Ai đã một lần đến
Huế - vùng đất cố đô, sẽ khó lòng quên được vùng đất êm đềm của xứ thành kinh. Nơi ấy, con người và thiên nhiên đã quyện vào trong phong thái nhẹ nhàng, trầm lắng như sắc tím rất Huế của riêng mình. Tháng 7, khi trời vừa chớm thu, cũng là lúc lễ hội điện Hòn Chén lại rộn ràng, cùng những thanh âm.
Nói đến Núi Hòn Chén (hay còn gọi là Ngọc Trản sơn), núi nằm ở tả ngạn sông Hương được bao quanh bởi màu xanh của cây cối. Dân gian thường gọi Ngọc Trản sơn là Điện Hòn chén vì trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng, đường kính đến vài mét, xung quanh có vùng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông giống cái chén nước. Núi Hòn Chén là nơi có nhiều điện thờ như Trinh Cát Viện, Chúa Thánh, Dinh Ngũ Vị Thánh Ba, điện thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ)…, trong đó điện chính có tên Minh Kính Đài được xây dựng năm 1886 dưới thời vua Đồng Khánh, là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thánh Mẫu Vân Hương và các vị thần.
Theo truyền thuyết, núi Hòn Chén là nơi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xuất hiện để cứu độ chúng sinh. Chính vì sự linh ứng của bà, do đó qua nhiều đời vua triều Nguyễn, luôn nhận được các sắc phong ca ngợi công đức và sự linh ứng của bà. Thời Gia Long đã sắc phong cho bà danh hiệu “Hồng Nhân Phổ Tế linh ứng thượng đẳng thần”. Thời Minh Mạng đã tiến hành cho tu sửa, mở rộng đền và sắc phong “Thượng đẳng thần”. Đến năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851), bà được phong là “Thượng đẳng tối linh thần”. Dưới triều Đồng Khánh (năm 1886), đền được xây dựng khang trang hơn, bổ sung thêm nhiều đồ tự khí rồi đổi tên là “Huệ Nam điện”. Từ đó đến nay, các cuộc tế lễ đã được nâng lên thành quốc lễ. Ban đầu, mỗi năm vào dịp xuân thu nhị kỳ, triều đình cử quan chức đến làm chủ tế, sau giảm xuống chỉ còn vào dịp tế xuân, đầu tháng 2 âm lịch. Năm Duy Tân thứ 3 (1909), bà lại được sắc phong danh hiệu “Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi tối cao đẳng thần”. Hiện nay, hàng năm vào mỗi tháng hai (lễ Xuân Tế) và tháng bảy (lễ Thu Tế), người dân nơi đây lại tổ chức Lễ Hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Hòn Chén, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén và đám rước Thánh Mẫu Thiên Y A Na từ Huệ Nam điện tới đình Hải Cát trên những chiếc “Bằng” (gồm nhiều chiếc thuyền ghép lại giống như chiếc bè) nối tiếp nhau trên đoạn sông Hương từ bến Điện Hòn Chén đến bến làng Hải Cát. Trong lễ nghênh thần, trên một chiếc “Bằng” lớn là bàn thờ Thánh mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hàm sắc của Thánh mẫu do các vua triều Nguyễn sắc phong. Liền kế đó có chiếc “bằng” chở tự khí, tàn tán, cờ quạt. Long kiệu của Thánh mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ mặc quần áo sặc sỡ khiêng. Rồi đến các bà mang bình hương, ống trầu, hòm đựng đồ trang sức, bình trà, khay, cờ biểu, tàn, lọng, quạt... Còn đám thanh niên vác bát bửu, tự khí… Khi đoàn ghe cập bến, đám rước chuyển lên bộ và đi đến đình làng Hải Cát. Dân làng đi theo đám rước, hương khói nghi ngút... Khi nghênh thần xong, dân làng làm lễ túc yết theo nghi thức cổ truyền. Ngày hôm sau là chính lễ, buổi chiều là lễ tiễn thần. Kiệu Thiên Y Ana Thánh mẫu lại được long trọng rước về điện Huệ Nam, trong ánh nến lung linh soi bóng dưới dòng Hương giang thơ mộng. Ấy vậy mới biết, sức hút của Huế không chỉ ở những công trình đền đài lăng tẩm, mà còn có cả những lễ hội linh thiêng như lễ điện Hòn Chén hằng năm.