Thắng cảnh Đền ông - Động bà chúa thượng ở Thanh Hóa

Thắng cảnh Đền Ông - Động bà chúa thượng thuộc thị trấn Quan Hóa và xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Đền Ông ở ngay ngọn núi gần hội trường lớn của huyện Quan Hoá, bên bờ tả sông Mã; còn Động bà nằm ở đối diện, nhưng phía bờ hữu sông Mã, thuộc địa bàn xã Hồi Xuân. Khu thắng cảnh này đã và đang thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu, tham quan.

 

  01/10/2007 08:18
Xung quanh sự ra đời và tồn tại của thắng cảnh Đền Ông - Động bà chúa thượng ở Quan Hóa có rất nhiều truyền thuyết của đồng bào dân tộc Thái địa phương. Trong số những câu chuyện từ xa xưa mà hàng đêm bên bếp lửa nhà sàn, đồng bào nơi đây thường kể cho con cháu nghe về thắng cảnh này có một truyền thuyết có sức sống trường tồn, lan tỏa nhất. Truyền thuyết kể rằng:
 
Ngày xưa, có một người tên là Cả Cò cùng một số bạn bè ở miền xuôi thường mang cá, muối, dao, rìu, chiếu đi đến các bản, làng vùng thượng nguồn sông Mã để bán. Việc bán hàng ngày một đi xa, ngày đi cũng dài dần, có khi đi hàng tháng, nửa năm mới về quê. Việc đi bán hàng, thu gom hàng của anh Cả Cò cứ liên tục, đi mãi rồi đến vùng Mường Luông của nước bạn Lào. Khi việc buôn bán ở Mường Luông thuận lợi, anh Cả Cò ở lại địa phương bán hàng, còn anh em khác thay nhau về lấy hàng từ quê miền xuôi. Thời gian ở lại đất Mường Luông buôn bán, anh Cả Cò tham gia trồng màu, lúa nước... được người dân ở đây mến mộ. Người mến mộ, yêu thương anh Cả Cò nhất là con gái út của Then Luông (vua Lào thuở bấy giờ) có tên là Xao La. Lòng mến mộ, yêu thương đến độ Xao La muốn ngỏ ý lấy anh Cả Cò làm chồng. Anh Cả Cò cũng thấy lòng mình yêu thương Xao La, nhưng không dám ngỏ lời. Sau khi được Xao La ngỏ lời, anh vô cùng phấn khởi, hăng hái tham gia các hoạt động với địa phương. Một hôm, Xao La và anh Cả Cò vào thưa chuyện với vua Lào để được kết duyên vợ chồng. Được nhà vua đồng ý, hai người nên vợ nên chồng, nhưng với điều kiện anh Cả Cò phải ở rể. Đám cưới của hai người được tổ chức tại Mường Luông. Anh Cả Cò trở thành phò mã vua Lào, được đặt tên là Khuân Pha Nha. Vợ chồng Khuân Pha Nha sống hạnh phúc và có một con gái.
 
Sống thời gian dài ở nước Lào, một hôm Khuân Pha Nha được tin ông bố ở quê bị ốm nặng. Anh xin vua cha và người vợ yêu quý để được về thăm bố. Về đến quê nhà, thấy tình cảnh gia đình khó khăn, Khuân Pha Nha cho tuỳ tùng trở về Lào tâu với vua cha và vợ để anh ở quê nhà một thời gian, rồi anh sẽ quay lên. Người vợ chờ mãi không thấy Khuân Pha Nha quay lên liền xin vua cha cho người xuống đón anh. Vì người cha chưa khỏi ốm, nên Khuân Pha Nha cứ khất lần hồi. Một hôm, người ở nước Lào xuống đón Khuân Pha Nha rồi kể về nỗi nhớ anh của vua cha và vợ anh, Khuân Pha Nha bùi ngùi từ biệt gia đình để sang Lào. Về đến vùng Mường Ca Da (huyện Quan Hóa ngày nay) thì nước sông Mã dâng to, không qua được. Chờ chồng mãi không thấy tin tức, nàng Xao La bế con gái xuống xuôi đi tìm Khuân Pha Nha. Hai mẹ con nàng Xao La xuống đến bờ tả sông Mã thì nước sông cũng to quá, không sao sang được, đành ở lại hang Pha Múng Mường. Hai vợ chồng Khuân Pha Nha và đứa con gái cứ đợi chờ nhau, gọi tên nhau bên hai bờ sông Mã, nhưng không gặp nhau được. Sau đó, ba người bị chết rồi hóa thành tượng đá. Cảm phục tấm lòng chung thủy, yêu thương nhau của vợ chồng Khuân Pha Nha- Xao La, người dân địa phương đã lập đền thờ cúng và đặt tên là Đền ông- Động bà ngay hai bờ sông Mã. Cũng từ đó, Đền ông- Động bà là nơi linh thiêng của đồng bào các dân tộc ở huyện Quan Hóa. Những người đi buôn, làm ăn xa gần thường đến Đền ông cầu khấn để xin được che chở, phù hộ. Còn những người mong cho tình cảm vợ chồng, gia đình hoà thuận thì đến Động bà chúa thượng cầu xin. Đây là một trong những hoạt động tín ngưỡng gắn với đời sống tâm linh có sức sống trường tồn của đồng bào Thái nơi đây.
 
Hiện nay, quanh khu vực Đền ông - Động bà chúa thượng ở Quan Hóa còn giữ được hệ sinh thái tương đối nguyên sơ, với hệ thống hang động phong phú, hấp dẫn, rừng nhiệt đới xanh tốt quanh năm. Đến với khu thắng cảnh này, du khách được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành, tươi đẹp; được hiểu biết thêm về một vùng đất Mường Ca Da nổi tiếng với nhiều truyền thuyết hấp dẫn, phong tục tập quán lâu đời của đồng bào Thái nơi thượng du xứ Thanh. Đây cũng là một điểm "nhấn" trong quần thể khu du lịch sinh thái, lịch sử- văn hóa Hang Phi mà huyện Quan Hóa đang xây dựng, triển khai. Từ khu thắng cảnh này, du khách có thể đi dạo bằng thuyền trên sông Mã, sông Luồng để đến với khu động táng kỳ thú trên hang Pó Cúng. Hàng năm, nhất là vào dịp mùa xuân, đồng bào các dân tộc trong vùng và du khách thập phương thường đến vãn cảnh Đền ông- Động bà chúa thượng, thắp nén hương cầu xin được phù hộ nhiều may mắn, hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống.
(Nguồn báo Thanh Hóa)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Đà Nẵng - nơi 'hẹn hò' với những cây cầu nổi tiếng đôi bờ sông Hàn

Có người đã ví mỗi chuyến du lịch đến miền đất mới như một cuộc hẹn hò. Và trong chuyến khám phá thà ...

  06/07/2020 17:44

'Để quên con tim' ở Quy Nhơn

Quả thật, nếu bạn chưa một lần đến Quy Nhơn, đi loanh quanh và khám phá một Kỳ Co nước xanh như ngọc ...

  02/07/2020 15:35

Trải nghiệm đẳng cấp cùng du thuyền trên biển

Giờ đây, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian sang trọng củ ...

  01/07/2020 16:53

Cùng hội bạn thân 'du hí' Đà Lạt

Đã bao lâu rồi bạn chưa “hẹn hò” cùng hội bạn thân tại Đà Lạt, nhất là sau những ngày cách ly dài nh ...

  16/06/2020 17:11

6 thiên đường biển tuyệt đẹp cho chuyến du lịch mùa hè

Giữa tiết trời oi ả, bạn chỉ muốn “trốn” đến vùng biển xanh biếc, đắm mình trong làn nước mát hay đó ...

  12/06/2020 16:30

Check-in 'sang chảnh' tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc

Mỗi lần nghĩ tới du lịch, lý do gì thôi thúc bạn? Đi để trải nghiệm, đi để xả stress, đi để có hình ...

  09/06/2020 16:55
pin