể lực nhiều gây ra mồ hôi nhiều.

3. Sữa đậu nành không đường cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng. Nó vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.

4. Nước ép trái cây tươi như nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… cũng là lựa chọn thích hợp. Chúng vừa cung cấp nước lại bổ sung các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Loại nước này xóa tan mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh mạch máu, giúp lưu thông khí huyết tốt trong cơ thể. Lưu ý, khi uống không nên cho thêm đường.

Trên thị trường hiện nay đã có bán bột điện giải dạng gói. Bạn có thể pha với nước và uống ngay vô cùng tiện lợi. Để đạt hiệu quả cũng như không gây ảnh hưởng tới sức khỏe, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha và tuân thủ theo liều lượng quy định trên bao bì nhà sản xuất.  Chú ý tuyệt đối không được cho thêm đường, chỉ pha bằng nước lọc hay nước đun sôi để nguội, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt. Sau khi pha dung dịch, bạn nên uống hết trong 24 giờ.
loading
Các tin khác
pin