Nam nữ Hoa, được tự do yêu nhau và tiến tới hôn nhân, trong đó yếu tố gia đình cũng góp phần rất quan trọng (cưới vợ, gả chồng phải biết gốc gác). Cũng giống với người Việt, nghi thức cưới hỏi của người Hoa được tiến hành qua ba bước. Đó là lễ làm quen, lễ đính hôn và lễ cưới.Lễ làm quen được tiến hành khi hai bên gia đình hầu như đã đồng ý chuyện thành hôn của đôi trẻ. Nhà trai mang theo lễ vật gồm trà (4 hộp), trầu cau (12 trái) và tặng nhẫn cho cô dâu - hàm ý làm tin nhưng không phải là nhẫn cưới. Có khi nhà trai mang theo bánh trái, thực phẩm đến để gia đình nhà gái tổ chức nấu ăn cho thêm vui vẻ. Trong lễ làm quen, họ nhà trai xin phép ngày giờ tổ chức lễ hỏi. Nhà gái cũng thông báo cần phải có mấy chục hay mấy trăm ký lô gam kẹo thèo lèo cho bà con thân tộc ăn lấy thảo. Nhà trai sẽ chuẩn bị và đáp ứng yêu cầu vào ngày tổ chức lễ hỏi. Gần đây thì kẹo thèo lèo truyền thống không còn quan trọng nữa, nhà trai chỉ mang đến chút ít tượng trưng cùng với bánh kẹo, trái cây trong ngày lễ hỏi.
Lễ hỏi, cũng coi như là lễ đính hôn, khi đoàn người của đàng trai đến thì không có chú rể đi cùng. Một số người ở Cà Mau nhận thấy trong buổi lễ quan trọng này mà lại thiếu nhân vật trung tâm (chú rể), chỉ có một mình cô dâu thì đơn điệu và lạnh lẽo nên đề xuất phải có sự hiện diện của chú rể. Ý kiến trên được nhiều người ủng hộ nên gần đây ở Cà Mau trong lễ đính hôn đã có mặt chú rể bên cạnh cô dâu như trong lễ hỏi của người Việt. Trong nghi lễ đính hôn nhà trai bắt buộc phải mang đến bốn mâm lễ vật gồm: trầu cau, rượu, trà, đùi heo cùng bánh trái. Các mâm khác nữa thì tùy đàng trai nhưng phải là số chẵn, số lượng mâm càng nhiều thể hiện sự khá giả của nhà trai. Thường thường là 8- 10-12 mâm. Riêng mâm quần áo cho cô dâu thì không tính vào trong số đó. Còn nữ trang cho cô dâu thì tùy thuộc vào khả năng kinh tế của nhà trai, nhưng đôi bông tai bắt buộc phải có và mẹ chồng là người trực tiếp đeo vào tai cho cô dâu .
Trong lễ này, đàng trai còn mang đến trao cho đàng gái số tiền “nợ”. Số tiền này luôn là bốn con số bốn như : 4.444.000 đồng hay 44.440.000 đồng. Thường thì đàng gái lấy hai con số giữa (như lấy 440.000 đồng hay 4.400.000 đồng ) còn thì hoàn lại cho đàng nhà trai (lúc trả lễ cũng công khai ngay sau đó), chưa bao giờ có trường hợp nhà gái lấy nhiều hơn hai con số giữa, vì người Hoa quan niệm con số 44 là con số đẹp, là sự vuông tròn, bền vững và việc trả lại con số 4 đầu và số 4 cuối là có “tiền”, có “hậu”.
Trước lễ cưới khoảng 10 ngày, đàng gái cử người qua nhà trai cung cấp danh sách tên, thứ tự vai vế của các vị lớn tuổi trong gia tộc để bên đàng trai biết, tiện việc xưng hô, giao tiếp và những vấn đề liên quan đến nghi lễ. Trước lễ cưới một ngày, chú rể mang liễn đến dán ở cửa nhà cô dâu. Khi dán xong thì về, gặp bậc cha chú chỉ cúi đầu chào, tuyệt đối không được nói gì. Tuy nhiên thời gian gần đây tục lệ này cũng không còn khắt khe như nguyên thủy. Liễn dán này gồm một tấm ngang (dán trên cửa nhà), viết chữ Hán, nội dung (ví dụ) như: Loan Phụng Hòa Minh, Thiên Trác Tri Hiệp (ý nghĩa: Nam nữ được Trời ban duyên, sắp đặt, đẹp đôi). Hai tấm dán cột đối xứng có nội dung, ví dụ như: “Vĩnh kết đồng tâm sơn hải cố” và Bách niên hảo hiệp sắc như cầm”... Tại nhà chú rể cũng dán ba tấm liễn tương tự, nhưng nội dung có khác.
Khi rước dâu, đến nhà gái thì chú rể và ông mai vào trước. Tới cổng, một bé trai (hoặc gái) là em hoặc cháu cô dâu, bưng mâm có hai ly nước trà mời chú rể. Chú rể uống nước, cám ơn và trao tiền lì xì (thường đã chuẩn bị sẵn trong bao giấy màu đỏ). Mâm lễ cưới nhà trai mang đến cũng tương tự như kỳ lễ hỏi nhưng khác ở mâm thịt đùi heo. Lễ hỏi thì luôn luôn là đùi heo trước nhưng lễ cưới phải là đùi heo sau. Mà đùi phải còn dính liền đuôi heo. Đuôi phải còn một túm lông ở chót đuôi. Vì người Hoa quan niệm phải có tiền có hậu. Người nhà trai cũng mang theo một bao thơ đựng tiền trao tận tay cho mẹ cô dâu với hàm ý biết ơn và trả công sinh đẻ, công giặt tã lót vì vậy mà có kèm theo một tấm vải may quần tặng cho bà mẹ. Nhà gái cũng đáp từ, gởi gắm đôi lời mong cha mẹ đàng trai, thương yêu, bảo ban cô dâu còn trẻ người, non dạ.
Khi cô dâu chú rể về tới cổng nhà trai thì cũng có một em nhỏ ăn mặc chỉnh tề bưng nước mời, hàm ý chúc mừng hạnh phúc. Cô dâu cũng tươi cười nâng ly, cảm ơn rồi lấy tiền ra “lì xì”, nếu chưa có sự chuẩn bị thì chú rể có thể làm thay cô dâu. Các nghi thức tiếp theo thì ngày nay nói chung cũng giống như trong lễ cưới của người Việt. Chú rể và cô dâu cũng có thể mặc côm-lê, váy cưới Tây hoặc trang phục truyền thống. Riêng trong buổi lễ đính hôn, cô dâu duyên dáng trong bộ áo dài Thượng Hải truyền thống- đây là nghi thức bắt buộc.
Nhìn chung, trong nghi thức cưới hỏi cũng như nghi lễ tôn giáo, tâm linh, trong buôn bán, hoạt động xã hội... người Hoa luôn luôn có quan niệm, phải coi trọng và giữ gìn chữ tín, làm việc gì thì cũng phải có hậu- như một luân lý đạo đức - để lại phúc đức cho đời sau.
(Nguồn Báo Cần Thơ)