Tổ tiên người Việt cũng từng dùng khố, thể hiện qua tranh khắc chạm trên trống đồng Đông Sơn. Trên các phù điêu ở đình làng, các đô vật ở trần, đóng khố ôm ghì lấy nhau. Ngày nay, người Kinh không còn mặc khố nữa nhưng đối với đàn ông các dân tộc vùng Trường Sơn-
Tây Nguyên, chiếc khố vẫn được lưu giữ như là trang phục truyền thống đặc trưng nhất của cả vùng. Nó vẫn được sử dụng trong các lễ hội, thậm chí trong ngày thường (ở các người già). Chiếc khố là hiện tượng văn hóa phổ biến, đồng nhất trong đời sống các dân tộc nơi đây. Khố là thuật ngữ được gọi theo người Kinh, nhưng mỗi dân tộc đều có tên và từng kiểu, loại khác nhau, không thể lẫn vào đâu được.
Chiếc khố là một phần quan trọng trong tập quán ăn mặc của các dân tộc miền núi vùng Trường Sơn- Tây Nguyên. Nó ăn sâu vào lời ăn tiếng nói của đồng bào. Dân tộc M’nông có câu: Hạt cơm không còn vào ruột/Giọt nước không còn vào bụng/Chiếc khố không còn dính lưng/Lời nói không còn phát ra.(Ý nói: Không có cơm, không có nước, không có khố và không còn lời nói con người không sống được).
Chỉ có một vòng khố trắng/Cái đầu chỉ quấn cỏ tranh/Bới tóc chỉ bằng lược sừng trâu.(Ý nói: Nghèo lắm cũng phải có khố, có lược).
Lúc đầu, chiếc khố được làm bằng sợi vỏ cây, thô ráp, không màu mè, cốt để che nửa phần dưới của cơ thể. Sau này, khố mới được chải chuốt, thêm thắt bởi sợi bông, chỉ màu để làm cho khố chắc hơn, đẹp hơn. Và từ đây mới hình thành các loại khố khác nhau như khố trắng, khố đen, khố hoa. Khố trắng có 2 lọai: khố dệt bằng sợi vỏ cây, gọi là Troi Djăr; khố dệt bằng chỉ trắng, gọi là Troi Bok. Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có dệt hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố xe thành chùm sợi, chiếc khố này dài từ 3 đến 5 vòng lưng, người bình thường chỉ quấn loại khố này. Khố hoa dệt bằng chỉ đen, hai đầu có dệt hoa văn, cuối hai đầu có kết hoa bạc hoặc đồng, hai đầu khố có kết hoa bằng cườm màu. Chiếc khố hoa gọi là Troi Nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng, người giàu sang mới dùng. Ở các đuôi khố có treo nhiều chiếc lục lạc nhỏ gọi là Rlêm và vài chiếc lục lạc to gọi là Ryu. Khi đi đường, hai duôi khố đưa qua đưa lại, những chiếc lục lạc to nhỏ chạm vào nhau hòa nhạc vang lên. Chim chóc, thú rừng nghe tiếng lục lạc thường bỏ chạy, nên khi đi đường một mình quấn chiếc khố này có thể không còn sợ thú dữ. Chiếc khố lúc này là vật để che thân, làm đẹp và còn là vũ khí tự vệ. Quấn chiếc khố này khi đi dự lễ hội được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ, nở mặt nở mày cho vợ con ở nhà. Ông chồng ra đi quấy lấy khố hoa, thiên hạ ai ai cũng khen vợ nhà biết dệt, biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm thành hoa…
hiếc khố còn có giá trị về mặt vật chất. Người ta làm ra khố để đổi lấy những vật ngang giá khác. Đàn bà giỏi giang, cả nhà được mặc đẹp, cuộc sống ấm no. Dấn tộc M’nông có câu: "Troi du njăr băr nke rpu" (Một chiếc khố đủ quấn sừng trâu- có nghĩa là một chiếc khố đủ đổi một con trâu). Chiếc khố Djăr chỉ đổi được con gà, chiếc khố trắng đổi được heo con, chiếc khố đen đội được heo to, chiếc khố hoa đẹp nhất đổi được con trâu to, chiếc khố hoa đẹp vừa đổi được 3 ché nhỏ, Dân tộc M’nông còn có câu: “N’hă oi tanh troi ma sai, tanh brai bok ma tridu vân” (Đã lỡ dệt khố tặng chồng, đã dệt khố trắng tặng người mình yêu phải trung thành, chung thủy).
Khố Cơtu có một số loại, trước tiên là chiếc khố hình chữ T (cha loon), Bộ nam phục truyền thống Cơtu gồm một chiếc khố chữ T cùng với tấm áo khoác hình chữ X. Có hai loại khố: khố thường- không có hoa văn và khố hoa- được bố trí đầy ắp hoa văn gọi là Cha loon arắc. Khố chữ T là một tấm vải rộng 30-40 cm, dài 1,5-4m, quấn quanh thắt lưng và qua háng, hai đầu tấm vải thả xuống gần mắt cá chân. Người Cơtu còn có chiếc khố trang trí bằng hoa văn cườm chì, nặng đến mấy cân, là loại khố sang trọng, người giàu có mới có thể sắm nổi để mặc.
Người mặc khố mang nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, với núi rừng. Chiếc khố- một di sản văn hóa vật chất thời sơ sử còn tồn tại đến thời công nghiệp hiện đại, là hiện vật sống của mảnh đất Trường Sơn- Tây Nguyên hùng vĩ. Chiếc khố là bộ phận của văn hóa trang phục. Đã có thời chiếc khố bị xem là hình ảnh của sự nghèo nàn, lạc hậu, vì thế loại hình trang phục cổ sơ này mất đi nhanh chóng. Cũng may, một số dân tộc ở Trường Sơn- Tây Nguyên như Cơ Tu, M’nông, Êđê, Gia Rai… còn bảo lưu chiếc khố truyền thống. Nó được mặc trong các lễ hội, thậm chí diễu hành trên phố, biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ nghi trang trọng. Khi xã hội xuất hiện các kiểu trang phục “nửa dơi nửa chuột” (áo dân tộc, quần tây) hay chế tác ra những chiếc “khố văn công”… thì việc giữ gìn, trân trọng chiếc khố truyền thống như một di sản mang dấu ấn cổ xưa nhất của tiền nhân là yêu cầu bức thiết. Để cứ đến mùa lễ hội, các già làng, trai tráng các dân tộc miền núi hãnh diện vận khố làm rực rỡ thêm sắc màu văn hóa cổ truyền…
(Theo: Baobinhdinh)