Vùng đất và người - rất đặc trưng của Hà Nội qua các thời này, có quá trình hình thành từ rất lâu đời: ngay từ khi vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long (năm 1010), thậm chí từ thời “tiền Thăng Long” (trước thế kỷ 10).
Đó chính là nơi mà trong văn bản “Chiếu dời đô” (mùa xuân năm 1010), Lý Thái Tổ đã nói: “Muôn vật hết sức giàu thịnh, tốt tươi”! Bởi lẽ, hàng nghìn năm nay, đây là trung tâm kinh tế đô thị của cả vùng Kinh đô - thủ đô Thăng Long - Hà Nội: buôn bán, sản xuất hàng thủ công, làm dịch vụ... Do đó, cũng !à nơi sinh sống chủ yếu của các tầng lớp “thị dân – bình dân" của toà đô thị đứng đầu đất nước này. Trong quy hoạch “Tam trùng thành quách” (ba vòng tường thành lồng nhau) của Kinh đô Thăng Long ngày xưa - mà đại để là ở trong cùng thì dành cho Hoàng đế và Hoàng gia, ở giữa là các cơ quan triều đình, và ngoài cùng là chỗ ở của chúng dân, cũng như trong quy hoạch “ba vùng kinh tế xã hội” của đô thị cổ này với đại thể: Khu vực hành chính, chính trị và văn hoá ở giữa, mạn Tây là vùng nông nghiệp, mạn Đông là vùng kinh tế công thương.
Với đặc trưng lịch sử và kinh tế, xã hội này, khu phố cổ Hà Nội đang xuất trình trước cái nhìn thích thú của du khách di sản kiến trúc nhà ở cổ truyền của mình. Không phải là những ngôi nhà cao có nhiều tầng như thường thấy ở các đô thị khác, cũng không phải là những ngôi nhà sàn đặt trên những hàng cột, mặc dù đây là kiểu kiến trúc nhà ở phổ biến trong thời thượng cổ và ngày nay vẫn phổ biến ở miền núi Việt Nam, mà là những "ngôi nhà hình ống”, thấp, mặt tiền hẹp, chiều dọc lớn. Đó là di sản kiến trúc của một thời mà theo quy định của các vua quan thì “nhà dân không được xây cao hơn chiều cao của kiệu vua đi”; cũng do hoàn cảnh “phố phường chật hẹp, người đông đúc”, phải dành mặt tiền cho thật nhiều cửa hàng (bầy, bán hàng hoá) san sát còn phía trong, ngôi nhà phát triển theo chiều sâu để lần lượt từng ngăn làm nơi sản xuất, ăn ở, sinh hoạt của mỗi gia đình.
Những ngôi nhà ống như thế làm thành những dãy phố (“phố” nghĩa gốc là nhà bày bán hàng) cạp theo những con đường đất, thỉnh thoảng cũng được lát đá hoặc gạch, chỉ đến thời cận đại mới rải nhựa.
Có khoảng 100 đường phố, ngõ ngách như thế chằng chịt nối mạng giao thông trong khu phố cổ Hà Nội. Do đặc trưng của quy hoạch, mỗi dãy phố chuyên làm hoặc chuyên bán một thứ sản phẩm nên có cách gọi và đặt tên rất đặc trưng, thường bắt đầu tên gọi bằng chữ “Hàng”: Hàng Điếu, Hàng Đồng..., đã lưu hành một thuật ngữ thú vị “Hà Nội 36 phố phường” - mệnh danh cho khu phố cổ Hà Nội. Con số 36 mang tính chất tượng trưng, chỉ “số nhiều”. Hiện nay - năm 2007, có khoảng trên 50 phố với tên gọi bắt đầu bằng chữ “Hàng” trên địa bàn khu phố cổ Hà Nội.
Do đặc trưng của quy hoạch, mỗi dãy phố chuyên làm hoặc chuyên bán một thứ sản phẩm nên có cách gọi và đặt tên rất đặc trưng, chẳng hạn: phố “Hàng Mã”, xưa là nơi làm và bán các đồ giả, chủ yếu bằng giấy (thỏi vàng, quần áo) để đốt cúng cho người đã chết, thì nay, vẫn sặc sỡ phất phơ những hàng hoá chủ yếu làm bằng giấy như thế, nhưng khéo tay, công phu và “hiện đại” hơn, có khi còn thấy cả những chiếc xe... Honda, hoặc cả những... xấp tiền đô-la!
Những khu chợ với đủ các mặt hàng “thượng vàng hạ cám”, với lối mua bán đôi khi vẫn theo “truyền thống” nói thách và mặc cả, mà quy mô và danh tiếng lớn nhất là “Chợ Đồng Xuân”, thì xưa cũng như nay, vẫn luôn là những điểm nhấn thú vị và quan trọng của những hoạt động kinh tế, cả văn hoá nữa, trong khu phố cổ.
