Offroad - Chuyện kể những cung đường

 “Lên núi” là cách đi mà một bộ phận nhỏ các bạn trẻ ở Hà Nội hiện nay lựa chọn để thỏa mãn sở thích đi du lịch mạo hiểm của mình. Với một chiếc xe gắn máy (tốt nhất là xe thuộc dòng cào cào) và lòng đam mê chinh phục những cung đường hiểm hóc, bạn có thể tự tin để lên đường.

  23/05/2007 10:01

Offroad hiểu một cách nôm na là đi vào những khu vực không có đường lớn, thường chỉ có đường mòn dành cho người đi bộ với địa hình gập ghềnh hiểm hóc, đòi hỏi người cầm lái phải có kinh nghiệm và cứng tay lái nếu không sẽ gặp nhiều bất trắc và hiểm nguy.

Để lên kế hoạch cho một cung đường không có trên bản đồ hoặc có ít thông tin liên quan, chủ nhân của những chuyến du lịch “lên núi” thường phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn, mất nhiều công sức và thời gian, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.

Tại Hà Nội, bạn có thể thuê xe cào cào tại Hùng Minsk ở Đinh Liệt hoặc Cường Minsk (Số 1 Lương Ngọc Quyến) với giá khoảng 20-30 USD/1ngày

Một số tuyến đường đã từng được offroad có thể kể đến như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Bắc Giang), Song Khủa - Đà Bắc (Hòa Bình), cụm đường mòn Xuân Nha (Sơn La), đường ven bờ sông Mã trên địa phận Thanh Hóa hoặc Sơn La, đường vòng quanh cao nguyên Langbiang (Đà Lạt), Du Già - Mậu Duệ hay đường xuyên Tây Côn Lĩnh I và II (Hà Giang).

Nhưng đi Offroad không đơn giản. Những con đường cấp phối đá hộc to như chiếc mũ cối, trơn trợt khi trời mưa hay bé tý tẹo chạy cắt ngang rừng, những con suối cuộn nước không có cầu bắc qua hay ngập bùn lầy là chuyện thường xuyên gặp phải. Không có đường thì mở đường cho xe qua, không đi được thì bê xe, khuân xe.

Có những mét đường phải mất đến hàng tiếng đồng hồ để vượt, và cả những thất bại phải quay về. “Offroad là phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, vì chính điều đó sẽ trở thành những kỷ niệm sâu sắc nhất trong một chuyến đi.

Tây Côn Lĩnh - Chặng đường gian nan.

Cùng với 4 người bạn khác và 3 chiếc xe cào cào, chúng tôi quyết định chinh phục cung đường xuyên núi Tây Côn Lĩnh. Mục tiêu của chuyến đi là vượt qua dãy Tây Côn Lĩnh I từ địa phận Hoàng Su Phì để ra tới cửa khẩu Thanh Thủy ở Hà Giang.

Quyết tâm chinh phục chặng đường khó khăn

Buổi sáng xuất phát ở thị trấn Vinh Quang, nhiều người dân ở đó đã khuyên chúng tôi không nên đi vì không có lối. Hơn 30 km tới xã Túng Sán mà chúng tôi mất gần 2g đồng hồ. Đường xấu, xóc dữ dội, dấu vết của những cơn lũ cắt đường ngang dọc khắp nơi...

Chúng tôi vào một quán nước tại ngã ba Túng Sán để hỏi đường. Anh chủ nhà người Tày cùng một dân quân xã nói chỉ có một con đường duy nhất nhưng lâu rồi không ai đi nên núi sạt, cây cối rậm rạp, dốc cát…

Chúng tôi phải chia nhau đi khảo sát những đoạn đường ngắn để chọn phương án di chuyển tốt nhất. Khi chúng tôi vừa vượt qua Đản Ván Thượng thì xe Lanza đâm vào đá lao xuống lòng suối, rồi đến lượt xe Raid trượt vào cát rơi xuống vực và may mắn mắc vào một cái cây ngay gần đấy. Chúng tôi hì hục kéo xe lên mất gần 1giờ đồng hồ và chạy tiếp.

Sau bữa trưa tự chuẩn bị trong rừng và nghỉ ngơi chừng 30 phút, hành trình tiếp tục. Chúng tôi lấy dao đào vào núi để mở đường, bê gỗ về chặn bên mép vực, bắt từng vòng bánh xe vì độ dốc quá lớn. Có những đoạn phải đi xuyên qua hàng rào dây leo chằng chịt. Rồi những viên đá núi rơi xuống chắn ngang đường, phải dùng dao, gạch để phá đá, phạt bằng, người đỡ xe, người cầm lái, người nâng bánh để đưa xe qua. Ước muốn chinh phục Bốt Đen, điểm cao nhất trên Tây Côn Lĩnh I để đến được với Lao Chải, nơi có dòng suối kỳ lạ hai dòng trong đục chảy không hòa vào nhau cho chúng tôi thêm sức mạnh để tiến lên.

Càng đi sâu vào trong núi, khoảng 20 km từ xã Túng Sán, chúng tôi càng trở nên cô độc. Một quả núi sạt lớn nằm chắn ngang lối mòn cũ. Mép vực thẳng đứng và sâu hun hút. Đá chất thành những chồng lớn thách thức.

Vượt suối

Chúng tôi hy vọng có thể tìm kiếm được sự giúp đỡ từ những người dân tộc đi chăn bò quanh đó. Sau một hồi hú hét thì có 2 người đàn ông, một Nùng, một Tày đi từ trên núi cao xuống. Họ khẳng định nếu muốn vượt qua đoạn này thì thả xe xuống vực, đi bộ sang bờ bên kia rồi dùng dây kéo xe lên. Và đó thật sự là một phương án không tưởng.

