Nhớ bánh Tết - nhớ quê
Với người Việt, Tết cổ truyền vô cùng thiêng liêng, khởi đầu cho năm mới sung túc, thuận hòa. Vì thế, ngoài các phong tục tập quán được gìn giữ từ bao đời thì mâm cỗ Tết đầy đủ các món bánh truyền thống để cảm tạ tổ tiên rất quan trọng. Đây chính là nơi ẩn chứa những giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc vùng miền.
Đối với người Bắc, bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Từ bao đời nay, trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Bánh chưng hình vuông tượng trưng trái đất, là thức ăn trang trọng để cúng bái tổ tiên. Lúa nếp tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước. Thịt lợn, đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Lá dong vừa xanh vừa đẹp… Tất cả hòa quyện thành món bánh chưng mềm dẻo, thịt, gạo, đậu… chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo. Ngày nay, ngoài cách làm truyền thống, nhiều người còn sáng tạo nên món bánh chưng gấc đỏ thắm với ý nghĩa cầu mong mọi điều may mắn trong năm mới.
Đặc biệt, người Hà thành vẫn còn lưu giữ các loại bánh cổ truyền nhỏ xinh để dành mời khách ngày đầu năm như lời chúc sức khỏe, thịnh vượng. Theo các bậc cao niên, ngày xưa ở Hà Nội, giỗ Tết thường có hai loại cỗ là cỗ mặn và cỗ đường. Trong đó, cỗ đường có từ 4 - 6 món mang nét đặc trưng của từng địa phương mà nổi bật nhất là bánh mảnh cộng, bánh gấc.
Bánh mảnh cộng làm từ loại dây leo mọc bên hàng rào. Người thợ xay lá rồi trộn với bột nếp, nhân đậu xanh, dừa sợi và đường trắng, gói trong lá chuối và mang hấp. Chiếc bánh màu xanh ngọc, thơm mùi lá, mùi nếp hòa lẫn vị ngọt của nhân nên khi thưởng thức, ta thấy cả hương vị mát lành của thiên nhiên tan trên đầu lưỡi. Bánh gấc lại mang đến vị béo ngậy, bổ dưỡng. Miếng bánh là sự kết hợp hài hòa của nếp cái hoa vàng dẻo thơm, dậy hương gấc và ngọt bùi nhân đậu xanh… rất lạ mà không hề ngán.
Về miền Trung, bên cạnh món bánh chưng, bánh tét cổ truyền, các bà các chị khéo tay còn làm thêm các món bánh nhỏ xinh để dành mời khách. Bánh thuẫn hơi giống bánh bông lan của miền Nam nhưng bùi, ngọt và mịn hơn vì được làm từ bột củ bình tinh trắng như sữa. Bánh ngũ sắc của người Huế xưa thường dùng cúng bái trong cung đình. Bánh làm từ những nguyên liệu tốt nhất: nếp, đậu xanh, hạt sen trần, bí đao, cà rốt... Muốn có mẻ bánh giòn tan, phải sấy khô cẩn thận bằng than củi suốt 12 tiếng.
Nơi phương Nam nắng ấm, bánh tét là hiện thân cho phong vị ngày xuân, mà bất cứ ai đi xa cũng lưu luyến nhớ về. Tuy nguyên liệu chính giống như bánh chưng: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… nhưng bánh tét được gói bằng lá chuối, hình đòn dài, ăn đến đâu “tét” đến đó rất tiện lợi. Nhân bánh cũng thể hiện sự hào sảng của vùng đất phong phú sản vật với rất nhiều loại: mặn, ngọt, chuối sứ, thập cẩm trứng muối, tôm khô… Phần nếp nhiều khi được xào nước cốt dừa, trộn thêm đậu trắng, hoặc ngâm trong lá dứa, lá cẩm để cho ra màu xanh, tím rất đẹp.
Ngày xuân, miền Tây sông nước còn làm thêm món bánh phồng cá dãnh giòn tan, béo ngậy để mọi thành viên đổi khẩu vị sau khi đã ngán nếp. Những con cá dãnh tròn mẩy, tươi roi rói quết nhuyễn cùng lòng trắng trứng vịt, bột mì và các loại gia vị dậy mùi thơm nước. Miếng bánh phồng mang ra mời khách có màu vàng đậm, vừa giòn vừa béo thơm mùi hải sản là món ăn chơi không thể thiếu trong ba ngày Tết.
Năm mới sắp cận kề, những bếp lửa ấm cúng chào xuân trên khắp ba miền lại rộn ràng chuẩn bị cho ra đời những món bánh cổ truyền, thấm đẫm tình yêu thương gia đình. Tất cả thành viên nhộn nhịp chuẩn bị lá, đậu, gạo, thịt để gói bánh chưng, bánh tét. Cái giá lạnh của đêm đông đã tan biến bên ánh lửa bập bùng và mùi thơm của bánh vừa chín tới. Nhờ vậy, không khí đón Tết của người Việt thêm phần ý nghĩa, đi vào sâu thẳm trái tim của mỗi người như một tình cảm thiêng liêng không thể xóa nhòa dù cho muôn vàn biến đổi.