Ở Làng Hành Hương hằng ngày đều có khách “xịn” đến từ các nước:
Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh, Úc... Khách sạn có trên 100 phòng, 100% là khách Tây. Công suất sử dụng phòng luôn đạt trên 60%, dù giá phòng từ 135-600 USD/người/ngày đêm. Và ngày khách lưu trú đã vượt qua ngưỡng 3, 2 ngày/lượt.
Bí quyết nào đã đưa công ty đến thành công này? Đó là một quá trình học nghề không ngơi nghỉ - ông Lê Văn Trường cho biết. Tốt nghiệp bộ môn tiếng Anh, khoa ngoại ngữ, Trường Đại học Tổng hợp
Huế năm 1987, ông Trường khởi nghiệp bằng ngành
du lịch, có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới. Với ước mơ kinh doanh bằng chính nghề mình đã chọn, nên khi đến bất cứ nước nào ông cũng học. Từng làm đại diện cho một công ty du lịch ở Nhật Bản nên việc học của ông càng thuận lợi hơn. Và khi có được nguồn khách ổn định, ông mới đầu tư xây khách sạn. Cung cách phục vụ rất Huế, rất Việt Nam là một lợi thế thu hút, hấp dẫn du khách.
Khi công việc đời thường thành tour du lịch
Khách sạn này không giống một mô hình nào của các nơi ông Trường đã đến, lại càng khác hẳn với những khách sạn ở Huế. Ngay việc xây dựng những ngôi nhà ở đây cũng khác người. Không phải là những ngôi nhà nhiều tầng, nhiều “sao”, theo kiến trúc nước ngoài, mà nguyên liệu chủ yếu là những chất liệu dân gian, được thiết kế theo kiểu phá cách, kiến trúc đan xen giữa mới và cũ.
Tour du lịch của Làng Hành Hương không phải là những chuyến đi tham quan các danh lam, thắng cảnh, khai thác những địa chỉ lạ, mà ngay tại khu vườn xinh xắn này đã có trên 30 tour du lịch hấp dẫn khách. Và chính điều này đã làm tăng ngày ở của khách khi đến đây. Những công việc rất đời thường như: nấu ăn, chằm nón, thêu, tạc tượng, ngồi thiền, làm đẹp cho phụ nữ... đã trở thành những tour du lịch độc đáo. Kawashima Namina, một thanh niên đến từ Nhật Bản đang say sưa chăm chú trước bàn tay khéo léo của người thợ chằm nón. Anh cũng chằm thử, nhưng mãi chẳng có đường gấc nào thẳng hàng. Sau khi tỏ vẻ khâm phục người thợ chằm nón, anh còn “đặt hàng” chiếc nón này để làm quà cho bạn gái ở Nhật Bản. Ông Trường cho biết, khách sạn vừa trình diễn nghề thủ công vừa dạy nghề cho khách. Sản phẩm nghề truyền thống ở đây có thể bán lại cho khách hàng hoặc bán ở chợ Đông Ba, ký gửi những cơ sở kinh doanh khác.
Đi chợ nấu ăn cũng trở thành tour du lịch cực kỳ hấp dẫn. 8 giờ, một phụ nữ xinh đẹp tên là Elizabeth đến từ Anh Quốc, cùng nhân viên của khách sạn đi chợ Tuần (vùng ngoại ô, cách Huế khoảng 7 km). Ở đó có tất cả các sản phẩm dân dã, do chính người dân sản xuất đưa đi tiêu thụ. Tùy ý thích của khách muốn học nấu món ăn nào, sẽ được nhân viên khách sạn tư vấn nguyên liệu. Elizabeth đã chọn mua cá bống thệ để học món cá bống kho tộ. 10 giờ chị về lại khách sạn, vào bếp chế biến món ăn. Dao, thớt là những vật liệu xa lạ đối với người phụ nữ xinh đẹp, quý phái này. Cầm con cá còn lóng ngóng, nhưng được sự hướng dẫn của đầu bếp, sau 1 giờ đồng hồ Elizabeth đã thực hiện thành công món cá đặc biệt của xứ Huế. “Trên cả tuyệt vời. Chính tay tôi nấu, khi ăn mới cảm thấy giá trị. Tôi sẽ trở về nhà, và nấu cho cả gia đình tôi món ăn này” - Elizabeth hào hứng nói.
Một bữa ăn: 150 USD, một lần tắm làm đẹp 200 USD
Sự ăn ở đây cũng là biểu hiện nét văn hóa, tinh tế của người Huế, người Việt Nam. Một số món ăn được ông Trường cất công nghiên cứu đã trở thành những câu chuyện khá thú vị trước bữa ăn. Trước mặt 4 người khách Hà Lan là một đĩa bánh nậm nóng hổi. Người hướng dẫn viên tươi tắn trong chiếc áo dài truyền thống của Huế nói với khách rằng: “Các bạn đang cầm trên tay một bức thư tình. Đây là thứ bánh biểu tượng của tình yêu”. Trước sự thích thú của các vị khách, chiếc bánh được bóc ra. Người hướng dẫn viên giải thích: “Nguyên liệu của bánh gồm bột gạo màu trắng, nhụy bánh được làm bằng tôm có màu hồng. Nước mắm vừa có vị cay của ớt, vị ngọt của đường. Như vậy, chiếc bánh mang đủ hương vị của tình yêu: trắng trong, ngọt ngào, cay đắng...”. Trước sự so sánh thú vị ấy, khách đã không hề băn khoăn khi trả tiền với giá không hề rẻ, và dĩ nhiên là quyết định ở lại để học cho được món bánh giống... bức thư tình ấy!
Nghiên cứu tài liệu từ thời Trung cổ Hy Lạp,
Ấn Độ, La Mã, và học hỏi kinh nghiệm của sư ở chùa Huyền Không (Huế), ông Trường đã chế biến thức ăn, đặc biệt các loại rau đều là những vị thuốc nam, có tác dụng chữa bệnh, cùng với tài nghệ trang trí thẩm mỹ, phong cách phục vụ lịch sự khiến khách Tây rất mê. Do vậy, thực đơn cho một bữa ăn ở đây có giá từ 150 USD trở lên đều được khách chấp nhận. Trà uống cho khách cũng được chế biến kỳ công.
Uống trà ở đây không đơn thuần chỉ giải khát mà còn phục hồi sức khỏe cho khách. Nguyên liệu trà được chế biến từ các loại hoa quả của Huế như trà hoa sứ, lá chanh, củ nghệ, sả, gừng... Tương tự, việc làm đẹp ngoài đem lại sự tươi tắn, xinh xắn, 50 dược liệu dùng để tắm đã nâng cao sức khỏe cho khách. Vì vậy, mỗi lần bước chân ra khỏi spa, chẳng ai phải hối tiếc vì đã chi trả 200 USD cho một lần làm đẹp.
Tạo một giấc ngủ ngon cho khách, cũng được người chủ quan tâm. Thay cho lời chúc ngủ ngon là một câu chuyện cổ tích Việt Nam được viết bằng tay rất đẹp, lịch sự với nhiều thứ tiếng để ngay ở đầu giường. Chẳng hạn như câu chuyện Trầu cau, Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Cây khế...:
“Tôi đã đọc câu chuyện cổ tích Trầu cau. Nội dung chuyện đã cho tôi hiểu hơn về truyền thống, đạo lý tình cảm của dân tộc Việt Nam, tôi cảm thấy yêu đất nước của các bạn hơn” - Cervantes, một khách đến từ Tây Ban Nha nói.
(Nguồn Báo NLÐ)