Tết Nguyên đán: Những giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại

Nhân gian có câu: “Vui như tết”. Tết nào mà chẳng là những ngày vui. Một năm của người Việt ta có nhiều cái tết: Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Tây (Tết Dương lịch)… Trong những ngày vui ấy, tạm gác lại những âu lo mưu sinh, những bộn bề đời sống, người ta mở lòng ra mà hoan hỉ với vạn vật thiên nhiên, hoà ái và yêu thương nhau hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn.

  04/02/2008 15:31
Tết Nguyên đán là tết quan trọng hơn cả. Đó là cái tết cổ truyền dân tộc có từ hàng nghìn năm nay, mang đậm phong cách Á Đông.

Mọi sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính truyền thống đều có hai phần: lễ và hội. Với Tết Nguyên đán, có thể rất nhiều ý kiến cho rằng phần hội là chính vì xưa nay vẫn gọi là “ăn Tết”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hoá truyền thống, trong dịp tết Nguyên đán phần lễ được chú trọng và thực hiện nhiều hơn. Dù có thể đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó, nhưng tháng Chạp bao giờ cũng là khoảng thời gian nước rút. Việc đầu tiên và hệ trọng bậc nhất là phải lo thăm viếng, chỉnh trang, tôn tạo lại phần mộ tổ tiên, ông bà để tỏ lòng hiếu đễ, tiếc thương đối với người đã khuất. Rồi trong mâm cơm tất niên chiều ba mươi, bao nhiêu nhang đèn, hoa trái cùng những món ăn ngày xuân cùng với lòng thành người ta kính dâng, bái vọng tổ tiên, tri ân một năm đã qua và cầu mong cho một năm sắp đến được an khang, thịnh vượng.

Trong đêm trừ tịch, bàn thờ luôn rực sáng hoa đèn. Đúng giao thừa, mọi người trong nhà thắp hương dâng lên bàn thờ mừng tuổi tổ tiên ông bà và cầu mong được phù trợ một năm mới nhiều may mắn và nhiều sức khoẻ. Còn ba ngày tết, lễ gì? Đấy là dịp để người ta thể hiện lòng biết ơn với ông bà cha mẹ, với thầy cô giáo và cũng là dịp người ta tỏ rõ tình cảm hữu hảo của mình với bạn bè, láng giếng,… “Mồng một tết cha/ Mồng hai tết mẹ/Mồng ba tết thầy”. Trong ngày vui, người đầu tiên mà chúng ta nhớ về phải là người đã sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ cho ta nên người. Đấy là nghĩa ân trời biển, dẫu biết bao nhiêu cũng trả không vừa nhưng đơn giản chỉ là một bó hoa tươi thắm, một gói quà nhỏ, một cánh thiệp chúc xuân,… một câu thăm hỏi ân cần, một lời chúc tết giản dị mà ý nghĩa cùng với một tấm lòng chân thành cũng làm ấm lòng người được viếng thăm. Những việc làm ấy là lễ nghĩa, là cách đối nhân xử thế đúng đắn và văn hoá của những người có nhân cách. Thiết nghĩ, trong thời gian gần đây, khi mà báo chí đang báo động về những hiện tượng thoái hoá đạo đức và nhân cách như cô giáo hành hung và xúc phạm học trò; học trò đánh thầy giáo, mẹ đánh chết con ruột, cháu nội hành hạ bà nội cho đến chết thì những giá trị văn hoá truyền thống vô cùng cao đẹp trong ngày Tết Nguyên đán cũng cần được khơi gợi lại và đề cao giá trị của nó như một cách thanh lọc xã hội.

Vậy so với những hình thức sinh hoạt và cả giá trị tinh thần giữa tết xưa và tết nay, người ta còn giữ được những gì? Nhiều, nhiều lắm. Có chăng thì những hình thức sinh hoạt có ít nhiều thay đổi cho phù hợp với thời đại. Ví dụ những trò chơi truyền thống như đánh đu, ném còn,… trong mùa du xuân đã dần dần mai một mà thay vào đó là những trò chơi hiện đại, những tour du lịch về với thiên nhiên, thăm thú thắng cảnh, thăm di tích lịch sử và văn hoá,… Rồi ngay cả món ăn ngày tết, mấy ngàn năm rồi có thay đổi gì đâu, cũng thịt mỡ bánh chưng, bánh tét, dưa hành, các loại mứt, có điều bây giờ đang là thời hội nhập kinh tế nên trong mâm quả ngày tết còn có thêm nhiều thức ngoại, trái cây ngoại nhập, thì thêm phong phú, “bắt mắt, ngon miệng”.Phong tục tốt đẹp nào muốn được bảo tồn cũng phải có không gian thích ứng và phù hợp. Bước vào ngôi nhà ở quê, nếu là nhà truyền thống bạn sẽ bắt gặp ngay giữa nhà là bàn thờ tổ tiên, còn ở phố, nếu nhà tầng, nhà hộp, không gian thờ cúng được dời lên mãi tầng trên, bước vào nhà là phòng khách thì cũng khó cho vị khách nào có lòng muốn thực hiện lễ nghi phép tắc ngày xuân.

Nói thì nói vậy nhưng giữ cho được ý nghĩa ngày tết cổ truyền của dân tộc là đã giữ gìn được một phần văn hoá Việt. Đó cũng là hồn Việt, nhân cách Việt.
(Nguồn Ninhthuanpt)
Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin