Ý muốn bắt tay Việt Nam phát triển du lịch golf
Việt Nam là quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á được lựa chọn để quảng bá Ryder Cup 2023 - giải đấu danh giá của làng golf thế giới. Đây cũng là sự kiện thể thao được xem nhiều thứ ba thế giới, sau Thế vận hội Olympic và FIFA World Cup.
Ryder Cup 2023 sẽ diễn ra từ ngày 29-9 đến 1-10 tại sân golf Marco Simone, ngoại ô thành phố Rome của nước Ý.
Sự kiện quảng bá Ryder Cup 2023 tại Hà Nội có sự tham dự của ông Đặng Hà Việt - tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao, ông Antonio Alessandro - đại sứ Ý tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam - nguyên đại sứ Việt Nam tại Ý, đại diện ban tổ chức Ryder Cup 2023, Hiệp hội Golf Việt Nam cùng các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành.
Đây là sự kiện đặc biệt nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.

Tại sự kiện, các diễn giả đã thảo luận về các cơ hội cũng như thách thức trong việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn và phát triển phong trào chơi golf ở Ý và Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Ý Antonio Alessandro bày tỏ mong muốn được cùng Việt Nam hợp tác phát triển lĩnh vực du lịch golf.
Trả lời Tuổi Trẻ Online bên thềm sự kiện, Đại sứ Antonio Alessandro cho biết đại sứ quán vừa tiếp giám đốc Tổng cục Du lịch Ý tới thăm Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của chuyến đi là tìm hiểu và thiết lập các cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thể thao và du lịch.
"Golf chắc chắn là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong phát triển du lịch thể thao giữa hai quốc gia", ông Alessandro nhấn mạnh.
Du lịch golf có thể đem về tới 10 tỉ USD
Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất thế giới" năm 2019 và năm 2021, năm năm liên tiếp trở thành "Điểm đến golf tốt nhất châu Á" (từ năm 2017 đến 2021).
Tổ chức World Golf Awards (WGA) cũng nhận định "Việt Nam là nơi thị trường golf đang hồi sinh".
Năm 2019, Việt Nam đã đón tiếp 3 triệu lượt khách chơi golf tới Việt Nam. Với lợi thế khí hậu nhiệt đới cùng hệ thống 80 sân golf đang được khai thác trên toàn quốc, chiến lược phát triển du lịch golf tại Việt Nam đang dịch chuyển sang thu hút các quốc gia Đông Nam Á, châu Âu, Úc.
Đây là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp Ý và châu Âu đầu tư vào thị trường du lịch golf giàu tiềm năng ở Việt Nam.
Chia sẻ tiềm năng phát triển du lịch golf tại Việt Nam, ông Phạm Thành Trí - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam (VTGA) - cho biết trong một giải đấu được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2022, mỗi golfer tham dự chi tiêu tới 10 triệu đồng mỗi ngày. Trung bình, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam chơi golf cao gấp 2 đến 3 lần khách bình thường.
Ông Trí đặt ra bài toán phát triển du lịch golf Việt Nam có thể đóng góp tới 10 tỉ USD vào du lịch Việt Nam trong những năm tới.
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Vietravel Nha Trang mở lại tour du lịch miễn phí Free Walking Tour
Free Walking Tour được Vietravel Nha Trang ra mắt năm 2017. Đây là tour miễn phí được tổ chức định kỳ dành cho du khách trong nước và quốc tế muốn tìm hiểu về các di tích, danh thắng của Nha Trang. Sau thời gian tạm ngưng vì dịch Covid-19, ngày 18-3, Vietravel Nha Trang chính thức mở lại Free Walking Tour để giới thiệu hình ảnh thành phố biển xinh đẹp đến du khách với sự tham gia của nhiều du khách Hàn Quốc và khách châu Âu. Với sự dẫn dắt của hướng dẫn viên của Vietravel Nha Trang, du khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp của Nha Trang theo một phong cách hết sức mộc mạc qua việc đi bộ khám phá phố phường, tham quan các điểm đến như Tháp Trầm Hương, Nhà thờ Chánh tòa Nha Trang, chùa Long Sơn…Theo ông Đoàn Hải Quân, Vietravel Nha Trang sẽ duy trì Free Walking Tour xuyên suốt trong năm 2023 với 2 tuần/lần vào ngày Thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Đặc biệt, để chào mừng kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, ngày 1 và 2-4, Vietravel Nha Trang sẽ tổ chức thêm Free Walking Tour đi bằng xe buýt với cung đường từ cảng Nha Trang đến Bến du thuyền Ana Marina (khách sẽ được dừng lại ở những điểm như Tháp Trầm Hương, Hòn Chồng… để tham quan).

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, việc Vietravel Nha Trang tổ chức Free Walking Tour sẽ góp phần tạo thêm ấn tượng đẹp với du khách quốc tế khi đến Nha Trang - Khánh Hòa, từ đó góp phần quảng bá thu hút du khách đến với xứ Trầm Hương.
(Nguồn: Khánh Hòa Online)
Trip.com mong muốn tăng cường hợp tác quảng bá Du lịch Việt Nam trên nền tảng số
Tại buổi tiếp, ông Benny Wang cảm ơn Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã dành thời gian tiếp đoàn; đồng thời giới thiệu tổng quan về Tập đoàn Trip.com với Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu. Theo đó, Tập đoàn Trip.com là Công ty du lịch trực tuyến đa quốc gia của Trung Quốc được thành lập năm 1999. Tập đoàn Trip.com cung cấp các dịch vụ bao gồm đặt chỗ ở, bán vé vận tải, các tour du lịch trọn gói và quản lý du lịch cho các công ty. Công ty sở hữu và điều hành các thương hiệu Trip.com, Skyscanner, Qunar, Travix và Crip, tất cả đều là đại lý du lịch trực tuyến. Đại diện Tập đoàn Trip.com cũng cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, Trip.com cung cấp dịch vụ cho 1/3 lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam; thông qua buổi làm việc, mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong nhiều hoạt động quảng bá du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt, Tập đoàn Trip.com bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động quảng bá các danh lam thắng cảnh, điểm đến nổi bật tới người dân Trung Quốc, từ đó đẩy mạnh thu hút du khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch.
Ông Benny Wang nhận định, 2023 sẽ là năm du lịch bùng nổ sau gần 3 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thói quen của du khách Trung Quốc nói riêng, của du khách toàn thế giới nói chung đã thay đổi. Do đặc thù về sự khác biệt trong ứng dụng công nghệ và nền tảng kỹ thuật số giữa hai nước; khách Trung Quốc tới Việt Nam chưa quen sử dụng các ứng dụng của Việt Nam; các ứng dụng trả tiền trực tuyến của Trung Quốc như WeChat Pay (Tenpay), Alipay chưa được chấp nhận tại Việt Nam… khiến du khách Trung Quốc tới Việt Nam chưa cao. “Vì vậy, Trip.com đã và đang nỗ lực cho ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng như các sản phẩm du lịch trọn gói cho cá nhân, cho gia đình, cho đoàn MICE…” - ông Benny Wang nhấn mạnh.
Ông Benny Wang cũng chia sẻ thông tin du khách Trung Quốc đang có xu hướng đi du lịch ngắn ngày và linh hoạt về điểm đến. Đặc biệt là Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến được ưa thích của người dân Trung Quốc. “Hy vọng Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ có sự quan tâm nhiều với thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Trung Quốc sang Việt Nam trong tương lai. Tổng cục Du lịch hỗ trợ kết nối với các công ty, tập đoàn du lịch lớn tại Việt Nam để Trip.com có cơ hội hợp tác cùng phát triển” đại diện Trip.com đề nghị.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá cao sự nhạy bén kịp thời của Tập đoàn Trip.com trong việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy trao đổi khách Việt Nam - Trung Quốc ngay sau khi Chính phủ Trung Quốc cho phép Việt Nam đán khách đoàn Trung Quốc từ ngày 15/3. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định, Việt Nam và Trung Quốc có sự thân thiết, gần gũi, tương đồng về văn hóa; cơ hội hợp tác ở các lĩnh vực nói chung và du lịch nói riêng là vô cùng lớn. Do vậy, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Tập đoàn Trip.com tận dụng thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ để đưa ra các phân tích, đánh giá chi tiết về nhu cầu của du khách hai nước hiện nay. Đồng thời cung cấp cho Tổng cục Du lịch báo cáo về thị hiếu của du khách Trung Quốc sang Việt Nam, khách Trung Quốc mong muốn đi những đâu, trải nghiệm những hoạt động như thế nào… “Trip.com cần có đề xuất cụ thể về giải pháp, chiến lược để thúc đẩy các hoạt động hợp tác tại thị trường du lịch Việt Nam. Việc hiểu rõ thị hiếu của du khách, các yêu cầu khác nhau của từng phân khúc khách hàng, sẽ hướng tới việc nâng cao, hoàn thiện chất lượng dịch vụ” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ, nền tảng kỹ thuật số, công nghệ thông tin là công cụ tối ưu giúp ngành du lịch phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn. Do đó, Trung Quốc cần quảng bá sâu rộng hơn các ứng dụng như WeChat, Weibo, Baidu, Douban... tại Việt Nam để người dân Việt Nam làm quen với các ứng dụng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các ứng dụng thông dụng cần được quảng bá trực tiếp và trực tuyến, trên các nền tảng số của Trip.com.
“Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ cùng đồng hành, ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa Tập đoàn Trip.com và các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Đồng thời tăng cường quảng bá ứng dụng Trip.com tại Việt Nam để người dân Việt Nam biết tới nhiều hơn và làm quen. Ngày 13/4 tới sẽ diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội, Trip.com cần hợp tác tốt doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị một diễn đàn giới thiệu Trip.com và các nền tảng số của Tập đoàn tại Hội chợ, để có thể thu hút nhiều du khách quan tâm; nâng cao lợi thế cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác tại Việt Nam” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)
Lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản trong tháng 02/2023 tiếp tục tăng ấn tượng
Theo đó, số khách Việt Nam đến Nhật Bản trong tháng 02/2023 đạt 55.800 lượt người, là tháng thứ hai liên tiếp vượt trên 50.000 lượt người. Đồng thời, đây cũng là kết quả cao nhất từ trước tới nay nếu tính theo đơn vị tháng, vượt qua mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 4/2019 là 55.295 lượt người.
Sau 02 tháng đầu năm 2023, số khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 107.300 lượt người, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2019 (74.752 lượt người).
Xét về tỷ lệ tăng trưởng, Việt Nam tiếp tục là thị trường có số lượt khách đến Nhật Bản tăng cao nhất. So với cùng kỳ năm 2019, tháng 2/2023, tỷ lệ tăng trưởng khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 41,7%, trong khi mức trung bình của các thị trường khác đến Nhật Bản là -43,4%.
Năm 2023, JNTO đặt mục tiêu phục hồi số khách Việt Nam đến Nhật Bản như thời điểm trước đại dịch Covid-19 (495.051 lượt người).
Tại Vietravel, Nhật Bản luôn là điểm đến ưu tiên hàng đầu của du khách khi có nhu cầu đi du lịch nước ngoài, nhất là vào cuối tháng 3 đến tháng 5, thời điểm hoa anh đào nở rộ. Hiểu được nhu cầu du khách, Vietravel thường xuyên giới thiệu đến du khách nhiều sản phẩm tour Nhật Bản mới lạ, đa dạng dịch vụ và điểm tham quan để khách hàng chọn lựa. Ngoài ra, từ 16/3 - 26/3 du khách có thể có thể nhận được ưu đãi lên đến 3 triệu đồng khi đăng ký tour Nhật Bản tại Vietravel.
Xem và đăng ký tour Nhật Bản tại: https://bit.ly/42hNct3

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel kiến nghị biện pháp phục hồi ngành du lịch tại Hội nghị toàn quốc về du lịch
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Kỳ hoàn toàn nhất trí với các đánh giá và báo cáo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cũng như những ý kiến của các đại biểu đã đưa ra. Bên cạnh đó, Ông cũng đưa ra những phân tích nhằm giải đáp câu hỏi của Thủ tướng khi Việt Nam mở cửa du lịch sớm nhưng lại chưa được như mong muốn.
Đầu tiên là vấn đề về chính sách visa. Đây là rào cản lớn khiến du lịch Việt Nam chưa thể thu hút du khách nước ngoài trở lại. Do đó, Ông bày tỏ mong muốn Quốc hội và Chính phủ nhanh chóng triển khai việc điều chỉnh chính sách visa phù hợp để chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.
Thứ hai là chính sách về thuế VAT & việc xúc tiến văn phòng du lịch nước ngoài. Với những đề xuất về chính sách tiếp cận nguồn vốn xúc tiến phát triển du lịch, Ông Nguyễn Quốc Kỳ đã đưa ra tầm quan trọng của việc xúc tiến văn phòng du lịch của Việt Nam tại nước ngoài bởi hiện nước ta đang thua thiệt quá nhiều so với các nước xung quanh về vấn đề này. Ông cho rằng: "Nếu chúng ta không có phòng xúc tiến du lịch, chúng ta rất khó làm, vì cơ quan sứ quán có nguyên tắc về ngoại giao."
Thứ ba, theo Ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch Việt Nam đang ngày càng tụt hậu dần và chưa có tính đột phá. Do đó, Ông đề nghị cần xác định lại thị trường nguồn của khách để có sản phẩm du lịch phù hợp, tiệm cận với nhu cầu của từng thị trường và nhóm khách cụ thể. Bên cạnh đó, việc tăng cường liên kết giữa sản phẩm du lịch và giá cả cũng là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Du lịch Việt Nam đang sở hữu những điều kiện rất thuận lợi nhưng lại có giá bán cao hơn các nước trong khu vực là một trong những điều khiến du lịch nước ta kém đi.
Thứ tư là vấn đề về thương hiệu du lịch Việt Nam. Theo đề xuất của Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chúng ta cần sớm đưa ra thương hiệu du lịch của Việt Nam để làm ngọn cờ góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt. Với thế mạnh khi sở hữu nền tinh hoa ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, Ông Kỳ đề xuất nên chọn đây làm thương hiệu du lịch Việt Nam bởi đây vừa là di sản, vừa là tài sản của chúng ta.
Ngoài các vấn đề trọng điểm trên, Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng phân tích rõ những trở ngại khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam như vấn đề vận chuyển, hàng không cũng như việc ban hành sớm các thông tin về lễ hội, sự kiện của đất nước nhằm giúp các hãng lữ hành trong nước có thể tối ưu hóa truyền thông, quảng bá về du lịch Việt Nam đến du khách quốc tế.
Hội nghị toàn quốc trực tuyến về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi –Tăng tốc phát triển” diễn ra sau đúng 01 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá lại kết quả ngành du lịch đạt được sau một năm mở cửa, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, cơ hội đã có, qua đó phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so với các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Vietravel tiếp và làm việc với Tập đoàn Trip.com (Trung Quốc) nhằm chuẩn bị đón khách du lịch Trung Quốc từ ngày 15/3/2023
Tiền thân là Ctrip.com International, được thành lập vào năm 1999, Tập đoàn Trip.com sở hữu và điều hành Trip.com, Skyscanner, Qunar, Travix và Crip, chuyên cung cấp các dịch vụ lưu trú, phương tiện vận chuyển, tour du lịch trọn gói, hiện là đại lý du lịch trực tuyến (OTA) lớn nhất Trung Quốc và là một trong những nhà cung cấp dịch vụ du lịch lớn nhất trên thế giới.
Vào năm 2019, doanh thu của Tập đoàn Trip.com vượt 5 tỷ USD, trong đó mảng vé đạt hơn 2 tỷ USD, khách sạn 1,9 tỷ USD, tour du lịch 1,3 tỷ USD và dịch vụ khác đạt 353 triệu USD.
Tại buổi gặp, hai bên đã trao đổi về kế hoạch hợp tác trên cơ sở tận dụng vị thế, thế mạnh và định hướng phát triển tương đồng của 02 doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam và Trung Quốc, từ đó Vietravel và Trip.com nâng cao vai trò, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch hai nước. Việc hợp tác sẽ diễn ra trên các phương diện, du lịch (Vietravel Holidays), chuyến bay (Vietravel Airlines) và các dịch vụ khác (WorldTrans, TripU).
Với thế mạnh sở hữu hãng hàng không Vietravel Airlines, Tập đoàn Vietravel đã chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng đón các du khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam. Theo đó, Vietravel và Vietravel Airlines đã ký hợp đồng thỏa thuận với các đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới.
Cụ thể, Vietravel và Vietravel Airlines sẽ tập trung khai thác các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang, Khánh Hòa: Hàng Châu (HGH) - Cam Ranh (CRX), Thường Châu (CZX) - Cam Ranh (CRX), Côn Minh (KMG) - Cam Ranh (CRX).
Trong ngày 16/3/2023 Tập đoàn Vietravel và Tập đoàn Trip.com sẽ có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch Việt Nam về kế hoạch tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam, ngay sau khi Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3/2023 nhằm khôi phục lại thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường luôn chiếm ưu thế trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu du khách Trung Quốc trong 18 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta.
Vietravel Airlines chuẩn bị nguồn lực khai thác thị trường Trung Quốc
Trước thông tin Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3/2023, Vietravel Airlines đang chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng đón lượt khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam.
Đại diện Vietravel Airlines chia sẻ: "Trung Quốc là thị trường luôn được kỳ vọng góp phần phục hồi của ngành hàng không và ngành du lịch Việt Nam nói chung mà cả Tập đoàn du lịch và hàng không Vietravel nói riêng. Hãng nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trước thông tin Trung Quốc sẽ mở các tour cho khách du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3/2023.
Với lợi thế là thành viên của tập đoàn du lịch Vietravel - sở hữu hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với nhiều sản phẩm tour inbound và outbound, Vietravel Airlines đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để sẵn sàng tiếp cận và phục vụ khối lượng lớn khách hàng tiềm năng đặc biệt là trong dịp cao điểm hè".
Xác định rõ ràng Chính phủ Trung Quốc chỉ cấp phép mở tour du lịch, tập trung vào khách đi theo đoàn, Vietravel Airlines với lợi thế liên kết chặt chẽ cùng Công ty du lịch Vietravel cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới.
Cụ thể, hãng sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang, Khánh Hòa: Hàng Châu (HGH) - Cam Ranh (CRX), Thường Châu (CZX) - Cam Ranh (CRX), Côn Minh (KMG) - Cam Ranh (CRX).
Theo nhận định của Vietravel Airlines, thông tin mở cửa thị trường Trung Quốc đã mang đến sự sôi động cho không chỉ thị trường du lịch mà còn cả thị trường hàng không Việt Nam. Sự kiện này cũng mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới thị trường hàng không tại Việt Nam.
(Nguồn: Bnews)
Qatar Airways vinh danh Vietravel là "Nhà tổ chức du lịch tốt nhất"
Với các sản phẩm - dịch vụ đa dạng như: đặt vé máy bay, combo (vé máy bay + khách sạn) và các tour du lịch trọn gói quốc tế, đặc biệt với tuyến châu Âu, Vietravel luôn xem xét và lựa chọn những dịch vụ tốt nhất dành cho khách hàng, trong đó có dịch vụ hàng không, nhằm đem đến những trải nghiệm chất lượng cho mỗi chuyến đi của du khách.
Là một đối tác chiến lược của Hãng Hàng không Qatar Airways trong nhiều năm qua, Vietravel luôn mang lại sự đảm bảo về chất lượng dịch vụ cũng như giá cả dành cho các khách hàng. Đặc biệt, đối với các khách hàng doanh nghiệp có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ cho các chương trình du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng) đi quốc tế.

Khách Trung Quốc không ngại chi nhiều tiền đi du lịch
Nie Min, người Thượng Hải, sẽ có chuyến du lịch Iceland 8 ngày vào tháng 9 tới. Nữ du khách 58 tuổi nói muốn đi nhiều hơn khi còn có thể. Chuyến này có giá 5.800 USD, gấp đôi một tour tương tự hồi năm 2019.
Trung Quốc đã đón khách quốc tế và cho phép người dân ra nước ngoài từ đầu năm. Với những người thường xuyên đi du lịch như Nie, điều đầu tiên cô làm là tìm các chuyến đi. Giá tour và giá máy bay đều cao. Nhưng Nie chấp nhận chi tiền nhiều hơn. Cô muốn "yêu bản thân nhiều hơn vì đã vượt qua đại dịch".
Khách Trung đến Kenya hồi tháng 2. Ảnh: Xinhua
Hiện người dân Trung Quốc quan tâm tới các chuyến đi nước ngoài ngang trong nước. Khảo sát của Bloomberg chỉ ra gần 92% người được hỏi muốn đi du lịch ít nhất một chuyến trong hoặc ngoài nước vào tháng 5. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai điểm phổ biến, với 48% và 43% lựa chọn. 35% còn lại thích Đông Nam Á. Sự phục hồi ngành du lịch Trung Quốc có thể tăng tốc từ tháng 2, phát triển mạnh trong quý hai, khi các ca nhiễm Covid-19 bị đẩy lùi.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thị trường Du lịch Quốc tế Trung Quốc năm 2023, sẽ có 110 triệu chuyến đi nước ngoài, đạt hai phần ba so với 2019. Trước dịch, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới, với hơn 170 triệu chuyến đi và đóng góp 253 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Thế giới đang chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng với khách Trung. Nhưng xu hướng này liệu có duy trì mạnh mẽ đến cuối năm vẫn là "một câu hỏi lớn", theo Eric Zhu, nhà phân tích cao cấp tại bộ phận nghiên cứu thị trường Bloomberg Intelligence. Zhu cho biết chi tiêu cho chuyến đi du lịch nước ngoài của người Trung Quốc dự kiến tăng 5-10% khi 80% cho biết sẽ tăng chi tiêu du lịch trong một cuộc khảo sát.
Zhu cho rằng, người Trung Quốc có thể muốn phô trương nội lực trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau dịch. Nhưng Zhu cũng nói sự phô trương này có tiếp tục hay không phụ thuộc vào "ví của họ dày thế nào". Khách du lịch có thể phân bổ ngân sách nhiều hơn cho đi lại, nhưng sẽ cắt giảm một số thứ khác.
Tuy nhiên, du lịch là một loại tiêu dùng chỉ xuất hiện khi mọi người có tiền. Zhou Mingqi, nhà sáng lập công ty tư vấn du lịch Jingjian Consulting, cho biết khả năng phục hồi của người Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch "đang rất yếu", vì kinh tế bị ảnh hưởng nhiều trong đại dịch.
Việc phục hồi các chuyến bay vẫn chậm. Các hãng vẫn đang chờ và nhìn nhau để tăng tần suất, theo Timothy Bacchus, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence. Bên cạnh đó, vẫn có một nhóm người do dự đi nước ngoài. Bacchus cho rằng sẽ mất "một thời gian dài" để du lịch quốc tế có thể phục hồi.
Vào tháng 2, các hãng bay tại Trung Quốc tăng thêm 355.000 vé với các chặng quốc tế so với tháng 1. Nhưng công suất này chỉ bằng 18% so với 2019, theo nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu OAG. Từ tháng 4 đến 6, công suất phục hồi chuyến bay dự đạt 65% so với trước dịch. Các hãng hàng không khôi phục, nhưng họ sẽ không tiếp tục bổ sung thêm công suất trong quý hai. "Tính khả dụng của thị thực, niềm tin của khách hàng và những tiềm ẩn của gia tăng ca nhiễm là những vấn đề cần được khắc phục nếu muốn thị trường khôi phục hoàn toàn", Rob Morris, Giám đốc Công ty tư vấn toàn cầu Ascend by Cirium, nói.
(Nguồn: VNExpress.net)
Du lịch phục hồi bù đắp cho trở ngại kinh tế
Báo cáo đề cập, trong khi tăng trưởng hàng hóa chậm lại đáng kể thì lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tăng trưởng nhờ du lịch quốc tế bùng nổ. Trong nội địa, doanh số bán lẻ tháng 2 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi. Đặc biệt, các dịch vụ liên quan đến du lịch như lưu trú và ăn uống tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi trong ngành du lịch vẫn đang tiếp diễn.

HSBC
Chỉ tính riêng trong tháng 2, Việt Nam đón khoảng 933.000 lượt khách nước ngoài, một mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch Covid-19 tới nay. Trong đó, khách du lịch Trung Quốc đại lục tăng lên đáng kể, đạt 55.000 lượt. Mặc dù con số này chỉ bằng 10% so với mức trung bình khách du lịch Trung Quốc trước đại dịch, trong bối cảnh tần suất chuyến bay hạn chế và không có tour theo đoàn. Thêm nữa, không chỉ cần theo dõi tình hình du khách Trung Quốc đại lục mà khách du lịch từ Hàn Quốc, một thị trường trọng điểm khác với tỷ trọng khoảng 30%, cũng đã duy trì vững vàng, với lượng khách hàng tháng phục hồi khoảng 85% so với mức trước đại dịch.
Ngoài đề cập đến du lịch, báo cáo còn phân tích các dữ liệu kinh tế như thương mại, sản xuất công nghiệp, lạm phát… Bản phân tích đánh giá, trong khi thương mại hàng hóa toàn cầu đã chậm lại đáng kể, du lịch quốc tế có thể là trụ cột hỗ trợ tăng trưởng, nếu tháo gỡ được một số điểm nghẽn (trong báo cáo phân tích trước đó của HSBC về du lịch đề cập đến hạn chế chuyến bay, nới lỏng các yêu cầu về thị thực và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch). Ngành du lịch đang phục hồi có thể phần nào bù đắp cho một số trở ngại từ kinh tế. Dù khách du lịch quốc tế đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ sau đại dịch, nhưng chặng đường phục hồi trở lại mức trước đại dịch (năm 2019) có thể mất nhiều thời gian.
(Nguồn: Thanh Niên)
Từ 15/3, Trung Quốc sẽ tổ chức tour tới Việt Nam
Chiều 8/3, ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, được sự ủy quyền của Đại sứ đã thông báo về việc Trung Quốc sẽ thí điểm đưa khách du lịch sang Việt Nam theo đoàn.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, khẳng định thông tin với VnExpress và cho biết, trong buổi làm việc, ông Bành Thế Đoàn còn nói thêm Việt Nam sẽ là một trong số các quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR trước 48 giờ. Du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Ông Bành cũng cho hay phía Trung Quốc muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, cùng đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch mỗi nước. Hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc trước Covid-19 rất tốt đẹp, mang lại lợi ích chung, đóng góp thiết thực cho việc vun đắp tình hữu nghị hai nước.