Chiều đã ngả xuống núi. Chúng tôi không thể liều lĩnh hơn, phải quay ra gấp vì chặng đường đã qua cũng rất khó khăn, có đoạn đường đã bị cày nát. Lại những pha đỡ xe, bắt bánh, đào đường, phạt cây… cuối cùng chúng tôi cũng ra được ngã ba Túng Sán khi trời đã tối. Chuyến đi tuy không thành công, nhưng đã đem lại cho chúng tôi những cảm giác phiêu linh mạnh mẽ và dữ dội.

Cao nguyên Lâm Viên - Offroad đâu phải chỉ cào cào

Bạn cũng có thể chọn một chuyến offroad với loại xe bình thường nếu đủ tự tin. Lần chinh phục Cao nguyên Lâm Viên chúng tôi đã chạy 6 chiếc xe nữ. Chỉ với 60 km đường mà chúng tôi đã phải đi mất gần 9 giờ đồng hồ.

Đoạn đường khổ ải bắt đầu từ ngã ba Phi Di Ya, theo 13 km đường cấp phối nằm trên địa giới hành chính giữa hai tỉnh Ban Mê (huyện Lăk) và Lâm Đồng (huyện Lạc Dương). Sau khi vượt sông Đăk Krong Nô bằng đò tay kéo, chúng tôi tiến vào địa phận của xã Đăm Rông. Lại những lời khuyên quay ra nếu không muốn bị sa lầy vào dốc cát. Tuy vậy chúng tôi vẫn quyết chinh phục cung đường mới mẻ này.

Đường lên Cao nguyên Lâm Viên

Chúng tôi trú mưa ở Đạ Long. Từ dưới mái hiên của căn nhà gỗ, phóng hết tầm mắt là dải núi Langbiang thấy một con đường đất đỏ bé xíu như một sợi chỉ nằm uốn lượn trên sườn núi. Con đường dẫn đến bản K’Nớ, một trong những điểm mà chúng tôi sẽ phải đi qua. Một người địa phương nói với chúng tôi rằng, nên đi qua dốc cát lúc trời đang mưa là tốt nhất. Nếu trời nắng thì cát khô sẽ làm cho xe bị sa lầy.

Chúng tôi mặc áo mưa lên đường. Xe loạng choạng lao từ trái sang phải, thậm chí quay ngang giữa đường. Tầm nhìn của con đường không bao giờ quá được 5 mét. Sau cơn mưa, đất dính bết và bám chặt vào bánh xe khiến cho việc di chuyển cực kỳ vất vả.

Chúng tôi đến bản K’Nớ khi trời đã về chiều. K’Nớ là một bản của người K’Hor trên cao nguyên Lâm Viên. Chúng tôi tiếp tục hành trình. Cơn mưa đã làm cho con dốc cát của đoạn còn lại chia thành năm bảy rãnh nước đang trôi ào ạt trên đường, đây đó có đoạn cát trôi tuột đi để trở khấc những mảng đất sét cứng đanh mà trơn. Một vài xe bị trượt bánh và ngã, có xe bị mắc vào rãnh lầy tưởng chừng không lên nổi. Chúng tôi thận trọng nhích từng bước một.

Sau con dốc cát, chặng đường ra Đà Lạt của chúng tôi dài dằng dặc. Thi thoảng gặp nhà dân, ai cũng động viên chúng tôi ráng lên vì sắp tới nơi rồi. Chúng tôi ráng thêm chừng 3 tiếng đồng hồ, có những lúc thất vọng vì cảm thấy như đi trong mê trận, có những lúc quá mệt mỏi vì căng thẳng… Cuối cùng chúng tôi cũng tới được ngã ba Tùng Lâm - Đà Lạt, kết thúc một cung đường hấp dẫn mà trắc trở trên cao nguyên Lâm Viên.

Những chuyến Offroad luôn làm cho chúng tôi thêm tinh thần đoàn kết và thỏa nỗi đam mê khám phá.

theo tuoitre
22/05/2007

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Chào đón "thành viên mới" gia nhập đại gia đình Vietravel Airlines

Ngày 22/11, Vietravel Airlines đã chào đón "thành viên mới" mang số hiệu 9H-SWN thuộc Avion Express. ...

  25/11/2024 09:51

Tập đoàn Vietravel tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với Tổng cục Du lịch Singapore năm 2025

Vào sáng ngày 21/11/2024, Công ty Du lịch Vietravel và Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã tiếp tục ...

  21/11/2024 17:30

Hợp tác để phát triển - Lễ ký kết hợp tác Vietravel Nghệ An và Dalattourist

Ngày 20/11/2024 Tại Tp. Vinh, Nghệ An, Vietravel chi nhánh Nghệ An đánh dấu tên tuổi trên bản đồ du ...

  21/11/2024 17:10

Vietravel Airlines gặp gỡ và làm việc với đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan

Ngày 14/11 vừa qua, tại Bangkok Thái Lan, Tổng Giám Đốc Vietravel Airlines - ông Đào Đức Vũ đã có bu ...

  21/11/2024 17:07

Dấu ấn thành công của đoàn 2.512 khách thuộc Tập đoàn New World Fashion do Vietravel Hải Phòng tổ chức

Trong tháng 10 - 11/2024, Vietravel Hải Phòng tự hào đồng hành cùng Tập đoàn New World Fashion trong ...

  20/11/2024 21:00
pin