Một thú chơi xuân của người Hà thành

Trong cái rét trên dưới 10 độ của những ngày cận Tết Mậu Tý, xen giữa những cửa hàng bán đồ hàng mã, đèn treo Tết, của phố Hàng Mã (Hà Nội), những hàng bán đồ cổ - đồ cũ vẫn tấp nập khách. Người mua hàng thích sự độc đáo của sản phẩm, và giá cả do hai bên thỏa thuận, đó là một nét đặc trưng của khu chợ cuối năm này

  13/02/2008 09:58

Đa dạng hàng và giá
Dạo quanh khu phố dài hơn 100 m, tôi bắt gặp hơn chục cửa hàng mi - ni trung bày cả trăm mặt hàng cổ hoặc giả cổ, như: tượng, chén, bắt, bình vôi, mâm, hũ, chậu, tiền cổ, máy nghe nhạc thời Pháp, đèn dầu...Gian hàng của anh Quất và anh Thắng thu hút đông người chọn hàng. Hai anh đã có 8 năm chuyên bán hàng đồ cổ tại chợ này. Anh Quất cho biết: "Hàng ở đây có nhiều nguồn gốc có thể do các chủ sang nhượng của nhau, của những bà đồng nát thu mua từ các gia đình, có khi các chủ hàng mua từ các cơ sở sản xuất tại Huế, Nam Định...và không thiếu hàng Trung Quốc." Anh Quất cho biết thêm, để theo được nghề bán đồ cũ - đồ cổ không đơn giản chút nào, đòi hỏi sự tìm tòi không nghỉ. Việc các chủ hàng phải trả "ngu phí" cao mới có kinh nghiệm là chuyện thường tình trong nghề. Các anh chỉ cho thấy những loại đỉnh để đốt hương trầm ngày Tết, một món hàng dễ bị lẫn giữa loại của các cơ sở ở Huế và Trung Quốc làm và giá thì một trời một vực. Những chiếc đỉnh thường chỉ hơn 100 ngàn đồng, nhưng chiếc đỉnh hình quả phật thủ có giá tới 4 triệu đồng, thậm chí có loại đỉnh cổ, dưới đáy có in hình chữ triệu lên tới 10 triệu đồng/chiếc.

Một trong những hàng được nhiều chủ bán ở đây là bình vôi. Bác Trần Văn Thao, một người bán hàng cho biết: "Theo tục lệ, người Việt đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi nên chúng tôi chuẩn bị nguồn hàng này để bán". Những người mua, khi gặp hàng ưu thích thì đắt đến mấy cũng cố mua được. Nhiều loại bình vôi có bề ngoài khá cổ, nhiều "quả" được làm bằng loại men rạn, có bình to cỡ nắm tay, có bình mô phỏng hình sư tử, nhưng cũng có bình chỉ bé tẹo bằng hay ngón tay. Giá của những " quả" bình vôi cũng tùy người mua người bán, trung bình từ 300 - 500 ngàn, nhung cũng có những "quả" lên tới 2-3 triệu đồng bởi bề ngoài độc đáo, cổ điển. Bác Thao bật mí, đa số các hàng ở đây chỉ có giá từ vài trăm ngàn tới 20-30 triệu đồng/món hàng là cao nhất, nếu khách muốn mua hàng "độc" thì được giới thiệu đến những cửa hàng đồ cổ trên phố Nghi Tàm (Hà Nội). Bác Thao chỉ cho tôi xem những chiếc đĩa có giá tới 700 ngàn đồng, làm men rạn, có hình cá, chim muông...Riêng chiếc đĩa có hình người uống rượu (được chủ hàng giải thích là ghi lại tích ái tửu, một trong tứ ái của  Trung Quốc) lên tới 1 triệu đồng/chiếc. Nhiều đồ của trung Quốc, trong đó có cả đồ sứ Cảnh Thái Lam, món hàng mà dân tour VN thường mua giá vài trăm tệ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) về làm quà. Chiếc bình hơi, cũ, chẳng biết thật giả ra sao nhưng cũng được chủ hàng thét tới: 1 triệu đồng/chiếc!

Chiếc đỉnh đồng có dấu triện ở dưới giá 10 triệu đồng.

Gian hàng của anh Trần Mẽ sưu tập nhiều đồ gốm sứ. Anh Mẽ giải thích, có những chiếc bát trông rất đơn giản nhưng được cho là từ thời Lý, thời Trần, giá tới 800-900 ngàn đồng. Những cũng có chiếc bị vỡ hoặc sứt sẹo thì giá chỉ 200-300 ngàn đồng/chiếc. Theo anh Mẽ thì đồ cổ có giá vô cùng, tùy theo sự ưa thích và cách định giá của từng người thỏa thuận. Điều đó cũng được kiểm chứng, khi một chủ hàng " thét" giá miếng vỡ từ một chiếc đĩa lớn tới 500 ngàn đồng!

Không chuyên về đồ gốm, gian hàng của anh Trần Minh Thái (người gốc Hưng Yên) lại tập trung vào vật dụng bằng đồng. Chỉ vào 3 chiếc đèn dầu to đùng và lạ mắt, anh Thái nói: " Ba chiếc đèn có tuổi thọ hơn 100 năm, bán rẻ cũng hơn 100 USD/chiếc. Nếu ai muốn, tôi sẽ dẫn về Hưng yên, xem cả bộ sưu tập đèn của tôi". Ông " thần đèn" này sưu tập khá nhiều mẫu đèn dầu từ thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những chiếc đèn dầu của Trung Quốc, và cả những chiếc của bên Pháp thời Napoleon (?) ...Cầu kỳ hơn anh Thái còn chỉ cho tôi xem chiếc đèn dầu thuộc dạng hàng độc, nó được làm bằng thủy tinh màu tím, chân đèn làm bằng thiếc mạ bạc với giá vài triệu đồng. Chưa hết, ông " thần đèn " này sưu tập cả những hộp đựng than xách tay, dùng sưởi ấm của các quý bà thời phong kiến, những chiếc cơi trầu bằng đồng hun thẫm màu thời gian nhưng kiểu dáng độc đáo, những chiếc mâm đồng cầu kỳ và cả kèn trận (?)...

Một thú chơi lâu đời
Theo trí nhớ của bác Thao, chợ đồ cổ hàng Mã đã xuất hiện ở Hà Thành không dưới 30 năm, từ 22 đến 30 tháng Chạp. Bác Thao còn nhớ tới tên tuổi một vài người có tiếng buôn đồ cổ như: ông Ba Sỹ, bà Úc, ông Phụng, ông Tũn..."Những năm thời còn bao cấp, phố hàng Mã hai bên còn vắng vẻ lắm, nhưng phiên chợ đồ cổ thì hai bên đông nghẹt người. Các chủ hàng tứ xứ đem đồ cổ, đồ cũ đến bán. Dạo đó, làm gì có chỗ để gửi hàng, họ phải trải chiếu ăn ngủ và trông hàng ngay trên mặt phố", bác Thao kể lại. Là một thú chơi có sức hấp dẫn kỳ lạ, những người mua được món đồ thì háo hức như một điều gì may mắn, ngắm nghía cất giữ có khi hàng chục năm sau mới đem đi bán hoặc trao đổi lại. Còn người bán cũng kiếm thêm chút tiền đón xuân cho gia đình. Thời bao cấp đồ cổ thời Pháp bán rất nhiều và giá rẻ, chỉ vài chục năm gần đây giá mới cao và chợ thì bán đủ các loại đồ cổ, đồ giả cổ..."Có người mua cả mớ 9, 10 đồ nhưng chỉ 1 món là cổ thật thì cũng đành chấp nhận, nhưng vài năm sau nhờ nó được giá bán bù trừ cho cả những món kia...", theo lời anh Quất. Còn với anh Thắng, kỷ niệm với những buổi chợ năm xưa là lần bán đi món đồ ưng ý, dù lúc đó được giá nhưng... "nếu giữ tới bây giờ thì chắc sẽ được món hời lớn hơn nhiều, nói vậy chứ nghề này cũng chả biết thế nào" anh Thắng tâm sự.

Những chiếc cơi trầu cổ.

Đa số những người bán hàng đồ cổ đa số là dân buôn đồ cổ sành sỏi trên phố Nghi Tàm (Hà Nội), nhưng cũng có người từ Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng đến bán hàng. Tham gia chợ phiên, vừa là dịp bán hàng cuối năm nhưng cũng là dịp để những người làm nghề có dịp hội ngộ trao đổi về kinh nghiệm và giới thiệu những sản phẩm sưu tập của mình.

Xuân Mậu Tý, Hà Thành rét buốt. Khách đến xem đồ cổ xen lẫn những khách đến mua hàng mã càng làm tăng thêm cảnh đông đúc và ùn tắc trong con phố nhỏ giữa lòng Hà Thành. Dẫu có chật hẹp đôi chút, nhưng là thú chơi của người Hà thành, vẫn còn giữ đến ngày nay.

(Nguồn: báo Lao động điện tử)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin