Tết giã rạ của người Kor
Tết giã rạ (Người Kor gọi là Xa-a-ní; có nơi gọi là Xa-viết) ngày xưa của người Kor gắn với nhà sàn dài, gọi là Nóc. Mỗi nóc thường có nhiều hộ gia đình cùng huyết thống sinh sống. Nhà nào, nóc nào có điều kiện và có khả năng thì tổ chức ăn Tết theo khả năng và theo thời điểm thích hợp. Tuy diễn ra không đồng loạt, nhưng Tết giã rạ thường được tổ chức trong khoản thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, khi công việc nương rẫy đã vơi, lúa, bắp đã về kho, hơn nữa thời điểm này trong năm đang là cao điểm của mùa mưa, lạnh, nên còn rảnh rỗi. Tết giã rạ người Kor thường có cơm nếp nướng trong ống nứa (Alóp) - một hình thức giống cơm lam của các dân tộc phía Bắc; bánh lá Dong và đặc biệt là không thể thiếu bánh lá Đoót. Tất cả các loại bánh này đều được làm bằng lúa nếp rẫy.
Bánh lá Đoót (người Kor gọi là La-a-róc), hình dạng như chiếc bánh ú của người Kinh, nhưng hơi dẹt. Để làm bánh lá Đoót, người Kor dùng loại lúa nếp trồng được trên rẫy, giã thật sạch vỏ trấu và lớp lụa cho đến trắng tinh, đem ngâm nước vài tiếng đồng hồ, vo sạch, sau đó vớt ra để ráo nước. Dùng lá Đoót quấn chéo hình tam giác, gói nếp trắng vừa được chuẩn bị vào bên trong và cuốn lại, dùng dây là một loại lá rừng (đồng bào gọi là Xa-đur) để buộc bánh. Thường thì 1kg nếp gói được khoảng 25 bánh lá Đoót. Đối với bánh lá Dong cũng được làm bằng nếp và cách thức chuẩn bị nếp trước khi gói bánh cũng tiến hành như cách làm bánh lá Đoót, nhưng được gói bằng lá Dong. Bánh lá Dong to hơn bánh lá Đoót và được tạo dáng như hình hộp chữ nhật.
Gói bánh là công việc của người phụ nữ. Những ngày chuẩn bị ăn Tết giã rạ, các bà, các mẹ thường bận rộn, nên các em gái Kor cũng tham gia gói bánh, vừa đỡ đần một phần công việc, vừa được các bà, các mẹ hướng dẫn cách làm bánh truyền thống của dân tộc mình. Ngày xưa, biết làm bánh lá Đoót, lá Dong đẹp, ngon cũng là một nét đẹp nữ tính không thể thiếu của người phụ nữ Kor. Trong khi các bà, các chị làm bánh, những người đàn ông chuẩn bị củi to chất sẵn vào bếp và tranh thủ vào rừng đặt bẫy, kiếm thêm con man, con heo rừng để cái Tết thêm phần thịnh soạn, thêm vui.
Sau khi bánh được gói xong, cả bánh lá Đoót, lá Dong cùng được đặt chung vào nồi bảy hoặc nồi bung (loại nồi đồng to ngày xưa, rất có giá trị), đổ nước ngập bánh và đặt lên bếp giữa nhà để nấu. Thường thì công việc nấu bánh bắt đầu từ khi trời nhá nhem tối và kéo dài cho tới nửa đêm. Bên bếp lửa bập bùng, mọi người trong nhà, trong nóc quây quần bên nồi bánh Tết, nói về săn bắn con thú rừng, công việc của mùa rẫy đã qua, bàn tính chuyện làm cái rẫy mới cho nhiều lúa, cho cái miệng luôn có cái ăn và cái bụng người Kor không bị đói. Vui và hạnh phúc nhất là các em nhỏ, đôi mắt cứ tròn xoe, xúm xít, thức canh bánh chín và được người lớn truyền đạt kinh nghiệm làm bẫy bắt con thú rừng, làm cái rẫy… Cứ như thế, câu chuyện bên nồi bánh Tết như ngọn lửa hồng bập bùng, không bao giờ tắt. Càng về khuya, không gian lắng đọng, vọng rõ tiếng gáy gà rừng từ núi cao, cũng là lúc nước trong nồi đã cạn, bánh vừa chín tới. Bánh được vớt ra khỏi nồi, để nguội, người chủ gia đình lựa những bánh đẹp và ngon nhất đặt lên chỗ trang trọng trong nhà. Cùng với bánh lá Đoót, bánh lá Dong là con gà, nhà khá giả có thêm con heo và đôi khi có con thú rừng vừa săn được, tất cả dâng lên cúng "Thần lúa", mời "Thần lúa" về ăn, phù hộ cho cái chân, cái tay người Kor được khỏe để bắt con thú rừng, phát nhiều cái rẫy mới, cái rẫy sẽ cho nhiều lúa, nhiều nếp, người Kor lại sẽ mời "Thần lúa" về ăn Tết vào mùa rẫy sau. Cúng "Thần lúa" xong, chủ nhà mời tất cả bà con trong làng đến nhà, mọi người cùng nhau ăn Tết vui vẻ.
Tết giã rạ của người Kor với bánh lá Đoót, lá Dong tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc. Như mạch nguồn của dòng suối mát trong, như hơi thở của đại ngàn vọng lại, tâm hồn và tính cách của người Kor bao đời nay vẫn vậy - sống gắn kết trong cộng đồng, hoà mình với thiên nhiên, hồn hậu, sắt son và chung thuỷ với truyền thống quê hương mình.
Gợi ý 11+ những điểm du xuân ở Hà Nội, miền Bắc Việt Nam
Khác biệt món Tết 3 miền
Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài
Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...
'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý
Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...
Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên
Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...
Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...
Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan
Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...
Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì
Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...