Bên cạnh các sự kiện lễ hội đường phố, hội chợ, triển lãm tôn vinh hoa và nghề trồng hoa diễn ra giữa tháng 12 năm nay, liên hoan còn có thêm một hoạt động trọng tâm là biểu diễn cồng chiêng và diễu hành hoa trên đường phố cùng cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Những hoạt động trọng tâm trong Festival hoa Ðà Lạt 2007 là Hội chợ triển lãm hoa quốc tế với sự tham gia của các vùng hoa nổi tiếng trong nước và các nước vốn có truyền thống về nghề trồng hoa như Hà Lan,
Trung Quốc,
Nhật Bản,
Thái Lan, New Zealand, Arghentina. Cũng trong thời gian festival còn diễn ra Hội chợ triển lãm thương mại-
du lịch và hội thảo xúc tiến đầu tư với hơn 700 gian hàng nhằm mời gọi đầu tư vào vùng nam
Tây Nguyên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Trương Văn Thu, Trưởng ban tổ chức Festival hoa Ðà Lạt 2007, điểm nhấn của liên hoan lần này chính là bản sắc văn hóa dân tộc. Ấn tượng mở đầu là chương trình khai mạc đêm 15/12 với lễ hội đường phố có chủ đề "Hoa và ánh sáng" cùng phần trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của hơn 100 nghệ nhân, 500 diễn viên và cuộc diễu hành của khoảng 60 xe hoa trên đường phố, trong một không gian rực rỡ sắc mầu của ánh sáng và âm nhạc. Ðêm sôi động nhất của festival mang những sắc mầu văn hóa dân tộc phong phú là chương trình chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam diễn ra ngày 21/12.
Chương trình nhằm tôn vinh những nét đẹp về tâm hồn, tài năng, vẻ đẹp hình thể và trí tuệ của người phụ nữ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của từng dân tộc, thể hiện tình đoàn kết và sự hội nhập trong phát triển; đồng thời quảng bá hình ảnh của du lịch nước ta với đông đảo du khách đến Ðà Lạt- Lâm Ðồng trong dịp này.
Tiến sĩ Ðoàn Thị Kim Hồng, Chủ tịch Công ty CIAT, đơn vị tổ chức Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam cho biết, đây là sự kiện lần đầu được tổ chức ở nước ta. Trong những năm qua, đã có những cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra với sự tham gia của các cô gái thuộc những dân tộc khác nhau trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở các vùng, miền đất nước. Họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp, tuy nhiên, số lượng các thí sinh này cũng mới ở mức khiêm tốn. Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007 sẽ là sự kiện lớn có quy mô toàn quốc và hội tụ các người đẹp đại diện cho tất cả các dân tộc tuổi đời từ 18 đến 28 tuổi, có trình độ học vấn từ phổ thông trung học trở lên và có chiều cao hơn 1,58 m.
Bên cạnh những nội dung thi trang phục truyền thống dân tộc, áo dài, áo tắm cách điệu, thời trang dạ hội và thi ứng xử, các thí sinh còn phải thể hiện tài năng của mình qua những môn thi tài như: cưỡi ngựa, leo núi, đua xe đạp, cắm hoa, nấu ăn, hát, múa, thêu, đan lát, dệt thổ cẩm, v.v. Những thí sinh từng đạt các danh hiệu Hoa hậu, Á hậu tại các cuộc thi sắc đẹp thuộc cấp tỉnh, thành phố, ngành sẽ được vào thẳng vòng thi bán kết ở ba miền đất nước. Ðêm chung kết có bốn nội dung chính gồm phần thi Duyên dáng: thi trang phục áo dài hoa của nhà thiết kế Liên Hương; phần thi Truyền thống: Thi trang phục của từng dân tộc mà thí sinh đại diện; phần thi Kiêu sa - lộng lẫy thể hiện trang phục lễ hội của nhà thiết kế Ánh Linh và phần thi Khỏe khoắn - tự tin với trang phục áo tắm cách điệu của nhà thiết kế Xuân Thu. Các thí sinh xuất sắc nhất được chọn qua các phần thi nêu trên sẽ vào vòng thi ứng xử để từ đó chọn ra Hoa hậu và các Á hậu cùng những danh hiệu người đẹp khác.
Tính đến nay, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007 đã có hơn 500 thí sinh của gần 40 dân tộc đăng ký dự thi và các vòng bán kết ở ba miền đất nước sẽ diễn ra tại Hà Nội, TP.
Buôn Ma Thuột (Ðắk Lắk) và TP. Hồ Chí Minh trong hai tháng 10 và 11.
Ngoài các chương trình trọng tâm làm điểm nhấn, festival còn có các hoạt động và các sự kiện văn hóa, du lịch mang tính hỗ trợ, hưởng ứng như đêm hội ẩm thực trà- hoa- rượu vang, đám cưới hoa quy tụ 114 cặp uyên ương trong nước và ngoài nước, chương trình du lịch Du khách- thắng cảnh và hoa, ngày hội xe cổ, ngày hội kỷ lục gia Việt Nam, maraton Việt- Nhật Ðà Lạt 2007, ca nhạc thời trang đường phố. Trong những ngày này, một phố hoa sẽ được tổ chức, giúp du khách đắm mình trong không gian hòa quyện giữa hoa và nghệ thuật sắp đặt, giữa hoa và nghệ thuật biểu diễn trên đường phố cùng một festival những đôi nhảy đẹp.
Những ngày này, TP. Ðà Lạt đang có những bước chuẩn bị tích cực cho liên hoan, tại vườn hoa Ðà Lạt, nơi diễn ra hội chợ triển lãm hoa quốc tế, chính quyền thành phố đang sắp xếp và trồng lại các bồn hoa và tiến hành chỉnh trang đô thị. Ðà Lạt cũng đang phát động một hội thi và cung cấp giống hoa để vận động khối cơ quan, đoàn thể và người dân cùng trồng hoa để cả thành phố trở thành một vườn hoa lớn. Con đường Lê Ðại Hành, nơi có hàng mai anh đào được chăm sóc và điều tiết để hoa nở đúng dịp diễn ra liên hoan. Ðược biết, trong tháng 12, thành phố sẽ có thêm bốn khách sạn với 400 đến 500 phòng được đưa vào sử dụng, góp phần làm giảm áp lực về chỗ lưu trú trong mùa liên hoan cao điểm.
(Nguồn Báo Nhân Dân)