Đến với khu phố cổ Hà Nội, để sống cùng hoặc riêng với nền văn hoá đô thị cổ truyền ở đây, du khách dù khó tính đến đâu thường cũng vẫn bị hấp dẫn bởi những giá trị văn hoá phi vật thể, chứa đựng và sống động trong khoảng 100 đơn vị và công trình kiến trúc vật thể, là di tích của những ngôi chùa cổ (thờ Phật), những ngôi đình cũ (thờ thần Thành Hoàng), và những đền, miếu, quán... xưa (thờ các nhân thần và hiển thần), cả những nhà thờ họ (thờ tổ tiên các gia đình, dòng tộc)... với những trình diễn thiêng liêng, ngoạn mục của các lễ hội phong phú, nhiều khi kỳ lạ, thường niên, hằng tháng hoặc thậm chí từng ngày trên các phố phường của khu phố cổ Hà Nội. Điển hình trong các di tích lịch sử và văn hoá này, cả Thăng Long - Hà Nội xưa, có 4 công trình kiến trúc tín ngưỡng quan trọng ở đúng 4 hướng trên giới hạn (đường biên) ngoài cùng của đô thị, thờ 4 vị thần linh thiêng có nhiệm vụ trấn giữ cho miền đất đứng đầu cả nước này, là Thăng Long tứ trấn. Đứng hàng đầu trong Thăng Long tứ trấn, có niên đại cổ nhất (được khởi dựng từ thế kỷ IX) chính là ngôi đền Bạch Mã (Ngựa trắng, tượng trưng cho Mặt trời) ở phố Hàng Buồm (phố làm và bán những chiếc buồm xưa dành cho thuyền bè đến và đi từ những bến sông ở gần ngay đấy) thuộc khu phố cổ Hà Nội.
Ngoài việc khám phá các giá trị văn hoá tinh thần rất phong phú, du khách đến đây còn có nhiều dịp để hưởng thụ những nét đặc sắc, vô cùng hấp dẫn của nền “văn hoá ẩm thực” ở khu phố cổ Hà Nội: phở (thịt bò, thịt gà. . .), bún (riêu, cua, ốc), nem (chua, rán), bánh (cốm, cuốn)... Nhiều người nói, những món ăn uống này mặc dù nhiều nơi cũng có, nhưng ở trong khu phố cổ Hà Nội thường bao giờ cũng ngon hơn. Tuy nhiên, ngon lành, đặc sắc và tiêu biểu nhất ở trong khu phố cổ Hà Nội chính là món chả cá, mà một cửa hàng duy nhất có "thương hiệu" mang hình tượng một ông già câu cá (gọi là “Lã Vọng”) ở trên chính ngay một đường phố cổ, xưa có tên là phố “Hàng Sơn” (làm và bán mặt hàng sơn) nay mang tên của chính món ăn này: phố “Chả Cá”!
Chỉ bằng vài nét điểm qua, đã có thể thấy khu phố cổ Hà Nội đúng là nơi chứa đựng rất nhiều giá trị tiêu biểu của Kinh đô Thăng Long – thủ đô Hà Nội qua hàng nghìn năm cho đến nay. Nhưng qua nghìn năm biến động của lịch sử, nhiều giá trị trong số đó đã và đang biến dạng, hoặc thậm chí biến mất. Và cuộc sống của một đô thị hiện đại, đổi mới và hội nhập cũng khiến cho không thể giữ và sống nguyên vẹn với tất cả các giá trị cổ truyền đó.
Vấn đề rất lớn ở đây là: bảo tồn những gì, theo những phương thức nào và để phát triển? Tức chính là vấn đề quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Như đang thấy, với mật độ dân số vào hàng cao nhất đất nước (khoảng 100.000 dân, sống trên khoảng 100 ha đất đai), những công dân chủ nhân khu phố cổ hiện nay đang sinh sống trung bình 20 người trong một ngôi nhà mà 60 năm trước chỉ trung bình có 5, 6 người ở. Hệ quả là những ngôi nhà truyền thống trong khu phố cổ, vốn mang một đặc trưng chung là “thấp tầng”, nay buộc phải trở thành “cao tầng” (một cách lộn xộn).
Việc kinh doanh những mặt hàng hiện đại, theo phương thức hiện đại, không thể thích hợp (nếu không phải là mâu thuẫn sâu sắc) với hình thể và tiện nghi cổ truyền của những ngôi nhà truyền thống trong khu phố cổ, ít nhất cũng là ở chỗ “mặt tiền”, do đó, cần phải và đã được “cải tạo” (thay đổi diện mạo và cấu trúc) cũng ít nhất là chỗ “mặt tiền” ấy (một cách chắp vá).
Trong khi đó, khoảng 1.000 ngôi nhà thuộc khu phố cổ đã được thống kê và xác định là: còn bảo lưu được tính cổ kính truyền thống (mặc dù, tuyệt đại đa số đều “xuống cấp” (hư hỏng) và chỉ bảo lưu được từng và một số bộ phận, mà cổ nhất, thì cũng chỉ có niên đại là thế kỷ XIX). Công cuộc bảo tồn (khôi phục và gìn giữ tính cổ kính) cho khoảng 1.000 ngôi nhà như thế, trong vòng gần 10 năm qua, mới chỉ thực hiện được ở mức độ (con số) rất khiêm tốn là: 3 đơn vị nhà cổ (ở phố Mã Mây, phố Hàng Đào, và nhà số 51 Hàng Bạc - làm năm 2004).
Thành phố Hà Nội đã có chủ trương đưa khu phố cổ Hà Nội vào lộ trình (roadmap) trở thành di sản thế giới, đó chính là một nguồn cổ vũ, thậm chí là động lực quan trọng, mới mẻ, để giải quyết tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản lịch sử này.
Chúng ta, thế hệ trẻ cả nước nói chung, thế hệ trẻ Hà Nội nói riêng cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc để xứng đáng với truyền thống ông cha đã để lại cho muôn đời sau.