Côn Sơn tức núi Kỳ Lân hay còn gọi là núi Hun, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phía bắc giáp núi Ngũ Nhạc, phía tây tiếp nối núi U Bò với một vùng thung lũng xanh biếc cùng những mái nhà tranh ẩn hiện sau lũy tre làng. Phía đông là chùa và hồ Côn Sơn. Nhìn về phía đông bắc, có một quả núi hình hoa sen quanh năm tươi tốt mang tên Bài Vọng – nơi yên nghỉ của cụ thân sinh Nguyễn Trãi (Ông Nguyễn Phi Khanh). Phía nam là xóm núi Tiên Sơn và bãi giẽ (thanh hao), tương truyền do bà Trần Nguyên Đán trồng. Chính vì tên gọi của ngọn núi này mà Chùa Côn Sơn còn được gọi là chùa Hun.
Chùa Côn Sơn xây dựng vào thế kỷ XIII, với 83 gian nhà, cùng 385 pho tượng sinh động và tinh xảo. Bên hông chùa là nhà Tổ, thờ quan Tư đồ phụ chính là Trần Nguyên Đán cùng ba vị tổ khác là: Trần Nhân Tông – người lập ra thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Pháp Loa và sư Huyền Quang – tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm.
Vượt qua hơn 900 bậc đá, quanh co bên những ngọn đồi thông, trước mặt du khách là đỉnh Côn Sơn hiện ra trong hư ảo. Tại đây, du khách sẽ gặp Bạch Vân Am, nơi được người xưa kể rằng là chốn dành cho các vị tiên đánh cờ khi hạ giới. Từ đỉnh Côn Sơn du khách sẽ thu vào tầm mắt toàn cảnh hùng vĩ của núi rừng trập trùng, thoát ẩn thoát hiện trong mây, xa xa là dòng Lục Đầu giang mênh mông sông nước. Ngước mặt là một khoảng trời xanh ngắt, lơ lững treo những chòm mây trắng tựa bông. Chính vì vẻ đẹp ấy mà vào những lúc cuối đời, thi hào Nguyễn Trãi đã chọn chốn này làm niềm vui ẩn dật. Và cũng chính Nguyễn Trãi là người đã cho du khách sự cảm nhận đầu tiên và đầy đủ nhất về vẻ đẹp Côn Sơn, dù chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng đã lột tả hết vẻ đẹp thanh tĩnh an bình của nơi được xem là chốn bồng lai tiên cảnh.
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như như ngồi chiếu êm…”
Từ dãy Côn Sơn đi thêm 5km về hướng đông bắc, xuyên qua những thung lũng xanh tươi và những làng mạc yên bình, du khách sẽ đến với thung lũng Rồng, nơi có đền Kiếp Bạc - thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ấy vậy mới biết: “địa linh sinh nhân kiệt” quả thực không sai. Nơi đây nổi danh không chỉ vì vẻ đẹp của vùng thung lũng, mà vì đã từng là nơi đặt đại bản doanh của đại quân nước ta, ba lần đập tan mưu đồ xâm lược của đạo quân Nguyên Mông - từng chinh đông, phạt tây, nhưng phải lui bước trước hùng khí và con người của non sông Đại Việt.
Đền Kiếp Bạc là một quần thể gồm nhiều di tích như: Đền thờ Trần Hưng Đạo, Dược Sơn, dòng Lục Đầu giang, bến Bình Than, cồn Kiếm. Trong đền Kiếp Bạc còn có 5 pho tượng lớn của Trần Hưng Đạo và phu nhân, Phạm Ngũ Lão và hai con gái. Xung quanh đền Kiếp Bạc là bãi bồi Thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo, quán hàng cơm của bà chủ quán có công trong việc chặt đầu viên tướng đầy ma thuật của quân Nguyên Mông – Phạm Nhan, Giếng mắt Rồng, đường kéo thuyền trên dãy núi
Phượng Hoàng, hố Máng Nước (hay Hố Chân Bia), và đặc biệt là đôi xương chân của chú Dã Tượng đã cùng Trần Hưng Đạo xông pha chiến trận và lập nhiều chiến công lớn…
Như một sự trùng hợp, hội Côn Sơn - Kiếp Bạc bắt đầu vào ngày 16-8 âm lịch, ngày mất của Nguyễn Trãi, và kết thúc hội vào ngày mất của Hương Đạo đại vương (20 - 8 âm lịch). Chính vì vậy, mùa hội đã thu hút hàng vạn người tham gia. Cùng với vẻ đẹp thơ mộng của phong cảnh núi rừng, sự thiêng liêng của vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và những lễ hội rộn ràng, mang ý nghĩa lịch sử, giáo dục sâu sắc vì vậy, hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành tâm điểm cho những dòng người từ khắp mọi nơi tìm về. Và rồi, tên gọi Côn Sơn – Kiếp Bạc đã gắn với nhau như hình với bóng, như sự giao hòa giữa vẻ đẹp núi rừng và hồn thiêng sông núi đang hội về, để du khách thêm gắn bó khi tìm về miền đất mến yêu này.
HOA KHÔI – MINH MẪN
Anh: Dung Huỳnh