Trò diên cướp cầu xưa ở Động Phí - Hà Tây

Cướp cầu là một trò chơi dân gian phổ biến ở một số nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, trong đó phải kể đến làng Động Phí, tỉnh Hà Tây.

  09/03/2007 17:11

Theo các cụ cao niên trong làng Động Phí, xã Phương Tú (Ứng Hòa), tỉnh Hà Tây kể lại, vào những năm khô hạn, làng thường tổ chức lễ hội Đảo Vũ vào dịp tháng giêng, tháng hai để cầu mưa. Trong lễ Đảo Vũ có trò diễn cướp cầu, đây là trò diễn mang ý nghĩa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước (tín ngưỡng phồn thực), góp phần bổ sung cho tính chất linh thiêng của phần lễ.
Trước khi tổ chức lễ cầu mưa và trò diễn cướp cầu, người trong làng thường tổ chức một đám rước kiệu thánh đến miếu Cò (hay còn gọi là quán Cò). Miếu Cò là nơi thờ hai anh em Bạch Tượng, Bạch Địa và một vị nữa là Đô Đài. Đây là ba tướng của Đinh Bộ Lĩnh, có công lớn trong việc dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ thứ X, được dân làng nơi đây phụng thờ. Dân làng  tin tưởng vào sự linh thiêng của các vị thánh vì vậy, kiệu được đặt trước miếu khoảng một tuần lễ sau đó mới rước về đình Đụn. Đình Đụn là ngôi đình lớn, đẹp gồm 15 gian xếp dọc theo hình chữ Nhất. Đây chính là nơi sẽ diễn ra lễ tế Đảo Vũ do các vị trưởng lão trong làng thực hiện.
Diễn ra đồng thời với lễ tế, bên ngoài làng, trò diễn cướp cầu cũng sẵn sàng bắt đầu. Trò diễn cướp cầu khá đơn giản. Trước tiên, người ta chọn và chia phần sân cho hai đội. Sân cướp cầu là một khoảng đất rộng ngoài đình, được chia làm hai phần bằng nhau, ở giữa có chia vạch. Giữa ba điểm cuối, đầu và giữa sân được đào ba lỗ cầu. Quả cầu được làm bằng củ chuối hột, gọt tròn (lớn gần bằng chiếc nồi) được sơn màu đỏ. Quân tham gia cướp cầu phải là nam giới, được chia làm hai đội. Đội thứ nhất gọi là quân chạy gậy, đội thứ hai là quân cướp cầu (tất cả đều cởi trần, đóng khố), được chia đều cho mỗi bên.  Hai phía sân trong, sân ngoài gọi là quân tổng thượng và tổng hạ.
Tổng thượng cử một cụ cao niên có uy tín mặc trang phục màu đỏ (bao gồm khăn và đai lưng) tay cầm cờ đỏ làm hiệu lệnh để phất cờ chỉ huy quân đem cầu về bỏ vào hố của đội mình. Tổng hạ cũng cử một bô lão uy tín với sắc phục và cờ màu xanh để chỉ huy quân. Đứng cạnh hai cụ là người đánh trống, chiêng đồng làm hiệu lệnh thúc giục. Vào trận, khi có hiệu lệnh của chủ đám, quân chạy gậy lấy quả cầu lên khỏi hố giữa và rút gậy chạy ra ngoài. Liền đó, quân cướp cầu của hai bên sẽ xông tới theo hiệu lệnh trống, chiêng và hướng cờ chỉ của người chỉ huy để giành, cướp quả cầu rồi đem về hố phía bên mình. Quả cầu bằng củ chuối vừa tròn lại dính nước cộng với nhựa rỉ ra, gây trơn rất khó cầm. Vì vậy, việc tranh cướp cầu càng trở nên quyết liệt hơn, mỗi lần thắng được gọi là một keo. Một ngày hai bên phải tranh cướp cầu ba keo, bên nào thắng hai keo trong một ngày là thắng cuộc.
Trò cướp cầu diễn ra liên tiếp trong ba ngày với 9 keo. Vào cuối ngày thứ ba, Ban Tổ chức sẽ công bố kết quả thắng – thua. Tiếp theo đó, quân chạy gậy sẽ mang quả cầu từ hố bên thắng lên mặt đất và lăn cầu vài vòng quanh bãi đất rồi thả xuống giếng đình. Quả cầu bằng củ chuối nổi trên mặt nước, nếu trời mưa thì vớt lên bỏ đi.
Theo quan niệm của người dân làng Động Phí, trong ba ngày diễn ra hội cướp cầu, tiếng trống, chiêng cộng với tiếng reo hò của dân làng đã xua đi cái nắng nóng của mặt trời và gọi mưa về tưới mát đồng ruộng, mùa màng tốt tươi. Nếu trời đổ mưa ngay, người dân Động Phí tin rằng Thành hoàng làng linh ứng đã phù trợ cho họ. Vì vậy, họ phải làm lễ tạ ơn Thánh ngay sau đó.
Bản tin số 10/2006

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin