Lân đã được người xưa mô tả là một con vật dị hình, dài gần 1,5m, đầu giống rồng, mũi to, miệng rộng, trên đầu có một cái sừng cong ở ngay đỉnh, mình thú, chân giống chân ngựa... Dựa vào hình dáng mô tả mà người ta đã sáng tạo ra con lân có đầu và đuôi dài chừng 4-5m. Cách múa lân thì gần giống động tác đùa giỡn của những con vật, nhưng điều đặc biệt là có hòa theo nhịp trống và bộ gõ bằng các loại chiêng, phèng la.
Hễ có lân thì phải có ông địa. Theo sách xưa, “ông địa” là một viên quan ở địa phương rất hiền lành và vui tính nên được dân chúng quanh vùng yêu mến. Dáng ông hơi lùn có cái bụng phệ to tướng, cặp mắt sáng rực trên khuôn mặt tròn trịa không chút sạm đen và đôi môi lúc nào cũng đỏ hồng với nụ cười tươi tắn. Ông có “nuôi” một con lân đi đâu cũng dắt theo, trên lưng lân ông cho mang rượu, thịt, nghiên bút, giấy, mực và một vài vật dụng khác. Những lúc rảnh rỗi, ông và lân thường nhảy múa với nhau để giải khuây, và cũng để giúp vui cho thiên hạ. Có lẽ từ truyền thuyết này mà dần dà về sau người ta đã nghĩ ra cách múa lân mỗi khi có dịp lễ hội, đình đám... và nhất là vào dịp Tết Trung thu, tết cổ truyền của dân tộc người ta đã sáng tạo bằng cách hóa thân con lân bằng những đường nét trên toàn bộ hình dáng của nó với các màu sắc tươi vui theo sở thích và sự sáng tạo của các nghệ nhân. Ngoài ra, sự kết hợp hài hòa của trống, chiêng và nghệ thuật múa lân cũng không kém phần quan trọng.
Từ đó, cứ mỗi dịp Trung thu hay tết Nguyên đán về, lại thấy xuất hiện múa lân. Theo quan niệm dân gian, lân đến nhà là để xua đuổi tà ma ám khí, điều xui xẻo đi và mang niềm vui, sự may mắn đến. Một đoàn lân thường rất đông người cùng chiêng trống, phèng la, giáo mác, đao kiếm, trường thương, cờ phướn. Lại có cả... trưởng đoàn, phó đoàn, các võ sĩ và những người được luyện tập thuần thục về múa lân làm những công việc phụ cho đoàn. Khi đoàn lân chuẩn bị biểu diễn ở gia đình nào thì trưởng, phó đoàn phải vào gia đình đó trước và mang theo khay trầu rượu đặt ở giữa nhà, trong đó đựng nhiều tấm giấy hồng đơn có ghi những lời chúc như: phúc - lộc - thọ, vạn phú - vạn quý, cung chúc tân xuân... Sau lời chúc mừng cho gia chủ và cả gia đình, trưởng phó đoàn sẽ được nhận một phong bì lì xì rồi lui ra ngoài ra hiệu cho đoàn lân bắt dầu múa. Múa lâu hay mau, biểu diễn võ thuật nhiều hay ít đều do sự điều khiển của trưởng phó đoàn.
Hình ảnh con lân đã in đậm vào tâm hồn trẻ thơ, dân tộc Việt Nam, là một biểu tượng thuần khiết về cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no hạnh phúc cho mọi người. Và dịp Trung thu năm nay, hình ảnh lân và ông địa lại xuất hiện trên khắp các nẻo từ quê ra phố, biểu hiện của một đời sống thanh bình.
(Nguồn Báo Quảng Nam)