Nét văn hoá trong trang phục phụ nữ Thái Mường Lò

Dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 13 nghìn người, sinh sống rải rác khắp vùng lòng chảo Mường Lò. Đến Mường Lò chúng ta sẽ bắt gặp những cô gái Thái xúng xính trong bộ váy đen, áo cỏm, khăn piêu, đã tạo nên nét riêng của núi rừng Tây Bắc.

  04/09/2007 10:33

Khi nói đến trang phục phụ nữ Thái, người ta thường nhắc ngay tới chiếc áo cóm, là chiếc áo cánh ngắn tạo dáng ôm chặt lấy thân, khi mặc vạt áo cho vào trong cạp váy. áo cỏm của người Thái trắng thì cổ áo cao, còn của người Thái đen thì cổ áo thấp có hình chữ V. Phần cổ áo và tay áo được viền tinh tế bên trong, chỉ để lộ 1 đường nhỏ, tạo cho cổ áo đứng, ôm và cho tay áo có độ tròn tự nhiên. Phần nẹp áo được làm bằng vải sẫm màu tạo sự nổi bật. Trên phần nẹp áo được “đơm” những hàng cúc bạc, hình con bướm, con ve, con ong… Hàng cúc áo cũng thể hiện con người có nam có nữ nên cúc áo cũng phải có con đực con cái. Với phụ nữ đã có chồng thì số hàng cúc sẽ chẵn thể hiện rằng người mặc chiếc áo đã có đôi có cặp. Còn với những cô gái chưa chồng thì số hàng cúc sẽ lẻ có thể là 11,13... Điều đó cũng mách bảo rằng cô gái mặc chiếc áo đó chưa có chồng, đang tìm cho đủ đôi, đủ cặp. Phần nách áo sẽ cắt nối thêm một miếng vải nhỏ, gọi là “tó son”. Nhờ có phần “tó son” mà sẽ tạo được độ ôm cho phần ngực và phần eo, mở hết đường cong của người phụ nữ.

Người Thái cổ mặc áo màu đen bằng chất liệu vải bông nhuộm chàm, có khi bằng vải kẻ thổ cẩm tự tay dệt. Qua thời gian, phụ nữ dân tộc Thái đã làm những chiếc áo cỏm nhiều màu sắc hơn, nhưng vẫn đảm bảo cho chiếc áo được may đúng kiểu, khi mặc các gam màu đan xen làm rạng rỡ hơn khuôn mặt thanh khiết của những thiếu nữ miền sơn cước.

Váy trong tiếng Thái được gọi là Hua a xỉn làm bằng vải bông, được nhuộm chàm, nay thường được làm bằng vải nhung hay xa-tanh. Chiều dài của váy theo chiều cao của người mặc, khổ váy rộng từ 170cm đến 220cm. Cạp váy còn gọi là “tin xỉn” bằng vải kẻ thổ cẩm, mép dưới váy cũng được viền tinh tế bằng vải thổ cẩm đỏ, thể hiện đôi chân của người con gái Thái không sợ chông gai và sự đau đớn, chinh phục núi rừng bằng dòng máu đang chảy trong người của phụ nữ Thái.

Váy Thái cổ có phần cạp váy được làm bằng màu nhạt hơn phần thân váy, và có thêm phần lót bên trong váy gọi là “long xỉn”, phần lót này tạo sự kín đáo cho chiếc váy. Khi măc váy có thể gập 2 bên vào giữa hoặc có thể gấp về 1 bên làm cho váy có độ xoè, khi bước đi, lên cầu thang, lao động, hoặc múa được dễ dàng và cũng làm cho chiếc váy thêm phần xúng xính.

Phụ trang đi kèm không thể thiếu trong trang phục phụ nữ Thái đó là dây lưng, được làm bằng tơ, nhuộm màu xanh. Trong trang phục Thái cổ thì dây lưng được làm bằng thổ cẩm, khi dệt thì dệt tất cả hoa văn từ đời sống.

Xà tích cũng là một loại trang sức đi kèm với phần dây lưng. Người phụ nữ có chồng khi cuốn xà tích thì cuốn 1 nửa vòng thể hiện rằng mình chỉ còn 1 nửa, 1 nửa đã thuộc về chồng, con. Với người con gái chưa chồng thì cuốn xà tích cả vòng. Trên xà tích có 1 chùm chìa khoá thể hiện người phụ nữ “tay hòm chìa khoá” trong gia đình. Cách cuốn xà tích cũng thể hiện tính cách và thẩm mĩ của mỗi người, xà tích cuốn ngắn thể hiện nhàn hạ, xà tích cuốn sát cạp váy thể hiện tính cách khiêm tốn…

Khăn đội đầu của người Thái Mường Lò không phải là khăn piêu. Chỉ là khăn nhuộm chàm đen, được viền 2 đầu bằng chỉ màu tím, hồng, xanh… chiều dài của khăn từ 180 đến 200cm, rộng từ 32 đến 35 cm. Theo sự giao thoa văn hoá người phụ nữ Thái Mường Lò cũng đã tiếp thu và sử dụng khăn piêu trong các lễ hội. Còn trong trang phục hàng ngày người Thái Mường Lò dùng khăn vuông được dệt hình kẻ ô vuông nhiều màu sắc.

Một trong những nét độc đáo trong văn hoá mặc của người phụ nữ Thái đó là “tằng cẩu”. “Tằng cẩu” thể hiện người phụ nữ đã có chồng. Lễ “cản trọng” – lễ độn tóc cho người con gái sắp lấy chồng, được bắt đầu vào ngày giờ lành mà 2 bên gia đình đã chọn để “tằng cẩu” cho cô dâu. Người phụ nữ yêu chồng, chung thuỷ với chồng, con thì để “cản trọng” suốt đời.

Người Thái là một trong những dân tộc rất coi trọng hình thức, không kể trong lễ hội mà hằng ngày cũng cần mặc đẹp. Chính vì thế, khi còn trẻ, các cô gái Thái đã làm quen với sự tự chủ trong làm trang phục và mô hình truyền dạy cách dệt, may, thêu trang phục từ mẹ cho con gái. Mỗi bộ trang phục hay những tấm thổ cẩm được làm ra là tình cảm, là sự hào của mỗi cô gái Thái.

Giờ đây, việc bảo tồn và phát huy nét văn hoá độc đáo trang phục người Thái được đưa vào quy ước, hương ước của làng xã văn hoá, và đưa vào giáo dục trong trường học. Hàng năm thị xã Nghĩa Lộ tổ chức các hội thi, hội diễn trang phục các dân tộc; khuyến khích truyền dạy nghề dệt thổ cẩm; khôi phục và phát triển 3 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với phát triển du lịch văn hoá của địa phương.

Trang phục của người phụ nữ Thái nói riêng là giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc Thái. Không những nó thể hiện được yếu tố sử dụng mà còn thể hiện được các yếu tố văn hoá, thẩm mỹ, tín ngưỡng trong quan hệ cộng đồng mà hàng nghìn năm nay không thay đổi.

(Nguồn báo Yên Bái)


Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin