LỄ HỘI "QUẢNG NAM - HÀNH TRÌNH DI SẢN 2007"

Đến và cảm nhận vẻ đẹp di sản văn hóa Đông Dương"Lễ hội Quảng Nam - hành trình di sản 2007" với chủ đề "Quảng Nam - Hội ngộ Di sản Văn hóa Đông Dương" được Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào hoạt động lễ hội hiện đại cấp quốc gia năm 2007, sẽ diễn ra từ ngày 26/6/2007 đến 30/6/2007.

  21/06/2007 14:37
Đây là năm thứ ba lễ hội này được tổ chức và bao giờ cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo cơ quan truyền thông và du khách trong và ngoài nước. Đây là một trong những sự kiện nổi bật quy tụ nhiều hoạt động văn hóa - du lịch, xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển du lịch. Với chủ đề "Quảng Nam - Hội ngộ Di sản Văn hóa Đông Dương", lễ hội lần này sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa nhân dân, du khách, nhà đầu tư, doanh nhân, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cán bộ lãnh đạo cơ quan trong và ngoài nước, đặc biệt là 3 nước Đông Dương.
Điều đặc biệt là ngoài các chương trình liên hoan, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ẩm thực, hội làng nghề, triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Đông Dương…, tại Lễ hội Quảng Nam-Hành trình di sản 2007 sẽ có sự tham gia giao lưu văn hóa của các đoàn nghệ thuật di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn, Hội An, Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên (Việt Nam); Angkor, Xiêm Riệp (Cam-pu-chia); Wat Phou, Champasak, Luangphrabang (Lào) và các đoàn nghệ thuật dân gian của các địa phương.
Thông qua lễ hội năm nay, các nhà tổ chức hướng đến mục tiêu kết nối các Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam như cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Di tích Mỹ Sơn với các Di sản văn hóa Angkor Vat của Campuchia, Luang Prabang và Vatphu của Lào.
 
 
 
Đại nội Huế
 
Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Lễ hội năm nay rất đặc biệt bởi hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh, Quảng Nam đã làm việc và ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Sê Kông, Champasak (Lào), Xiêm Riệp (Campuchia); phối hợp với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế hợp tác về tổ chức Road Show giới thiệu du lịch tại Bangkok - Thái Lan vào ngày 04/06/2007, hợp tác về tổ chức họp báo, hợp tác về tuyên truyền cổ động trực quan tại 03 địa phương...và đã được Bộ Văn hóa Thông tin, Tổng cục Du lịch tích cực hỗ trợ.
Với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của Campuchia và Lào về giao lưu các đoàn nghệ thuật, tuyên truyền, quảng bá và đưa khách đến Quảng Nam, hoạt động văn hóa nghệ thuật được kết nối của các đoàn nghệ thuật di sản văn hóa thế giới của ba nước Đông Dương như: Mỹ Sơn, Hội An, Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Công chiêng Tây Nguyên (Việt Nam), Angkor, Xiêm Riệp (Campuchia), Wat Phou, Champasak, Luangphrabang (Lào) và các đoàn nghệ thuật dân gian của các địa phương khác trong nước...sẽ góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch các dân tộc 3 nước Đông Dương một cách ấn tượng.
 
Miền Trung: Cùng hướng tới  “Con đường di sản Đông Dương”
Nội dung liên kết trong phát triển du lịch giữa miền Trung VN và các nước trong khu vực Đông Dương chính là điểm nhấn trong chương trình hoạt động của lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần 3-2007 với chủ đề: “Quảng Nam - Hội ngộ di sản văn hóa Đông Dương” sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 30-6 này. Đến nay, tất cả phần việc chuẩn bị cho “Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ 3 đang được các tiểu ban, địa phương hoàn tất, tạo hiệu ứng gắn kết các di sản, tăng cường hợp tác quốc tế bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và phát triển các tour du lịch liên vùng...Cùng với chương trình khảo sát du lịch đường bộ  qua Chămpasăc (Lào) - Bangkok (Thái Lan) - Xiêm Riệp, Phnompenh (Campuchia) - Mộc Bài (Tây Ninh) - Thành phố  Hồ Chí Minh, kéo dài 8 ngày (từ ngày 12 đến ngày 19/5/2007), Đoàn du khảo Quảng Nam gồm 30 người (Sở Du lịch, doanh nghiệp và nhà báo) cũng tổ chức một chương trình nghệ thuật Road Show giới thiệu lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản" lần 3 thứ tại Thái Lan. Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng kinh tế, xã hội và sản phẩm du lịch các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông –Tây, mở ra tiền đề quan trọng trong việc hình thành tuyến du lịch "Con đường di sản Đông Dương", kết nối tour du lịch "Con đường di sản miền Trung" với các di sản văn hóa  thế giới Lào, Campuchia và Thái Lan.
 
 
 
Angkor- Cambodia
 
 
Theo ông Thái Viết Tường- Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam, Phó ban Tổ chức lễ hội, ngoài chương trình Roadshow tại Thái Lan, họp báo hoặc hợp tác thông tin với các tỉnh, thành phố khu vực, hai đầu đất nước và các hãng hàng không giới thiệu chương trình lễ hội thì một kế hoạch tuyên truyền cụ thể đã được giới thiệu đến đông đảo khách du lịch quốc tế và nội địa. Hàng nghìn panô, banner, bandron... sẽ chính thức treo dọc theo các tuyến quốc lộ 1A, kéo dài từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trên các con phố của thành phố, huyện, thị xã trong tỉnh, bắt đầu từ ngày 10/6... Sở Du lịch đã lên kế hoạch huy động và vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp với khoảng 10% buồng phòng, đủ đáp ứng nhu cầu cho khách mời. Và bộ phận hậu cần, lễ tân đã sẵn sàng nở nụ cười để đón khách chu đáo, trọng thị, đúng như lòng hiếu  khách truyền thống của dân Quảng Nam. Các địa phương Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên... đã bắt đầu dàn dựng chương trình, kịch bản;  dọn dẹp vệ sinh môi trường... bảo đảm cho lễ hội vốn đã mới, lạ, có chiều sâu ... thành công hơn cả dự định, mở đường hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn cho du lịch và các ngành kinh tế khác của Quảng Nam trong một ngày không xa.
 
 
Hoạt động văn hoá nghệ thuật trong Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản" 2007
Tại lễ hội “Con đường Di sản văn hóa Đông Dương” sẽ có nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước như giao lưu văn hóa; trình diễn những tiết mục đặc sắc, mang đậm nét đẹp văn hóa của từng địa phương của các đoàn nghệ thuật truyền thống của các nước, các vùng miền gắn liền với các di sản văn hóa; triển lãm hình ảnh - tư liệu về các di sản văn hóa thế giới; tổ chức hội thảo khoa học về công tác bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa của các di sản văn hóa và hợp tác phát triển về du lịch, trao đổi các tour du lịch giữa các nước Đông Dương và vùng đông - bắc Thái Lan...Đây là các hoạt động giao lưu văn hóa - du lịch nhằm phát huy các giá trị văn hóa di sản, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng giữa ba nước Đông Dương.
 
 
 
Thánh địa  Mỹ Sơn
 
 
Chương trình khai mạc Lễ hội diễn ra vào đêm 27/6/2007 tại Quảng trường đô thị cổ Hội An được truyền hình trực tiếp trên VTV3 với quy mô hoành tráng, nhiều sắc màu rực rỡ, sôi động của nghệ thuật truyền thồng 3 nước Việt Nam -Lào -Capuchia . Trước đó, ngày 26/5 sẽ diễn ra "Liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc tại tỉnh Quảng Nam.
Khởi động lễ hội là Ngày hội giao lưu văn hóa - nghệ thuật - ẩm thực dân gian các dân tộc Việt, Chăm, Cơtu tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Khu di tích Mỹ Sơn. Cùng lúc tại làng An Phước, xã Duy Phước làng Đông Yên, xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên tổ chức Hội nghề dệt chiếu, nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống.
Trong các ngày lễ hội tại thành phố Tam Kỳ, khu di tích Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, đảo xanh Cù Lao Chàm, thị trấn Nam Phước huyện Duy Xuyên, làng Thanh Chiêm 1 huyện Điện Bàn còn diễn ra “liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam”; triển lãm “các tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước ( 1945-2005)”; triển lãm hình ảnh, hiện vật “đặc trưng văn hóa cộng đồng các dân tộc Đông Dương”.
Cục Văn hoá Thông tin cơ sở (Bộ Văn hoá Thông tin) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian các dân tộc Việt Nam. Hiện tại đã có 12 đoàn văn hoá nghệ thuật các tỉnh, thành trong nước đăng ký tham dự. Các chương trình văn hóa đều có giá trị nghệ thuật cao như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Kinh, Chăm, Cơtu; chương trình nghệ thuật Đêm hội "Wat Phou - Mỹ Sơn - Angkor", Đêm hội "Phố cổ Hội An - Cố đô Luanangrabang", Đêm hội "Đông Dương - Giao hoà văn hoá" sẽ tái hiện không gian văn hóa, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Đông Dương, là sự hoà điệu văn hóa giữa nụ cười Bayon - Angkor với sự uyển chuyển của vũ nữ Apsara Mỹ Sơn - Trà Kiệu; giữa các làn điệu dân ca Việt Nam, dân ca Khơmer, vũ hội Lăm của các bộ tộc Lào, cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế... cùng với hoạt cảnh tái hiện lịch sử hình thành và phát triển các kinh đô xưa một thời nổi tiếng của các vương quốc: Luangphrabang (Lào), Angkor (Campuchia), Sinhapura, Trà Kiệu (Champa), Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Phú Xuân - Huế (Việt Nam). Tại bãi biển Cửa Đại - Hội An diễn ra các hoạt động: Trình diễn thuyền buồm truyền thống, Giải bóng chuyền bãi biển- Quảng Nam 2007, Giải đua xe đạp Hội An - Điện Bàn - Mỹ Sơn, thả diều nghệ thuật... Bên cạnh các hoạt động chính, còn có các cuộc diễu hành xe Vespa cổ quanh thị xã Hội An, qua các làng nghề và đến khu đền tháp Mỹ Sơn trong hai ngày 27 – 28.6. Theo ông Nguyễn Thành Sang - Chủ tịch Hội đồng quản trị khu du lịch Palm Garden là đơn vị tài trợ chính cho cuộc diễu hành, sẽ có ít nhất 200 xe Vespa cổ đến từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đa Lạt, Nha Trang… và nhiều văn nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng tham gia diễu hành để quảng bá cho việc bảo vệ các di sản văn hóa và tham gia công tác từ thiện.
Hoàng cung Thái Lan
Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản" 2007 là nơi giao lưu, gặp gỡ công chúng, du khách, văn nghệ sĩ, doanh nhân. Lễ hội lần này cũng là dịp tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh, thành phố (Việt Nam), Xiêm Riệp (Campuchia), Champasak và Luangphrabang (Lào) với các cơ quan, tổ chức cùng bạn bè quốc tế thông qua hoạt động Khu ẩm thực Đông Dương, Hội thảo quốc tế Con đường di sản Đông Dương. Lễ hội sẽ khép lại với Chương trình nghệ thuật "Cù Lao Chàm - Không gian truyền thuyết" tái hiện các truyền thuyết về lịch sử, văn hóa của hòn đảo "Ngoạ long" chắn giữa biển Đông, cùng với việc giới thiệu, tôn vinh các tiềm năng văn hóa - du lịch của mảnh đất vào con người Cù lao Chàm - Di sản danh thắng quốc gia. Công chúng và du khách sẽ có dịp hoà mình với bè bạn trong Chương trình "Giã bạn - Bế mạc" trên Cầu cảng Cù Lao Chàm, cảm nhận sự sâu lắng của đêm trên biển đảo và chiêm ngưỡng pháo hoa trên bầu trời giữa mênh mông sóng nước biển Đông.
Đến và cảm nhận vẻ đẹp di sản văn hóa Đông Dương
20 giờ ngày 27/6, quảng trường lễ hội và sông Hoài Hội An sẽ lộng lẫy hoa đăng và ánh sáng rực rỡ, sôi động trên nền nghệ thuật truyền thống 3 nước Đông Dương trong đêm khai mạc lễ hội. Âm điệu du dương của những màn dạ vũ, múa hát  sẽ còn vướng vất theo chân du khách đến tìm gặp không gian văn hóa đặc trưng cộng đồng dân cư làng quê Việt, thông qua các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội làng nghề nông, ngư nghiệp như dệt chiếu truyền thống, ươm tơ dệt lụa, nghệ thuật ẩm thực dân gian, liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian và trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam... đã bày cuộc trên đất Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An từ sáng 26, kéo dài đến hết ngày 30/6. Hoặc có thể tham gia vào hàng loạt sự kiện văn hóa - du lịch  hấp dẫn và mới lạ đồng loạt diễn ra trên cung đường 45km vắt mình từ Hội An lên Mỹ Sơn, ra tận đảo cù lao Chàm.
Du khách có thể đắm mình trong không gian huyền hoặc, tái hiện lịch sử hình thành và "thân phận" của các kinh đô xưa một thời nổi tiếng của Lào, Campuchia, Việt Nam; có thể say thời quá vãng trong miền di sản với "Đêm Ăngco trên phố cổ", "Đêm phố cổ Hội An - cố đô Luôngphabang" hoặc một “Đêm Mỹ Sơn - Vatphu huyền diệu" để gặp nụ cười Bayon (Angko) hay chất liêu trai, kỳ bí của điệu luân vũ Apsara... hay sự cách tân của màn trình diễn nghệ thuật graffiti trên sông Hoài đượm màu khói sương...
 
 
 
Chùa Thiên Mụ - Huế
 
 
Du khách còn có thể sống trong bầu không khí rạo rực, chan hòa ánh nắng, đầy ắp tiếng cười trên bãi biển Hội An, cù lao Chàm thông qua các hoạt động thể thao (bóng chuyền bãi biển, đua thuyền truyền thống...). Và cởi bỏ mọi tục lụy trần gian  để sống một đêm với đất trời hư ảo, không gian truyền thuyết  cù lao. Không chỉ có thế, du khách có thể gặp lại một đời sống quá vãng của dân Việt qua các cuộc triển lãm; có thể nhìn thấy sức sống của các làng nghề trên đất Điện Bàn và sức mạnh của du lịch Quảng Nam trong việc liên kết "Con đường di sản Đông Dương" trong tương lai.
Vài ba lễ hội tầm cỡ, một năm Du lịch quốc gia ấn tượng cùng với việc gia tăng chất lượng dịch vụ d lịch,  không ngừng phát triển các sản phẩm du lịch "đặc hữu" và đánh thức các giá trị truyền thống, phục hồi các lễ hội dân gian... đang được bảo lưu trong quần chúng nhân dân, hình ảnh Quảng Nam với hai di sản cùng bộ sưu tập tài nguyên du lịch đã lên đường chu du thiên hạ, trở thành điểm đến không thể thiếu của các cuộc lữ hành.
 
 Nguồn: theo www.cinet.gov.vn
 
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Ưu đãi giảm giá nhóm đến 200 nghìn cùng Khuyến mại Xuân 2022 Vietravel

Như một lời tri ân đến Quý khách hàng đã gắn bó cùng Vietravel trong suốt thời gian qua cũng như để ...

  26/12/2021 14:00

Thể lệ Cuộc thi thiết kế tour du lịch Đài Loan "Booking Your Next Trip"

Cuộc thi “"Booking Your Next Trip" do Vietravel phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Đài Loan tổ chức với ...

  23/10/2021 15:00

Chính thức ra mắt Bản tin Vietravel - Ấn phẩm Online

Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid - 19 hoành hành đã khiến chúng ta không thể thực hiện nh ...

  21/09/2021 09:00

"Nhật Bản tôi yêu" - Cuộc thi viết dành cho cho những người yêu "Xứ sở mặt trời mọc"

Với mục đích duy trì sự quan tâm, yêu thích với du lịch Nhật Bản cũng như khơi dậy nhu cầu đi du lịc ...

  14/07/2021 00:00

Du lịch hấp dẫn với “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021”

Chính thức diễn ra từ ngày 24/4 đến ngày 2/5/2021, “Tuần lễ Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021” (Vung T ...

  20/04/2021 09:00

Vietravel – Vietravel Airlines kết hợp cùng tỉnh Hà Giang xúc tiến quảng bá du lịch

Nhằm khôi phục thị trường du lịch thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời chuẩn bị các sản phẩm cho mùa Hè 2 ...

  14/04/2021 10:10
pin