Đền Preah Vihear đã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới, cũng là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Campuchia và
Thái Lan. Năm 1962, Tòa án Thế giới ra phán quyết phần thắng thuộc về Campuchia, nhưng đến tận bây giờ, ngôi đền vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước láng giềng. Ngôi đền nằm ở phía bắc Phnom Penh, tọa lạc trên đỉnh một vách đá cao 525 mét của núi Dângrêk thuộc tỉnh Preah Vihear của Campuchia, và một phần biên giới tỉnh Si Sa Ket ở đông bắc Thái Lan. Đền Preah Vihear được xây dựng từ thế kỷ 9, thờ thần Shiva và các thần núi Sikharesvara, Bhadresvara. Tuy nhiên, những phần có niên đại lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay lại thuộc về thời đại Koh Ker đầu thế kỷ 10 khi kinh đô của triều đại Khmer ở gần Angkor. Ngôi đền thờ cũng mang cả những nét thiết kế kiểu Banteay Srei cuối thế kỷ 10. Phần lớn cấu trúc hiện nay của ngôi đền là được xây dựng dưới triều đại Suryayarman I và Suryayarman II trong nửa đầu thế kỷ 11 và 12. Những tài liệu, bản khắc, di vật tìm thấy trong đền đã tái hiện chi tiết hình ảnh dưới thời Suryavarman II trong việc thực hiện nghi lễ, tổ chức lễ hội tôn giáo, tặng quà cho cố vấn tinh thần của đức Vua (như voi, bát vàng...). Kiến trúc phức hợp của ngôi đền chạy theo trục bắc nam dài 800m, và bao gồm một bờ đường đắp cao và những bậc tam cấp dẫn lên điện thờ nằm trên đỉnh khu vực đền thờ phía Nam. Mặc dù cấu trúc này khác với những ngôi đền trên núi khác của Campuchia được tìm thấy ở Angkor, nhưng ngôi đền cũng có cùng mục đích thờ phụng những vị thần ở đỉnh Meru. Đường lên điện thờ có năm cột lớn (được đánh số thứ tự tính từ bên ngoài ngôi đền, và khách viếng sẽ gặp cột lớn thứ năm trước tiên). Du khách phải bước trên một vài bậc thang trước khi đến được mỗi cột. Mỗi cột có những độ cao khác nhau. Ở vị trí đứng của mỗi cột, khách tham quan đều không thể thấy toàn bộ quang cảnh ngôi đền trừ khi bước vào cổng chính. Cột thứ năm theo kiểu kiến trúc Koh Ker vẫn giữ lại những vết sơn đỏ từ thời gian trước mặc dù ngói đỏ bây giờ không còn nữa. Cột thứ 4 nằm ở phía sau có từ triều đại Khleang/ Baphuon và là một “kiệt tác của Preah Vihear”. Cột thứ 3 lớn nhất và nằm giữa hai phòng lớn. Muốn đến được đền thờ phải thông qua hai sân liên tiếp nhau. Đền Preah Vihear trong tiếng Thái gọi là Khao Phra Viharn. Năm 1904, Vương quốc Xiêm (tên gọi chính thức của Thái Lan trước năm 1949) và thực dân Pháp thành lập một ủy ban chung thực hiện công việc phân định ranh giới. Năm 1907, sau khi điều tra nghiên cứu, người Pháp đã đưa ra bản đồ, trong đó thể hiện vị trí chính xác khu vực đền Preah Vihear và vùng lân cận. Căn cứ theo tấm bản đồ này, Preah Vihear nằm bên Campuchia. Năm 1954, Thái Lan chiếm giữ ngôi đền sau khi quân độ Pháp rút khỏi Campuchia, Campuchia phản đối và yêu cầu Tòa án Thế giới phân xử. Tòa án xem xét vụ việc không chỉ dựa trên những di sản văn hóa, mà còn cân nhắc những biện pháp chuyên môn kỹ thuật phân định ranh giới.Ngày 15/6/1962, tòa ra phán quyết phần thắng thuộc về Campuchia và yêu cầu Thái Lan trả lại mọi di vật (kể cả những bức tượng thờ) đã đưa ra khỏi ngôi đền. Ngôi đền được mở cửa trở lại cho du khách từ phía Thái Lan vào cuối năm 1998. Campuchia hoàn thành việc xây dựng đường vào đền trên vách đá vào năm 2003. Trong cuộc họp ngày 07/06/2008 tại Canada, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua đơn của Campuchia đề nghị công nhận đền Preah Vihear vào danh sách di sản thế giới. Chính quyền và nhân dân Campuchia rất vui mừng chào đón sự kiện này. Thủ tướng Hun Sen phát biểu: “Đây là một vinh dự mới của nhân dân Campuchia cũng như nhân dân trên toàn thế giới, đền Preah Vihear đã được công nhận là đỉnh cao của kiến trúc Khmer và nó là giá trị vĩnh hằng của nhân loại", ông nhấn mạnh: "Đền Preah Vihear là di sản Khmer thứ 3 đã được ghi vào danh sách di sản của nhân loại sau đền Angkor Wat năm 1992 và điệu múa hoàng gia năm 2003". Từ Thái Lan, du khách có thể đến được ngôi đền thông qua Công viên Quốc gia Prasat Khao Phra Wihan. Campuchia cho phép khách viếng thăm ngôi đền không cần visa. Campuchia áp dụng phí vào cổng cho khách nước ngoài là 5 USD hay 200 đồng bạt (vào năm 2006, giảm 50 đồng bạt cho du khách đến từ Thái Lan), chỉ cộng thêm 5 đồng bạt phí photo hộ chiếu. Thái Lan thì áp dụng mức phí 400 đồng bạt để vào cổng Công viên Quốc gia.
Theo VNN ( Nguồn Wikipedia, DPA, THX, Preah-vihear)