Trung Quốc hôm 6/2 đã công bố danh sách đợt đầu tiên gồm 20 quốc gia mà người dân được đi du lịch theo đoàn thông qua các công ty lữ hành.
Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trước Covid-19. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần một phần ba lượng khách quốc tế). Người Việt du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt, đứng đầu danh sách khách đi du lịch nước ngoài của Việt Nam.
(Nguồn: Vnexpress.net)
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt gần 1/4 mục tiêu cả năm 2023
Việt Nam đặt mục tiêu hết năm 2023 đón 8 triệu khách quốc tế. Theo báo cáo mới nhất, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,8 triệu lượt người, gần bằng 1/4 lượng khách mục tiêu của cả năm 2023.
Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tính riêng tháng 2/2023, Việt Nam đón khoảng 933 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với ước đạt 301.343 lượt khách. Số khách Hàn Quốc đến trong tháng 1 thực tế đạt 258.946 lượt khách. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với ước đạt 69.648 lượt khách.
Tháng 2/2023, khách đến từ Trung Quốc ước đạt 55.029 lượt, trước đó trong tháng 1 mới chỉ đạt con số khiêm tốn là 15.875 lượt khách.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tổng số hơn 1.804,1 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.636,2 nghìn lượt người, chiếm 90,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 37,8 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 154,9 nghìn lượt người, chiếm 8,6% và gấp 25,9 lần; bằng đường biển đạt 13 nghìn lượt người, chiếm 0,7% và gấp 464,3 lần.
Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so cùng kỳ năm trước. 1 số địa phương có doanh thu 2 tháng đầu năm 2023 tăng cao nhất gồm: Đà Nẵng tăng 114,7%, Khánh Hòa tăng 65,7%; Quảng Ninh tăng 47,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 45,1%; Đồng Nai tăng 25,4%; Hà Nội tăng 21,9%.
Về doanh thu du lịch lữ hành, 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do năm nay nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai xuân thu hút khách du lịch trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một số địa phương có mức doanh thu lữ hành cao gồm: Hải Phòng gấp 17,5 lần; Tây Ninh gấp 15,9 lần; Đà Nẵng gấp 7,1 lần; Hà Nội gấp 3,1 lần; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 84,4%.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã tích cực triển khai hàng loạt hoạt động để quảng bá, xúc tiến hợp tác du lịch với các đối tác, thị trường tiềm năng. Đầu tháng 2, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia, tham dự hàng loạt các hội nghị và sự kiện bên lề của sự kiện, tham dự Hội chợ TRAVEX với Gian hàng Du lịch Việt Nam.
Các hoạt động nhằm thúc đẩy sự chủ động hội nhập ASEAN, thể hiện vai trò thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế khu vực; giới thiệu một số chính sách phát triển du lịch mới nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch “Vietnam - Timeless Charm” và slogan “Live fully in Vietnam” với các giá trị nổi bật và 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, truyền tải thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới cộng đồng các quốc gia ASEAN, các nước đối tác và bạn bè trên thế giới.
(Nguồn: Nhân Dân)
Nhu cầu khách sạn gia tăng, bất động sản nghỉ dưỡng đứng trước cơ hội lớn
Theo Colliers, ngành du lịch trong quý đầu năm nay, dẫn đầu là du lịch nghỉ dưỡng, đang ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa. Ngành du lịch sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2023, nhu cầu khách sạn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sụt giảm từ phương Tây vào đầu năm (nếu có) sẽ được bù đắp khi khách du lịch Trung Quốc quay lại vào nửa cuối năm nay.
Báo cáo nhận định, tại Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy tiềm năng lớn khi đất nước này đang tận dụng đà tăng trưởng của nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng sau dịch từ lượng khách nội địa và quốc tế.
LÊ QUÂN
Ông Morgan Ulaganathan, Trưởng bộ phận Dịch vụ tài sản và Tư vấn du lịch - khách sạn, Colliers (Việt Nam) cho biết các bên tham gia thị trường đã có những nước đi táo bạo kể từ lúc cao điểm dịch Covid-19 đến nay. Lãi suất tuy trên đà tăng, nhưng rồi sẽ ổn định trở lại. Các quỹ đã và đang gọi vốn để đầu tư vào những tài sản khách sạn ở thời điểm có mức định giá thuận lợi, trước khi doanh thu khách sạn hồi phục hoàn toàn.
Chẳng hạn, KKR đã huy động 4,3 tỉ USD ngay giữa cao điểm dịch Covid. Bain cũng đã mua lại khách sạn riêng lẻ hay theo hệ thống, có hoặc chưa có thương hiệu. Warburg Pincus tiếp tục đầu tư vào Việt Nam thông qua nền tảng Lodgis...
Tuy nhiên, đại diện Colliers cho biết thị trường vẫn còn tồn tại các vướng mắc liên quan đến luật và quy định, mà nếu được giải quyết trong thời gian tới, sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng kỳ vọng sẽ sôi động hơn. Việt Nam ghi nhận du lịch nội địa hồi phục tích cực trong năm qua với 101,3 triệu lượt khách trong nước, vượt mức trước đại dịch. Năm 2023, cả nước đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu lượt khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Chưa kể, tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở nước này, với khoảng 70% dân số sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng vào năm 2030 (theo McKinsey).
"Các nền tảng cho sự phát triển du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam rất tích cực và nhu cầu triển khai vốn rất cao. Đồng hồ đang tích tắc. Đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị cho một mùa sôi động của các thương vụ trong năm nay" - ông Morgan cho biết thêm.
Colliers nhận định, ngành du lịch sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2023, nhu cầu khách sạn trên toàn khu vực tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sụt giảm từ phương Tây vào đầu năm, nếu có, sẽ được bù đắp khi khách du lịch Trung Quốc quay lại vào nửa cuối năm nay. Tại các thị trường đã mở cửa và có sự cân bằng về cung - cầu được kỳ vọng doanh thu trên mỗi phòng có sẵn sẽ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ nhờ công suất phòng được cải thiện.
Đối với các thị trường có cung - cầu bất cân xứng, con số này rơi vào khoảng 4% so với năm trước, chủ yếu cũng đến từ sự cải thiện công suất phòng. Singapore, Bangkok, Bali và TP.HCM được kỳ vọng sẽ dẫn đầu sự hồi phục trên khắp châu Á. Trung Quốc đại lục và các đặc khu hành chính của nước này dự kiến xoay chuyển tình hình ảm đạm năm 2022, kéo theo đà phục hồi của thị trường Bắc Á vào nửa cuối năm.
(Nguồn: Thanh Niên)
Năm 2023, Vietravel đặt kế hoạch 730.000 lượt khách, 5.770 tỷ đồng doanh thu riêng về mảng du lịch
Theo đánh giá của Vietravel, kế hoạch này khá thách thức trong bối cảnh du lịch và hàng không được xem là những ngành phục hồi nhanh nhất, nhưng lại chịu sự tác động lớn nhất của các yếu tố bên ngoài, từ chính sách của chính phủ các nước, xu hướng thị trường cùng nhiều yếu tố bất khả kháng khác. Tuy nhiên với sự uy tín và sự chuyên nghiệp của thương hiệu Vietravel sau hơn 27 năm hoạt động, cùng hệ thống chi nhánh rộng, hệ sinh thái kinh doanh đa dạng đã góp phần vào sự phục hồi nhanh và ngoạn mục của doanh nghiệp trong năm 2022, với 3.809 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 06 lần so với kết quả đã đạt được trong năm 2021. Vì những lý do trên, Vietravel tự tin sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra trong năm 2023.
Bước vào năm 2023, Tập đoàn Vietravel đã đề ra chiến lược phát triển dựa vào sự gắn kết chặt chẽ của 03 công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vietravel là: Vietravel (VTR): du lịch – mở và phát động thị trường; Vietravel Airlines (VU): hãng vận chuyển và WorldTrans (WTS): công ty phân phối bán sỉ vé. Sự kết nối này đã được thể hiện thử nghiệm thành công trên đường bay của Vietravel Airlines đến Bangkok (Thái Lan). Điểm đến mà Vietravel (VTR) đang giữ vai trò đứng đầu thị trường khách du lịch hiện nay với tỷ lệ lấp đầy (Load factor) luôn xấp xỉ 95%. Một con số mà các hãng hàng không mới và mới mở tuyến khó đạt được ngay trong thời gian đầu.
Trước đó, Vietravel đã thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình Tập đoàn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, tiếp cận nhiều nguồn lực và khách hàng hơn. Theo đó, Tập đoàn Vietravel trở thành công ty mẹ, Vietravel (du lịch) và Vietravel Airlines (hàng không), WorldTrans (sàn bán vé thương mại điện tử) là những doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái chung của Tập đoàn, cùng nhau hỗ trợ cho sự phát triển theo mô hình hàng không và lữ hành. Vietravel xác định lĩnh vực du lịch vẫn đóng vai trò trọng yếu, cùng với Vietravel Airlines sẽ mở rộng hệ thống các đường bay trong nước và quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội để Vietravel phục hồi và bứt phá, qua đó tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp đầu tàu của ngành du lịch Việt Nam.
Vietravel hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ
Kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vietravel đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty thông qua bằng hình thức phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tổng số lượng là 12.000.000 cổ phiếu, các cổ phiếu được phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành (07/2/2023). Trong đó, 06 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 168 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh (tỷ lệ chuyển đổi 28.000 đồng/cổ phiếu) và 06 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho cổ đông là các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại Vietravel. Trong đó, Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã hoàn tất mua vào hơn 2,9 triệu cổ phiếu VTR đăng ký trước đó để trở thành cổ đông lớn của Vietravel.
Như vậy sau khi phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ, ngoài Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietravel, Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital thuộc Tập đoàn VinaCapital là những cổ đông lớn của Vietravel. Trước đó, VinaCapital tham gia trở thành cổ đông của Vietravel vào cuối năm 2022 khi nhận chuyển nhượng 1,78 triệu cổ phiếu VTR từ Tập đoàn Vietravel theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh (với giá 24.000đ/cổ phiếu).
Theo đại diện Vietravel, việc Vietravel tăng vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty có đủ nguồn lực để thực hiện các chiến lược kinh doanh giai đoạn 2023- 2025, hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung đưa công nghệ vào phục vụ hoạt động kinh doanh, xây dựng sản phẩm mới, mở rộng hệ thống các chi nhánh trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường nước ngoài khi Vietravel Airlines, trực thuộc Tập đoàn Vietravel đang trong giai đoạn mở rộng các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm về du lịch, cần có sự phối hợp chặt chẽ với du lịch nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Người Việt tăng tốc xuất ngoại du lịch
"Nhịn" du lịch trong nước để dành tiền đi nước ngoài
"Đi Hàn Quốc tự túc bình dân tốn bao nhiêu tiền mỗi người?". - "Nếu đi máy bay giá rẻ thì khoảng 20 triệu". - "Vậy cả năm tới tui sẽ không đi đâu, tích đến năm sau tụi mình đi Hàn nhé!", Mỹ Chi (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) hạ quyết tâm sẽ đến Hàn Quốc vào mùa xuân 2024. Vài năm trở lại đây, Chi cùng hội bạn năm nào cũng lên kế hoạch đi chơi 1 - 2 chuyến tới các tỉnh, thành khu vực phía bắc.
Năm ngoái, Chi chuyển công tác sang công ty mới, lương cao hơn. Ngay khi số tiền tích lũy tăng lên, cô liền nghĩ tới xuất ngoại du lịch. "Chúng tôi đều là những người trẻ, thu nhập trung bình nên thường đi du lịch tự túc và tính toán chi tiêu khá chặt. Đơn cử như canh vé máy bay giá rẻ, canh khách sạn giảm giá, có thể đi bộ nhiều hơn để tiết kiệm tiền xe… Song, một chuyến đi Sa Pa 5 ngày hoặc gần hơn là đi Hà Nội 4 ngày thôi, cả tiền ăn uống cũng phải tốn khoảng 5 - 6 triệu đồng/người. Cùng số tiền đó, tôi có thể đi Thái Lan vài ngày hoặc "nhịn" 2 - 3 chuyến đi trong nước để đi nước ngoài chơi. Tất nhiên VN rất nhiều điểm đẹp nhưng ai có cơ hội cũng sẽ muốn khám phá các nước khác trước", Mỹ Chi nói.
Không phải lo tiết kiệm tiền du lịch như Mỹ Chi mà ngược lại, mỗi năm khoản chi tiêu "ngốn" nhất của gia đình anh Nguyễn Trần Phương (ngụ Q.7, TP.HCM) là dành cho xuất ngoại du lịch. Vừa đi châu Âu 15 ngày hồi tháng 10.2022, nhà anh dành tiếp 7 ngày nghỉ tết Dương lịch ở Nhật, sau đó ngẫu hứng qua Thái Lan đón tết Nguyên đán rồi giờ lại tiếp tục chuẩn bị cho hành trình châu Âu 2 tuần vào tháng 4. Hỏi anh Phương đã đi hết các tỉnh, thành ở VN chưa mà sao đi nước ngoài nhiều vậy, anh bảo: "Cũng đi trong nước nhiều chứ, nhưng nhà tôi có nguyên tắc không bao giờ nghỉ lễ trong nước. Cứ lễ là chỗ nào cũng đông, ăn không có chỗ ăn, chơi không chen nổi mà chơi. Có đi trong nước thì cũng phải ở mấy khu cao cấp tách biệt, như thế thì chi phí tính ra có khi còn cao hơn đi mấy nước gần, mà lại không vui bằng. Nên thôi, cứ ra nước ngoài mà nghỉ lễ!".
Tốc độ tăng trưởng thị trường du lịch outbound (đi du lịch quốc tế) của VN giai đoạn 5 năm qua rất mạnh. Báo cáo "Tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2016 - 2021" của MasterCard nhận định VN đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm về số lượng người đi du lịch nước ngoài ở mức 9,5%, đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Myanmar (10,6%). Trong báo cáo khi đó, MasterCard dự báo VN sẽ có khoảng 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào năm 2021. Thế nhưng thực tế, thống kê từ ASEAN Travel 2018 cho thấy đến năm 2018, đã có khoảng 8,6 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài, vượt dự báo tới 2021 và tăng gấp đôi con số 4,8 triệu năm 2012.
Đáng chú ý, báo cáo của một nghiên cứu mới do Klook thực hiện vào tháng 11.2022 tại 9 thị trường, bao gồm cả VN mang đến kết quả bất ngờ: Tại VN, mặc dù 75% lo lắng về việc đi lại do những bất ổn kinh tế, nhưng 79% dự định có nhiều hơn một chuyến du lịch quốc tế vào năm 2023 và 45% dự định ở lại nước ngoài hơn 10 ngày. Trong số những người được hỏi, du khách đến từ Malaysia, Singapore và Nhật Bản được xếp hạng cao nhất về chi phí nhưng người VN mới là một trong những đối tượng hào hứng đi du lịch nhất với 51% dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch vào năm 2023.
"Năm 2022, du khách châu Á, đặc biệt là du khách VN, đã phản ứng và thích nghi tích cực với những thay đổi về du lịch. Chúng tôi đã chứng kiến làn sóng người VN đi du lịch nước ngoài ngay sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nước ngoài kể từ tháng 3.2022", Tổng giám đốc Klook tại VN cho biết.
Cần nhiều chính sách xây dựng điểm đến
Trong khi du khách Việt đang trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất của các nền du lịch lớn thì ở chiều ngược lại, lượng khách quốc tế đến VN sau đại dịch chưa được như mong muốn. Năm 2022, VN không đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế. Chúng ta dè dặt kỳ vọng cả năm nay đón được 8 triệu khách quốc tế nhưng đến nay mục tiêu này vẫn chưa thể lạc quan khi mà Trung Quốc, thị trường lớn nhất của du lịch VN trước dịch, vẫn chưa cho phép mở các tour khách đoàn tới VN.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, phân tích: Sau đại dịch, thói quen du lịch của người Việt có nhiều thay đổi. Họ chi tiêu ít hơn, không đi nước ngoài để mua sắm những đồ xa xỉ, đắt tiền như trước mà tập trung vào trải nghiệm, tận hưởng điểm đến. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua tour xuất ngoại. Vé máy bay cao hơn, landtour bên nước ngoài tăng giá đẩy giá tour đắt hơn giai đoạn trước dịch nhưng người Việt vẫn chấp nhận. Trong khi đó, giá dịch vụ trong nước đang rất tốt nhưng khách quốc tế đến VN thì rất ít.
Vị này nhận định cán cân du lịch hai chiều của VN đang ngày càng lệch pha, chủ yếu do độ chênh về khả năng tiếp cận điểm đến. Cụ thể, một điểm đến có mức tiếp cận dễ dàng sẽ là yếu tố đầu tiên hấp dẫn du khách. Mức tiếp cận được nhận diện dựa theo chính sách xuất nhập cảnh, giao thông và khả năng tiếp cận văn hóa địa phương. Đơn cử, người Việt thời gian qua đi Campuchia rất nhiều trong khi khách từ Campuchia qua VN chưa tương xứng.
Nguyên nhân đầu tiên là do giấy thông hành qua biên giới khó khăn, giá vé máy bay từ Campuchia đến VN cao vì số chuyến bay ít. Khách Việt qua Thái Lan, qua Indonesia, Malaysia hay các nước châu Âu, châu Mỹ cũng luôn nhiều hơn chiều ngược lại họ qua VN. Ngay cả với thị trường Ấn Độ, chúng ta mở các đường bay thẳng nhưng cũng chỉ túc tắc đón được rất ít khách. Các chuyến bay đi thường đạt tỷ lệ lấp đầy nhiều hơn các chuyến bay đến.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thực tế, chính sách xuất nhập cảnh, thị thực, visa là điểm mấu chốt quyết định tới điểm trạm thứ hai. Nếu chúng ta mở cửa dễ dàng với một thị trường thì các hãng hàng không sẽ mở thêm nhiều đường bay, định kỳ và liên tục. Khách quen rồi thì sẽ đi nhiều. Đây chính là cách xây dựng thị trường. Đó là lý do vì sao Hàn Quốc và Nhật Bản dù có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là VN trốn ở lại nhưng họ vẫn mạnh dạn áp dụng nhiều chính sách visa đặc biệt để khuyến khích du lịch. Số lượng khách đến chính là chỉ báo thực tế nhất thể hiện chính sách của một quốc gia có đang đủ sức mời gọi khách hay không.
"Các quốc gia khi muốn đẩy mạnh du lịch, họ đầu tư rất mạnh cho công tác truyền thông điểm đến. Như Hàn Quốc, Thái Lan… đều có cơ quan xúc tiến nước ngoài tại VN. Họ thường làm rất nhiều chương trình quảng bá, mời gọi người Việt đi du lịch nước họ. Nhật Bản mới mở cửa cũng đã đẩy rất mạnh hoạt động này. Trong khi đó, VN trước đại dịch công tác truyền thông chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) tự gánh, sau đại dịch lại càng yếu hơn vì các DN du lịch đã kiệt quệ, không còn nguồn lực để "đem chuông đi đánh xứ người", ông Kỳ nói.
(Nguồn: Thanh Niên)
Tập đoàn Vietravel và UBND tỉnh Bình Định ký kết hợp tác chiến lược thúc đẩy phát triển du lịch
Đồng thời, hai bên tăng cường quảng bá hình ảnh, thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc hợp tác và phát triển lâu dài, toàn diện theo định hướng phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, cũng như chiến lược phát triển kinh doanh Tập đoàn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel chia sẻ về định hướng, cũng như phương thức triển khai trong thời gian tới: “Tập đoàn Vietravel hướng hoạt động kinh doanh luôn gắn liền với sự phát triển du lịch các địa phương. Chúng tôi đã xác định vùng duyên hải miền Trung là một trong những địa bàn trọng điểm triển khai các dịch vụ du lịch, và tỉnh Bình Định là một trong những điểm đến đầy tiềm năng với thế mạnh thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc. Tập đoàn Vietravel cam kết phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh, tăng cường quảng bá, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh hơn nữa, góp phần đưa Bình Định tiếp tục là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”.
