Giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 30% trong vòng 60 ngày: Tích cực, nhưng chưa đủ hấp dẫn
Theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn của Chính phủ, từ ngày 1-11 đến 31-12-2021, GTGT một số lĩnh vực được giảm 30%, gồm dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch, các dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tổ chức tour du lịch. Cùng với đó là một số sản phẩm và dịch vụ liên quan đến các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao khác. Việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm hướng tới kéo giá những sản phẩm, dịch vụ và hàng hoá này giảm theo, tác động đến lực cầu trong 2 tháng cuối năm.
Trên lý thuyết, một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế gồm dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ, vận tải khách), dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tổ chức tour du lịch. Cùng đó là sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí (không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến).
Chẳng hạn dịch vụ vận tải có giá bán 20 triệu đồng, thuế GTGT trong lĩnh vực này là 10%. Theo quy định hiện hành, thuế GTGT là 2 triệu đồng. Nay được giảm 30%, tương đương với 600.000 đồng, số thuế phải đóng chỉ còn 1,4 triệu đồng. Như vậy tổng giá trị thanh toán là 21,4 triệu đồng thay vì 22 triệu đồng như trước đó. Còn đối với những đơn vị tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, phần số thuế giảm sẽ được thể hiện rõ trên hóa đơn. Ví dụ, giá thuê khách sạn lưu trú 2 ngày là 3 triệu đồng (mỗi ngày 1,5 triệu đồng), thuế GTGT lĩnh vực này là 5%, tương đương 150.000 đồng, được giảm 30% tức 45.000 đồng. Thế nên, giảm thuế VAT thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi trực tiếp.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực ăn uống, quy định hiện tại chỉ áp dụng cho phần ngọn là các hàng quán nên mức độ tác động kích cầu sẽ rất hạn chế. Nếu được, nên áp dụng trên quy mô lớn từ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm để người tiêu dùng mạnh dạn mua. Ngoài ra, cần tính toán lại mức giảm vì giảm 30% như hiện tại chưa đủ sức hấp dẫn. Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển, áp lực về thuế GTGT là rất lớn, vì tháng nào cũng phải đóng. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp một năm mới đóng một lần sẽ đỡ "căng" hơn. Nhưng chỉ giảm 30% thuế GTGT sẽ không có nhiều ý nghĩa vì hiện doanh thu của công ty giảm mạnh đến 80% so với trước dịch. Do đó, nếu được giảm thuế GTGT 100% mới thật sự có nhiều ý nghĩa. Hiện nay, số lượng xe tải của các DN ở thành phố là rất lớn (hơn 10.000 chiếc) trong khi lượng hàng hóa không nhiều dẫn tới cung vượt cầu, xe tải dư thừa. Nhiều chủ xe chấp nhận chạy không lãi để có thu nhập trả nợ ngân hàng.
Trong lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng mức giảm GTGT hiện đang áp dụng chưa cao và khó kích cầu trong thời gian tới nên kiến nghị thêm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, phân tích việc giảm thuế GTGT ở mức 30% áp dụng đến ngày 31-12-2021, tức chỉ trong vòng 60 ngày thì như "muối bỏ bể", chưa đủ kích cầu được trong bối cảnh ngành du lịch vừa gượng dậy và sức mua là rất yếu. "Do đó, cần cú hích mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ ngành du lịch đúng với tinh thần là ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% và áp dụng trong khoảng 2 năm để kích cầu thật sự. Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 23% xuống 18% trong khoảng 2 năm và có thể áp dụng chính sách ân hạn cho doanh nghiệp một vài năm. Bởi giãn, hoãn như hiện nay doanh nghiệp thực chất vẫn phải đóng trong khi "sức khỏe" tài chính đang rất khó khăn" - Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Việc giảm thuế GTGT với du lịch được đánh giá có tác động tích cực cho ngành trong quá trình khôi phục. Vấn đề còn lại là mức giảm và thời gian áp dụng nên như thế nào, và cần thiết nghiên cứu song song đưa ra mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, để đưa quyết định giảm thuế giá trị gia tăng trong 2 tháng cuối năm đi đến kết quả sau cùng - là tác động tích cực và đủ mạnh - để có thể đẩy lực cầu lên cao đúng với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Đón Giáng sinh lung linh với những trải nghiệm thú vị ở Hàn Quốc
Những cơn gió se lạnh mùa đông đang tràn về khắp nơi trên thế giới, báo hiệu một năm nữa lại sắp kết ...
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ: "Tôi tự tin rằng Vietravel sẽ có tên trân trọng trong lịch sử các hãng lữ hành của Việt Nam”
Ngày Doanh nhân Việt Nam tròn 20 tuổi, Vietravel chuẩn bị công bố hành trình tuổi 30 với chiến lược ...
Vietravel vinh dự nhận bằng khen & chứng nhận tại Lễ tôn vinh, khen thưởng Doanh nghiệp, Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024
Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân V ...
Vietravel đón tiếp lãnh đạo Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Tây Ninh đến thăm và làm việc
Vừa qua tại Trụ sở chính, Công ty tiếp đón chị Nguyễn Đài Thy - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó C ...
Vietravel - Thương hiệu du lịch của thủ đô đồng hành cùng các sự kiện quảng bá du lịch Hà Nội
Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Vietravel thực sự đã trở thành "thương hiệu du lịch củ ...