Đến Sóc Trăng vào những ngày đẹp trời sẽ thấy sự kỳ vĩ của Sóc Trăng. Ta nhìn đến tận đường chân trời, một màu vàng óng mướt, tựa như muôn tấm lụa trải giữa trời đất bao la, hòa trong bầu không khí thơm ngát của lúa, của cây cỏ. Với những người nông dân Sóc Trăng, vụ mùa mà bội thu, lúa được giá, bà con – nhất là người Kh’mer rất phấn khởi. Sản lượng lúa của tỉnh ổn định 1,5 triệu tấn (năm 1992 chỉ có 700 ngàn tấn), vùng đất nhiễm mặn 48.000 ha chỉ trồng một vụ lúa trước đây nay chuyển thành vùng nuôi tôm, trong đó có 13.000 ha nuôi bán công nghiệp và công nghiệp.
Sức sống mới ở huyện biển Vĩnh Châu
Huyện Vĩnh Châu, nơi có 52% số dân là người Kh’mer, 21% người gốc Hoa trước kia cách trở, nay gần lại nhờ cây cầu Mỹ Thanh dài rộng vừa xây xong. Vẻ trù phú thấy rõ ở huyện có 47 km bờ biển, bao năm người dân vất vả với nghề nông trên đất phèn mặn, nắng cát. Dọc đường liên xã, những ao tôm nối nhau chỗ phơi đáy, chỗ mới đào chuẩn bị mùa thả giống. Những hộ người Kh’mer đang thu hoạch hành. Chị em thoăn thoắt chọn hành, buộc thành bó chất cao lớp lớp. Hành tím Vĩnh Châu là nông sản mới có giá trị xuất khẩu. Một ha canh tác ở đây nay thu nhập trung bình 48 triệu đồng/năm trừ chi phí, so với 10 triệu đồng/năm khi trồng lúa một vụ.
Anh Sơn Khem, một cán bộ Kh’mer huyện Vĩnh Châu, giới thiệu: “Vợ tôi người Hoa, các con nói tiếng Việt, tiếng Kh’mer, tiếng Hoa, con trai lấy vợ Việt – đại gia đình các dân tộc Sóc Trăng ngay trong nhà tôi đấy!”. Vườn bạch đàn nhà anh 2.000 gốc, 10 tuổi, anh nói: “Sẽ bán giá 80.000 đồng/cây, nhà tôi có 160 triệu rồi. Tôi cũng nuôi tôm, nhưng phải học cách nuôi tôm sú công nghiệp của anh Trần Trung Hiếu ở xã Vĩnh Hải, anh này có 5,8 ha, thu đến 15 tấn/ha, cá biệt có ao cho 22 tấn/ha”. Anh xòe tay tạm tính: “6 USD một ký, 6 ngàn một tấn, 10 tấn 60 ngàn, 100 tấn 600 ngàn USD – 9 tỷ đồng – chao ôi...!”. Nghe nói tiền đầu tư xây trại đợt đầu tới 5 tỷ”. Anh chỉ cho chúng tôi thấy khuôn viên trang trại nổi bật bên đường. Tiếp chúng tôi bên dãy ao tôm, ông chủ trẻ người thành phố Hồ Chí Minh yêu nghề, biết tích lũy các kinh nghiệm nuôi khoa học kể về vụ tôm bội thu, việc hoàn thiện xong 6 ha ao với số vốn 4 tỷ VNĐ cho vụ tới. Anh nói: “Vĩnh Châu có điều kiện thiên nhiên rất thuận cho nuôi thủy sản theo nhiều cách, tùy điều kiện vốn, kỹ thuật”. Anh tin rằng nông dân các dân tộc ở Vĩnh Châu sẽ làm giàu nhanh chóng nhờ lợi thế này.
Vẻ đẹp Kh’mer ở Sóc Trăng
Người Kh’mer ở Sóc Trăng đông nhất so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long – gần 400 ngàn người quần tụ quanh 90 ngôi chùa lớn nhỏ và khoảng 1.800 nhà sư. Chùa nào cũng rộng, đẹp, cửa chùa luôn mở thông với cộng đồng, các sư học hành, lao động nề nếp và rất hiếu khách. Chùa càng rực rỡ hơn vào những ngày lễ lớn như Tết Chô-chnam-thmây, lễ đón nước Ốc-om-bor tưng bừng với hội đua ghe ngo truyền thống, lễ Đon-ta giỗ tổ tiên, lễ dâng bông, dâng cà sa...
Các chính sách Nhà nước tập trung phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng tại 52 xã đã nhanh chóng đưa nhiều hộ Kh’mer thoát cảnh đói nghèo. Các chương trình khuyến nông, trợ giá, cho vay vốn sản xuất kinh doanh, bao tiêu sản phẩm, cùng các nguồn vốn đầu tư vào giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở đều đạt hiệu quả tốt. Tỉnh có bốn trường dân tộc nội trú và có trường trung cấp văn hóa Pa Li (nơi dạy chữ Pa Li – chữ Phạn duy nhất trong nước) đào tạo nguồn cán bộ, giáo viên Kh’mer. Sách báo, chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Kh’mer đã truyền tải nhiều nội dung thiết thực, phong phú.
Sóc Trăng tự hào có nhiều di tích có giá trị lịch sử, nghệ thuật, sinh thái điển hình như chùa Kh’leng, chùa Mã Tộc (chùa Dơi) với đàn dơi hàng ngàn con đậu kín trên cây vườn chùa, có nhà bảo tàng Kh’mer lưu giữ nhiều cổ vật, có đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Kh’mer chuyên nghiệp với nhiều nghệ sỹ tài năng. Màu áo vàng cam của nhà sư hiền hòa dưới mái chùa cổ kính, những màn diễn Rồ-băm – Dù-kê đề cao Cái Thiện, cặp mắt to đen láy và vẻ uyển chuyển của các vũ nữ, những cánh tay rắn chắc vững nhịp của các chàng trai đua ghe ngo là những vẻ đẹp Kh’mer lưu lại cho bất cứ ai đến với Sóc Trăng.
(Báo Ảnh Việt Nam)