Họp vào ngày thứ bảy hằng tuần, men theo sườn núi trơ trọi, một con đường độc đạo dẫn vào chợ Cán Cấu thuộc thị trấn biên ải Xi Ma Cai. Cũng như nhiều chợ vùng cao, có nhiều loại hàng hóa là thảo mộc, rau xanh, gạo đặc sản lúa nương và nhất là “thời trang” thổ cẩm, rượu, thắng cố nhưng Cán Cấu có một vẻ đẹp nên thơ của vùng đất chưa bị ảnh hưởng của cuộc sống đô thị.
Các sản phẩm hàng hóa, nông sản, gia súc được bày bán, trao đổi tại chợ Cán Cấu.
Người dân nơi đây mộc mạc, chất phác... Khách đi chợ có thể mua hàng thổ cẩm, đổi mua lấy các vòng nhẫn, lắc bạc xinh xắn của các cô gái người Mông hoặc nghe họ hát mà không phải trả tiền.
Thiếu nữ Bắc Hà.
Chợ Bắc Hà nằm ngay trung tâm thị trấn thuộc địa phận xã Tà Chải. Từ sớm chủ nhật, từng đoàn người từ những xã xa xôi trong huyện như Cán Cấu, Tà Củ Tỷ, Nậm Đét đã lũ lượt thồ đủ các lâm thổ sản về chợ. Chợ Bắc Hà kể cả vòng trong, vòng ngoài phải rộng đến vài hecta. Quanh chợ, có đến chục dãy nhà, sắp xếp từ cao xuống thấp với rất nhiều quầy hàng được bố trí khá thứ tự. Sản phẩm địa phương có nhiều thứ, là các loại biệt dược như tam thất, đỗ trọng, gấu tàu, ý dĩ... được bày bán trong các quầy hàng và kể cả trên mẹt, thúng ngoài chợ với giá khá rẻ.
Thắng cố, món ăn đặc sản của chợ Bắc Hà.
Nói đến chợ Bắc Hà phải nói đến thắng cố và rượu. Rượu Bắc Hà trong vắt như nước mưa. Nguyên liệu chủ yếu là ngô, được ủ với men lá, loại men đặc trưng của địa phương. Lạ một điều, gần như ai đi chợ cũng uống rượu, cả đàn bà, con gái... Dãy hàng Thắng cố dài nhất chợ. Những chiếc chảo to được đặt trên những hòn đá làm chân kiềng. Củi được đốt lên, đượm than hồng. Nước trong chảo sôi sùng sục, người ta bỏ vào đấy nhiều loại xương (dê, bò, lợn, chó), thịt ba chỉ, cả bộ lòng đầy đủ. Gia vị gồm các thứ ớt, tỏi, rau thơm, nõn chuối, búp cây chua. Bạn bè mời nhau ngồi quanh cái chảo. Rượu rót vào bát, Thắng cố được múc vào bát to, hoặc chiếc máng bằng tre, thế là lặng lẽ uống, lặng lẽ ăn và say lúc nào không biết.
Chợ ngựa Bắc Hà, một trong những nơi thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan. 12 giờ trưa, chợ vẫn đông, đến 2 giờ chiều chợ vãn dần, nhiều người lục tục rủ nhau lên ngựa về. Những cô gái Mông đi thành từng nhóm mặt rạng rỡ sau một ngày gặp gỡ bạn bè, trên lưng gùi đầy hàng.
Theo mẹ ra chợ.
Mặt trời đã ngả bóng dài, tiếng hát giao duyên đây đó vẫn còn vang xa trên đường núi: “Con người làm chủ núi/ Con người trồng cây/ Con người vùng cao/ Sống vui giữa những ngày chợ”.
Nhật Nam