Katê là lễ hội mang tính chất nông nghiệp của cộng đồng dân tộc Chăm, mang tính cố kết cộng đồng một cách rõ nét. Lễ hội diễn ra ở qui mô rộng lớn, từ đền tháp (Bi môn, Kalan), đến làng (Paley) và cả qui mô gia đình (Nga wôm).
Đối với nghi thức cúng lễ ở đền tháp, đồng bào Chăm thường tổ chức ở 3 địa điễm được xem là linh thiêng nhất đó là tháp Pô Nagar, tháp Pô Klông Garai, tháp Pô Rôme. Có bốn nghi thức chính được tiến hành trong lễ Katê là lễ đón rước y phục, lễ mở cửa tháp (Pơh Băng Yang), lễ tắm tượng thần (hay lễ mộc dục), lễ mặc y phục cho tượng thần. Ở mỗi lễ, đều có những vị chủ tế, bồi tế tiến hành những nghi thức trang trọng như thầy cả (Pô Dhia) đọc kinh, thầy kéo đàn Kanhi hát thánh ca, bà bóng rót rượu, dâng lễ thần. Một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ Katê chính là lễ tắm tượng - đây là lễ tạ ơn thần thánh và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đặc trưng trong nghi lễ nông nghiệp.
Sau khi kết thúc những nghi lễ trang trọng ở những đền tháp, cũng là lúc các làng Chăm lại chuẩn bị cho ngày hội làng, nhằm mang lại niềm vui và sự sẻ chia của cộng đồng. Trong hội, du khách sẽ được thưởng thức những âm sắc rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống như trống Ginăng, kèn Saranai… và những cuộc thi tài sôi nổi thể hiện sự tinh tế và khéo léo của những thiếu nữ Chăm như thi dệt vải (làng Mỹ Nghiệp), thi đội nước,…
Chia tay với hội làng vào lúc mặt trời vừa khuất bóng, các gia đình Chăm lại chuẩn bị cho những ngày cúng lễ tại nhà mình. Vẫn những nghi thức vừa trang nghiêm vừa thân mật trên, chủ nhà sẽ tiến hành các nghi thức cúng tế tổ tiên, ông bà trong lễ cúng cơm (Ieu muk key)… với hy vọng có sự chứng giám và che chở của tổ tiên cho các thành viên trong gia đình. Tuy chỉ diễn ra trong ba ngày ngắn ngủi nhưng lễ Katê ở qui mô gia đình thực sự mang lại một không khí ấm áp của sự đoàn viên, sum họp.
Có thể nói, lễ Katê là những ngày Tết của cộng đồng dân tộc Chăm. Ở đó, chứa đựng cả một kho tàng về tín ngưỡng dân gian đặc trưng của cư dân nông nghiệp, của sắc màu, âm nhạc và những điệu múa mê hoặc lòng người…. Nhưng vượt lên trên tất cả những yếu tố đó chính là tinh thần cố kết cộng đồng, dân tộc, hướng về nguồn cội như điểm tô thêm cho những giá trị văn hóa ngàn đời, vững bền như những ngôi tháp Chăm luôn vươn mình trên những triền cao.