Tinh túy mâm cỗ ngày xuân
Không khí của những ngày cuối năm rộn ràng, nhộn nhịp hơn vì đây cũng là lúc chuẩn bị mọi thứ cho một năm mới, từ sửa soạn bàn thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa đến việc chuẩn bị thịnh soạn cho những bữa tiệc đầu năm mới
Ảnh: Internet Khi nắng mới ló qua từng khe cửa, khoác lên phố phường chiếc áo vàng tươi, gió nhè nhẹ lay hàng cây trước ngõ, cũng là lúc chồi non nẩy lộc đón xuân về. Không khí của những ngày cuối năm đã tất bật với bao báo cáo, tổng kết nay lại càng rộn ràng, nhộn nhịp hơn vì đây cũng là lúc chuẩn bị mọi thứ cho một năm mới, từ sửa soạn bàn thờ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa đến việc chuẩn bị thịnh soạn cho những bữa tiệc đầu năm mới.
Đi chợ lúc này cũng có nhiều khác lạ so với các ngày trong năm. Ra chợ, thấy cái gì cũng muốn mua, đồ gì cũng đẹp, ai cũng tươi vui. Người quen thì rôm rả thăm hỏi nhau việc chuẩn bị đón Tết, dân quê thì đem sản phẩm “cây nhà lá vườn” lên chợ rồi chào mời bằng những nụ cười mộc mạc, thân thương. Rồi thì cái gì cũng muốn mua mặc dù trong nhà không phải là thiếu. Phải rồi, nào là tất niên, nào là cúng tổ tiên ông bà, nào là đưa ông Công, ông Táo, là khách khứa viếng thăm chúc tụng… Cho nên tất cả phải chỉn chu, sẵn sàng và nhất là không được thiếu thứ gì trong những ngày đầu năm…
Chuẩn bị bàn cúng tổ tiên, ông bà có thể được coi là việc làm quan trọng nhất của nhà nhà lúc này. Với văn hóa Việt, Tết là dịp duy nhất trong năm có sự “sum họp” đủ đầy của gia đình, gia tiên và gia thần. Bởi vậy, ngoài bày biện lư đồng nhẵn bóng, hoa quả tươi thơm, nhang đèn nghi ngút, trà rượu ấm nồng, các món ăn dâng lên ông bà cũng được chắc lọc rất cẩn thận, để đảm bảo vừa ngon vừa đẹp nhưng cũng phải vừa hài hòa âm dương, ngũ hành và đậm chất văn hóa quê hương.
Người Tràng An thường chọn các món măng khô ninh chân giò, nem rán, thịt đông, dưa chua, nộm, các món xào… như lời mời chân thành từ con cháu, rước ông bà cùng về ăn tết, đón xuân. Trên mâm cỗ của người Huế, ta thường thấy các món thịt bò dầm nước mắm, thịt bò nấu riềng tỏi, nem, tré, chả lụa, giò heo rút xương, thịt lợn muối chua, tôm thịt kho mặn, thịt luộc dưa giá, ram (miền Bắc gọi là nem rán, miền Nam gọi là chả giò), vả, chuối chát, bắp chuối xắt... Đặc biệt là món giò heo hầm măng bỏ thêm ít bún tàu suôn thẳng như sự ví von một năm mới thuận lợi.
Còn với người Nam Bộ, món ăn “thường trực” nhất phải kể đến là thịt kho hột vịt. Hầu như tất cả các ngày kỵ - giỗ, lễ tết người dân đều thực hiện món này như tâm điểm của mọi bàn tiệc. Bên cạnh tô canh, củ kiệu hay dưa cải chua, tai heo chua ngọt, món thịt kho hột vịt là trung tâm của mâm cỗ ngày xuân. Ở đó, màu vàng của thịt ứng với hành thổ, miếng thịt vuông và quả trứng tròn biểu hiện cho sự hài hòa âm dương cho mong ước vuông tròn trong năm mới. Dưa giá chấm vào nước thịt kho tàu có dầm ớt tạo các vị ngọt, chua, cay, mặn, cộng thêm vị nhẫn của món canh khổ qua… mang ý nghĩa ngũ hành tương sinh sẽ làm cho mọi sự hanh thông.
Ẩm thực ngày Tết mang giá trị văn hóa quay tròn bên mâm cúng lẫn bữa cơm gia đình. Người Việt luôn dành những điều tinh túy, hoàn hảo nhất cho ngày Tết. Mâm cỗ tết là mâm cơm đặc biệt nhất trong năm khi cả gia đình được đoàn viên, sum vầy. Từ châu thổ sông Hồng đi qua đèo Hải Vân hay đến phương Nam nắng ấm, các món ăn tuy khác nhau về hình thức nhưng đều rất tôn trọng yếu tố hài hòa âm dương, ngũ hành. Nếu món nem rán, thịt đông lắm mỡ, nhiều đạm, người Hà thành sẽ ăn kèm với các loại dưa chua, nộm (một loại gỏi chua ngọt) để giảm độ ngấy, quân bình đạm và sinh tố trong cơ thể. Hay ngay trong món măng khô ninh chân giò không quá ngậy bởi măng khô khi nấu đã trung hòa với vị béo của giò heo tạo thành vị ngọt thanh.
Người dân đất cố đô Huế với văn hóa ẩm thực cung đình lại càng tinh xảo trong cách bày biện và ăn uống. Họ khéo léo từ khâu chế biến đến bài trí và nêm nếm gia vị. Mâm cỗ ngày tết của người Huế là biểu tượng cho sự sum vầy, hạnh phúc và đại diện cho văn hóa gia phong. Riêng món thịt kho hột vịt đã toát lên tính cách phóng khoáng của người Nam Bộ vì có thể để lâu, khách vào nhà là có thể hâm dùng mà không cần bày biện nấu nướng rườm rà.
Ngoài những món ăn kể trên, không thể thiếu các món bánh truyền thống là bánh chưng, bánh tét - chất liệu để dựng nên một mâm cỗ với đầy đủ các yếu tố âm dương, ngũ hành. Chiếc bánh mang triết lý sống ân nghĩa, thủy chung với tổ tiên và thiên địa. Màu đỏ tươi của xôi gấc được coi là may mắn. Món gà luộc mang đến khởi đầu thuận lợi. Món thịt đông trong như thạch thể hiện cho sự an lành tân niên. Giò chả bày tỏ mong ước trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà… Mâm cỗ ngày xuân vì thế thể hiện rõ triết lý sống thuận theo vũ trụ, theo sự vận hành của đất trời với ý nghĩa cầu mong một năm bình yên, sung túc tài lộc do sự “hợp nhất” của con người, đất trời và tổ tiên.