Từ thị xã Châu Đốc (An Giang), du khách qua cầu Cồn Tiên trên sông Châu Đốc, men theo tỉnh lộ 956 hơn 30km, hướng về cửa khẩu Khánh Bình là đến Búng Bình Thiên, một địa danh của huyện An Phú. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên mênh mông xanh mát trong khi nước của những kinh-rạch-sông-hồ quanh vùng Búng Bình Thiên vẫn đục. Hồ nằm cặp sông Bình Ghi-một nhánh của sông Hậu nằm sát huyện Preythum của tỉnh Kandal, Campuchia-có khả năng thu hút nhiều khách
du lịch.
Tương truyền, cách đây trên 200 năm, một nhánh quân Tây Sơn đã chọn vùng này làm căn cứ địa. Thời đó, khu này khô khốc, gây khó khăn trong sinh hoạt cho nghĩa quân. Một viên tướng thấy vậy đã van vái, rút gươm đâm xuống lòng đất trũng, cầu thủy dâng lên. Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa động thổ thì có một dòng nước trắng xanh cứ trào tuôn mãi, ngập cả những bờ đất quanh vùng này, biến vùng trũng nứt nẻ thành một hồ nước rộng lớn, bao la. Theo lý giải của cư dân bản địa, tiếng Búng có nghĩa là hồ hay đầm; nước từ dưới hồ dâng lên tự nhiên phẳng lặng, yên ắng nên gọi là Bình, còn Thiên nghĩa là Trời. Từ đó, cư dân vùng này cứ gọi hồ này là Búng Bình Thiên-Thiên Hồ hay Hồ Trời cho đến ngày nay.
Hồ nằm giữa 3 xã Khánh Bình; Khánh An; Nhơn Hội của huyện An Phú. Mùa khô hạn, diện tích hồ còn khoảng 300ha do nước hạ xuống (từ lâu không bao giờ cạn nước dù thời điểm oi bức nhất). Mùa nước nổi nước dâng lên làm mặt hồ rộng khoảng 900ha. Có thể nói rằng, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Hồ hiện nay cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng và cũng là hồ có nhiều cá đồng bậc nhất vùng biên giới. Độ sâu trung bình của hồ khoảng 4 mét và có nhiều cá nên nhân dân sống quanh hồ giăng lưới, chài lưới khai thác lượng thủy sản nước ngọt tự nhiên nơi đây. Cảnh quan hồ thật khoáng đãng, gió lộng tứ bề. Khi mùa nước nổi đến, nhà sàn của một bộ phận cư dân sống ven hồ núp dưới những rặng cây xanh nhưng xung quanh ngập nước, tựa như những chấm phá cỏ - cây - hoa - lá được thêu trên nền trắng xanh thơ mộng của bức tranh tự nhiên vậy! Có dịp đến đây, chúng tôi đã ngao du quanh hồ bằng thuyền, thưởng thức các món ăn dân dã như chuột nướng; lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển; chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non... thật ngon bá cháy! Ban đêm, chúng tôi ngủ tại nhà (homestay) của người đồng bào dân tộc Chăm An Phú với cảm giác mơ màng; lâng lâng...
Đánh thức tiềm năng!
Theo UBND huyện An Phú, hiện nay, huyện đang mời gọi đầu tư phát triển điểm du lịch về Búng Bình Thiên. Nơi đây là một địa điểm đã được xác định trong quy hoạch chung khu du lịch phục vụ nhu cầu bảo tồn văn hóa nghỉ ngơi, giải trí cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế và cửa khẩu Khánh Bình của huyện An Phú. Quanh Búng Bình Thiên có khoảng 400 hộ dân chuyên sống bằng nghề nông. Khu này có phía Bắc giáp khu dân cư sinh thái phục vụ du lịch; phía Nam giáp hồ Búng Bình Thiên lớn, tổng diện tích quy hoạch 139ha (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng). Dự kiến du khách đến khoảng 20.000 người/năm. Tỉnh lộ 956 từ xã Đa Phước đi Khánh An đến cửa khẩu Khánh Bình sang Campuchia đường nhựa; tỉnh lộ 957 đến cửa khẩu Khánh Bình nối tỉnh lộ 956 là trục đường chính nối liền khu du lịch Búng Bình Thiên. Hệ thống giao thông thủy bộ khá thuận tiện, sông Hậu, sông Bình Ghi, tạo nên Búng Bình Thiên một hồ chứa nước và nền văn hóa người Chăm có nhiều lễ hội, thu hút nhiều du khách hàng năm.
Theo lời bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại-
Du lịch - Đầu tư tỉnh An Giang thì Búng Bình Thiên có nhiều thú tiêu khiển mùa nước nổi độc đáo với những món ăn sông nước cùng với nếp sinh hoạt văn hóa phong phú của 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm với các lễ hội văn hóa đặc biệt ở đây chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Trong tương lai gần, sau khi khu du lịch Búng Bình Thiên chính thức vào khai thác, sẽ tạo thêm một diện mạo mới cho du lịch An Giang. Văn minh lúa nước và phong cách nông dân Búng Bình Thiên là những giá trị văn hóa nếu được khai thác đúng đắn sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách khắp nơi. Gắn với du lịch mùa nước nổi, Búng Bình Thiên sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa vùng biên viễn này.
(Nguồn Báo Cần Thơ)