Nước Mỹ hiện có hơn hai triệu người Việt sinh sống, chủ yếu ở bang California, Washington và Texas. San Jose là một trong những thành phố đông người Việt sinh sống nhất trên đất Mỹ, khoảng 350.000 người. Nếu đi vào những khu vực như San Jose, Orange County (California) hay Houston (Texas), bạn sẽ có cảm giác mình đang ở nơi nào đó trên đất Việt Nam.
Vào những ngày cận Tết, không chỉ ở những khu chợ của người Việt, trung tâm thương mại Costco cũng bày bán cả những chậu cúc vàng rực rỡ. Lý thú hơn, trước các cửa tiệm gần ngã tư đường đông người qua lại cũng có những chợ hoa mini, bán vài chục chậu hoa, chậu kiểng, tiện lợi cho những ai không muốn vào chợ hoa vì quá đông đúc.
Tết của người Mỹ rơi vào ngày đầu năm Dương lịch, còn người Việt ăn Tết tới hai lần: Dương lịch và Âm lịch. Tết âm lịch rơi vào những ngày đi làm ở Mỹ nên người Việt chẳng thể nghỉ ăn Tết hoành tráng cả tuần. Ngày Tết được biến tấu, có thể diễn ra vào các ngày cuối tuần trong nhiều tuần liên tiếp. Vào ngày đầu năm âm lịch, những hoạt động đón Tết được tổ chức rộn ràng, với đầy đủ bánh chưng, bánh dày, bánh mứt, phong bao lì xì, diễu hành, diễn văn hay múa lân.
Thành phố San Jose, California
Nhà tôi ở San Francisco, vì thế tôi luôn xuống San Jose chơi Tết. Lễ hội thường được tổ chức ở Expo Hall, rộng khoảng 4.200 mét vuông. Tết năm ngoái rơi vào ngày cuối tuần, vì thế chúng tôi có hai ngày nghỉ để thưởng Tết. Trên khoảng sân rộng trước Expo Hall, tôi thấy đám nam sinh Việt Võ Đạo đang tập các động tác võ cổ truyền. Bước vào trong, gian đại sảnh rộn rã các bài nhạc Việt mới nhất. Không thiếu những đèn lồng đỏ, phong bao lì xì, thậm chí có cả mai vàng.
Tôi lang thang qua các quầy ẩm thực. Món ăn phong phú, trộn lẫn cả của Tây lẫn Ta: từ món thịt barbecue, chả giò cuốn cho đến mực nướng. Mọi người tưng bừng nói cười bằng cả tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh. Hương Mai, cô bạn tôi, rủ qua nhà ăn Tết. Cô đặc biệt giỏi món phở đuôi bò. Cứ khi nào có dịp, chúng tôi lại nài cô phục vụ món phở độc đáo ấy. Nồi phở hầm tới gần chục kilogram đuôi bò. Mùi gia vị sực nức khắp nhà. Mấy đứa trẻ trong gia đình rủ nhau chơi video game, trong khi đám người lớn xúm lại tám chuyện quê hương, chuyện xa, chuyện gần.
Thành phố Houston, bang Texas
San Jose không phải là nơi duy nhất tập trung đông người Việt. Houston cũng là nơi sinh sống của hơn 450.000 người Việt. Ở đây, thậm chí có cả một khu chợ chồm hổm, y như ở Việt Nam. Đó là vì không như ở California, nhà cửa ở Houston khá rẻ và rộng. Mọi người trồng rau củ trong vườn nhà và mang ra lề đường bày bán, y như ở nông thôn Việt Nam. Chợ Hồng Kông 4, khu chợ lớn nhất của người Việt, đầy nhóc hàng hoá trong ngày Tết. Nếu ở Việt Nam, hiện giờ không còn pháo thì ở đây, những phong pháo vẫn được bày bán khắp nơi. Mọi người bảo: “Thấy pháo nổ là thấy Tết”.
Trong văn hoá của người Việt, phong bao lì xì tượng trưng cho lời chúc may mắn nhân dịp năm mới. Người Mỹ giờ cũng đã học hỏi được phong tục lì xì ngày Tết của người Việt. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi vào ngày Tết Nguyên đán, có anh bạn người Mỹ nào chìa tay ra hỏi xin phong bao lì xì của bạn.
Cái Tết xa quê
Cái Tết ở đây giống mà khác ở Việt Nam. Khi sống trên đất nước mình, chúng ta không có cái cảm giác nao nao khi được nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, hay gặp gỡ thăm hỏi nhau. Ở bên Mỹ, áp lực công việc và cuộc sống nặng nề vô cùng. Không phải cứ ới là đi cà phê như ở Việt Nam. Nhiều khi lái xe hàng trăm dặm mới tới được nhà bạn. Gặp nhau ăn bữa cơm là dịp hiếm hoi. Có lẽ vì thế, ngày Tết trên đất Mỹ dường như ấm cúng hơn, nao lòng hơn. Tôi thích nhất là ngắm mọi người, cả nam và nữ, diện áo dài đi diễu hành trong ngày Tết. Điều này không còn ở Việt Nam từ lâu rồi. Tết mang nhiều thế hệ người Việt xa quê, cả trẻ lẫn già, cả mới lẫn cũ, cả xa lạ lẫn thân quen đến gần nhau hơn.