Với ưu thế thương hiệu lữ hành hàng đầu Việt Nam, việc hợp tác chiến lược lần này góp phần nâng tầm mối quan hệ hợp tác song phương, đảm bảo sẽ mang đến lợi ích phát triển tối đa giữa Tập đoàn Vietravel và UBND tỉnh Bình Định. Đồng thời, Tập đoàn Vietravel cũng khai thác hiệu quả nhất tiềm năng của mình trong hoạt động hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Vietravel đón tiếp đoàn Fukushima & VJSC đến làm việc và trao đổi về series charter đến tỉnh Fukushima (Nhật Bản)
Kể từ lần đầu tiên mở bán vào năm 2016, tính đến nay hành trình khám phá cung đường kim cương Nhật Bản với chuyến bay thẳng đến Fukushima bằng hình thức thuê bao nguyên chuyến (charter) của Vietravel với những dịch vụ chất lượng, giờ bay điều chỉnh linh hoạt và chi phí hợp lý luôn giữ tốc độ tăng trưởng đều đặn mỗi năm.
Năm nay, hành trình khám phá cung đường kim cương “Fukushima - Tokyo - Núi Phú Sĩ” trên chuyến bay thẳng đến Fukushima 5 ngày 4 đêm, thưởng lãm sắc hoa anh đào khởi hành tháng 3, 4 có mức giá hấp dẫn đã thu hút rất đông du khách chọn mua.
Ngay sau đó, vào ngày 25 & 26/02/2023, trong khuôn khổ Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 8 năm 2023 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Vietravel tham gia sự kiện với gian hàng số (số E01-02), luôn thu hút du khách tham quan và lựa chọn nhiều hành trình tour trọn gói đến Nhật Bản với dịch vụ chất lượng và giá thật ưng ý, với mức ưu đãi 4.000.000 VND/khách cho nhóm từ 3 khách trở lên khi mua tour charter Fukushima ngắm hoa anh đào Nhật Bản 5 ngày 4 đêm - Khởi hành vào tháng 3 & 4/2023.
Năm 2022, ngành hàng không Việt Nam đạt hơn 12 triệu khách quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban an ninh, an toàn hàng không dân dụng quốc gia cho biết: Năm 2022, các nước chuyển sang trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó các hãng hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được hoạt động trở lại, khai thác và có sự phục hồi mạnh mẽ.
Đối với Việt Nam, thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu khách, vận tải hàng hóa ước đạt 1,22 triệu tấn. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 43,2 triệu khách, vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 141.000 tấn. Vận chuyển quốc tế đạt 12,1 triệu khách, vận chuyển hàng hóa đạt 1,08 triệu tấn.
Năm 2022, ngành hàng không đạt hơn 12 triệu khách quốc tế. Ảnh: Internet
Đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn phục hồi và có sự tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước dịch Covid-19, trong khi đó vận chuyển quốc tế đang dần hồi phục trên hầu hết các thị trường nhưng tốc độ phục hồi còn thấp do một số quốc gia, khu vực đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19.
Việc thị trường hàng không nội địa có sự bứt phá ngoạn mục về sản lượng chứng minh cho sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, với các biện pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành hàng không tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả, an toàn.
Thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019, theo phân tích do Airbus phối hợp với Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) thực hiện.
Hiện nay, các hãng hàng không đều đang kỳ vọng thị trường hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh khai thác các thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trước dịch Covid-19, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong khi thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 chỉ có khoảng hơn 32.000 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.
Vừa qua, Trung Quốc đã công bố danh sách 20 quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn nhưng không có Việt Nam. Sau công bố này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đề nghị sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên khôi phục và phát triển du lịch.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của ngành hàng không, du lịch. Hiện thị trường vẫn đang chờ đợi thông tin phía Trung Quốc xem xét bổ sung thêm danh sách điểm đến đưa khách tới du lịch tiếp theo. "Nếu Trung Quốc nối lại du lịch, hàng không với Việt Nam trong tháng 3 này, dự kiến khi Trung Quốc mở cửa du lịch, lượng khách từ thị trường này có thể sẽ hồi phục từ tháng 4/2023, đặc biệt tăng cao vào dịp hè" - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, nhận định.
Trong một báo cáo mới đây về du lịch, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC cho rằng với tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30%, Việt Nam có thể sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỉ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc có thể đạt 50%-80% so với mức trước đại dịch. Con số 3 triệu đến 4,5 triệu lượng khách là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2023. Dù vậy, vẫn có thách thức lớn như hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, việc phục hồi thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản chưa mạnh.
(Nguồn: Thương hiệu & Pháp luật)
Vietravel ký kết thoả thuận hợp tác với Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH)
Ông Nguyễn Hà Trung, Phó Tổng Giám đốc thay mặt Công ty Vietravel ký kết Thoả thuận hợp tác với Ban Giám hiệu HUTECH, qua đó hai bên sẽ hợp tác chính trong lĩnh vực tuyển dụng và đào tạo. Vietravel sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên của trường đến tham quan, kiến tập, thực tập thực tế tại Vietravel và các đơn vị thành viên; đồng thời ưu tiên tuyển dụng sinh viên HUTECH nhằm bổ sung đội ngũ nhân sự của Công ty. Đổi lại, HUTECH cung cấp các chương trình đào tạo dành cho Lãnh đạo và CBNV Vietravel về các lĩnh vực HUTECH đã và đang thực hiện.
Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu, đối thoại giữa các doanh nhân, nhà quản lý với sinh viên HUTECH nhằm nâng cao các kỹ năng dành cho sinh viên.
Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH) là trường đại học đào tạo đa ngành được thành lập vào năm 1995. HUTECH đào tạo từ trình độ Đại học, Thạc sĩ đến Tiến sĩ với gần 60 ngành nghề ở trình độ đại học thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Kiến trúc - Mỹ thuật, Khoa học Sức khỏe, Luật, Khoa học xã hội - nhân văn, Ngoại ngữ và Nghệ thuật; 15 chuyên ngành bậc Thạc sỹ và 02 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ.
Vietravel hoạt động chính trong hai lĩnh vực du lịch và hàng không. Vietravel - là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”, cùng với hệ thống rộng khắp Việt Nam và ở nước ngoài như Úc, Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan…, Vietravel Airlines - Hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, Vietravel đang khai thác nhiều lĩnh vực gồm: cung cấp vé máy bay (Công ty WorldTrans), xuất nhập sách ngoại văn và văn hóa phẩm (Công ty CDIMEX), tổ chức sự kiện (Công ty Beevent), Công ty Thương mại & Dịch vụ VIECOMS…