Trước khi tham quan…
- Trước hết, là vấn đề tâm lý: bạn cần nói cho trẻ biết về những điều mà bạn biết là hấp dẫn, dễ thu hút sự hiếu kỳ của trẻ, như những câu chuyện cổ tích liên quan đến những địa danh mà bạn sẽ đến, những điều trẻ sẽ được vui chơi ở đó… Điều này giúp trẻ có cảm giác an tâm và phát huy được trí tưởng tượng khi tham quan cùng bạn.
- Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày trước khi khởi hành chuyến đi, bạn nên lưu ý về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sẽ gặp trong chuyến tham quan mà tập cho trẻ thích nghi trước, nhằm hạn chế đến mức tối đa sự thay đổi đột ngột “nhịp sinh học” của trẻ. Vì những điều đó có thể sẽ làm cho trẻ có cảm thấy khó chịu, cáu gắt và buồn bực trong suốt chuyến tham quan.
- Trong chuyến đi bạn nên cố gắng duy trì chế độ sinh hoạt gần như bình thường đối với trẻ bằng những vật dụng quen thuộc, ví dụ như một món đồ chơi, một chiếc gối ôm…
- Một điều nhắc nhỏ quan trọng là bạn cần mang dự phòng một số vật dụng cần thiết ngay trong túi hành lý mang theo người như các loại thuốc (cảm, tiêu hóa, ho), dầu gió phòng khi hữu sự.
Khi tham quan
- Bạn nên cho trẻ ngủ sớm, không nên để trẻ tự do sinh hoạt theo sở thích vì dễ gây nên sự mệt mỏi vì thiếu ngủ, trẻ cần ngủ đủ giấc vào buổi tối để bắt đầu một ngày tham quan mới với tinh thần minh mẫn hơn.
- Khi tham quan, bạn cần lưu ý với trẻ về những điều cần nên tránh như không được ăn quà vặt trên đường, không được tùy tiện tiểu tiện ở những nơi trang nghiêm. Đặc biệt, bạn cần quan tâm, lưu ý đến trẻ nhiều hơn khi dạo chơi trên biển hoặc leo núi, vào hang động…
- Bạn cũng không nên mang vác những món hành lý quá cồng kềnh và không cần thiết, vì sẽ giảm khả năng hỗ trợ trẻ khi cần. Nhưng cũng không nên quá “đơn giản” nếu bạn đến những nơi có khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh. Ở nơi có khí hậu nóng, bạn cần chuẩn bị nón rộng vành, kính râm và áo tay dài (sáng màu) cho trẻ. Nếu nơi tham quan có khí hậu lạnh, bạn cần mang theo áo ấm, găng tay, vớ, khẩu trang, đặc biệt là khăn choàng cổ để tránh trẻ bị nhiễm lạnh.
- Chỉ nên cho trẻ vận động nhẹ, không nhất thiết phải cho trẻ theo suốt tất cả những chuyến đi trong chương trình tham quan, nếu trẻ có những biểu hiện của sự mệt mỏi, biếng ăn.
- Nên cho trẻ đi dạo một vòng nhỏ xung quanh nơi bạn lưu trú để trẻ có sự cảm nhận nhiều hơn về thế giới xung quanh, nhưng trước hết bạn hãy làm cho trẻ thực sự cảm thấy an tâm bằng chính sự hiểu biết của bạn.
… và lúc ra về
- Bạn nên khuyến khích trẻ cùng thu dọn các vật dụng vào hành lý, điều đó giúp trẻ từng bước làm quen với tính tự lập và tự tin hơn trong công việc.
- Đồng thời, bạn cũng nên gợi ý để trẻ bày tỏ những cảm nghĩ của mình sau chuyến tham quan về những điều mà trẻ cảm nhận được. Từ đó, bạn có thể đánh giá được những lợi ích từ chuyến tham quan và có sự điều chỉnh hoặc định hướng tích cực cho những suy nghĩ của trẻ.
Những lưu ý cuối cùng là bạn chỉ nên cho trẻ tham quan cùng bạn khi chúng ở từ độ tuổi từ 3 trở lên vì ở độ tuổi này trẻ đã bắt đầu có những cảm nhận nhất định về thế giới xung quanh, đồng thời cơ thể cũng đã dần thích nghi được với môi trường, ít bị bệnh trên đường đi.
Hỗ trợ trẻ trong chuyến đi, giúp đỡ và bảo vệ trẻ để chúng an toàn thoải mái, nhưng vẫn tạo điều kiện gợi mở trí tưởng tượng và để trẻ có thể nói được những suy nghĩ của mình là bạn đã cùng trẻ có một chuyến đi tuyệt vời bên nhau cho kỳ nghỉ của cả gia đình.