Bảo tồn di sản văn hóa làng Việt cổ

Làng Việt cổ truyền, trong quá khứ và hiện tại, luôn là một cộng đồng về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa và là những tế bào sống trong cơ cấu xã hội Việt Nam, nơi lưu giữ và biểu hiện sinh động bản sắc văn hóa Việt Nam. Nghiên cứu những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc - đất nước Việt Nam trong lịch sử rất cần được bắt đầu từ việc nghiên cứu làng xã.

 

  10/12/2007 08:10

Do đó, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng đặt ra yêu cầu phải thường xuyên quan tâm tới vấn đề văn hóa làng, di sản văn hóa làng.

 

Di sản văn hóa làng là kết tinh mồ hôi và xương máu, trí tuệ và tình cảm, bàn tay tài khéo và óc sáng tạo... của các thế hệ dân làng trong trường  kỳ  lịch sử lao động, sản xuất, chiến đấu nhằm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Vì thế, di sản văn hóa làng là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm các di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cùng môi trường sinh thái - nhân văn và toàn bộ hiện thực muôn mặt hoạt động sống của cộng đồng dân cư làng xã.

 

Ðây cũng chính là một trong những thành tố hợp thành và góp phần làm nên nét đa dạng văn hóa, sự phong phú cùng những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, làng Việt cổ truyền chính là một trong ba trụ cột của văn hóa cổ truyền Việt Nam: Gia đình - Làng - Nước.

 

Từ thực tế khảo sát, điều tra sơ bộ về di sản văn hóa ở một số làng Việt cổ thuộc các vùng đất vốn được coi là cổ kính của đất nước (Bắc Ninh, Nam Ðịnh, Hà Tây...), và từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những năm qua, có thể nhận thấy rằng, những giá trị văn hóa đang được bảo lưu tại các làng xã là hết sức đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, nhưng cũng đã, đang bị "hao hụt", nhạt phai nhiều.

 

Ðặc biệt là, môi trường sinh thái - nhân văn của các làng xã đã bị biến dạng dưới tác động của quá trình mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xu hướng đô thị hóa. Các di sản văn hóa vật thể, vì nhiều lý do, bị xuống cấp, tiêu hủy, thất thoát nhiều. Các di sản văn hóa phi vật thể thì hoặc bị thất truyền, hoặc đã bị "tổn thương" không ít. Một điều quan ngại khác, là ngay cộng đồng cư dân làng xã, ở những mức độ khác nhau, cũng có biểu hiện sự suy giảm về mức độ gắn bó, trân trọng, gìn giữ di sản văn hóa của chính cộng đồng mình...

 

Thực trạng ấy, một mặt rung tiếng chuông cảnh tỉnh và đòi hỏi chúng ta, đặc biệt là những người trực tiếp công tác trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, cần kịp thời tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm đối với việc kiểm kê, đánh giá chính xác, đầy đủ vốn di sản văn hóa hiện tồn ở các làng, xã; mặt khác, yêu cầu chúng ta phải có những biện pháp khẩn trương nhất, hiệu quả nhất, để bảo vệ và phát huy tốt nhất di sản văn hóa của các làng xã.

 

Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng là một trong những mô hình, định hướng mới nhằm bảo vệ và phát huy kịp thời, hiệu quả di sản văn hóa của các làng xã. Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng có mục tiêu bao trùm là đưa di sản văn hóa làng cùng toàn bộ đời sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cư dân làng xã thành đối tượng của hoạt động bảo tàng.

 

Theo đó, cư dân địa phương cùng một lúc có thể thể hiện nhiều tư cách, vai trò khác nhau, vừa là chủ sở hữu di sản văn hóa làng (trình diễn, giới thiệu di sản, là "hiện vật sống"... và là người hưởng thụ văn hóa), vừa là người trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động của "bảo tàng làng" với tư cách đó là một dạng sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Trong mô hình này, các cơ quan quản lý, các bảo tàng nhà nước, các tổ chức du lịch, các nhà khoa học chỉ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ cho các hoạt động của cư dân địa phương.

 

Từ nhận thức trên đây, để mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa làng thật sự phát huy hiệu quả trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa của các làng Việt cổ, trước mắt, theo chúng tôi cần quan tâm giải quyết một số vấn đề cụ thể sau đây:

 

- Cần có sự nhận thức đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức xã hội; giữa Nhà nước với cộng đồng cư dân làng xã và với mỗi người dân trong mọi hoạt động nhằm bảo tồn di sản văn hóa làng. Ðồng thời, để hoạt động bảo tàng hóa di sản văn hóa làng trở thành thực tiễn sinh động tại các địa phương, cần xác định và giải quyết đồng bộ các giải pháp cụ thể, đúng đắn liên quan đến lĩnh vực công tác này.

 

- Xác lập sự gắn bó giữa di sản văn hóa làng với cộng đồng cư dân làng xã thông qua việc tổ chức khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa làng nhằm đưa tới những đổi thay thật sự trong cơ cấu kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của dân làng - nghĩa là xác lập vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa làng trong quá trình phát triển cộng đồng.

 

- Tổ chức tốt các hoạt động theo mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa làng nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa đích thực, qua đó vừa trực tiếp phục vụ nâng cao đời sống mọi mặt của dân làng, vừa đưa tới sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch, dịch vụ. Trong xu hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, cần xử lý hài hòa lợi ích của các thành phần xã hội, các đối tác tham gia, nhất là lợi ích của cộng đồng cư dân làng xã, nơi di sản văn hóa đang tồn tại và phát huy. Và, cũng nhờ phương thức đó, mà các nguồn lực xã hội được huy động tối đa cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa văn hóa trở thành một nhịp cầu giao lưu và hội nhập quốc tế.

 

Tóm lại, việc triển khai có hiệu quả mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa làng đối với các làng Việt cổ sẽ thiết thực góp phần bảo tồn môi trường sinh thái - nhân văn của từng làng xã nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung. Qua đó, chúng ta sẽ tạo lập được môi trường văn hóa - xã hội điển hình. Ðó là nơi giáo dục, đào luyện nhân cách văn hóa để từng bước hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

(Nguồn Báo Nhân Dân)


Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin