Tục nhuộm răng đen của người Việt

Ở Việt Nam, tục nhuộm răng đen không chỉ có ở người Việt mà còn có ở nhiều dân tộc khác như Thái, Sila, Dao… Và cũng không chỉ riêng Việt Nam, ở Campuchia (Cao Miên xưa), người Mã Lay (Nam đảo), An Độ, Nhật Bản, Nam Trung Hoa cũng có tục này.

  09/03/2007 17:05

Nguồn gốc của Tục nhuộm răng
Lịch sử của tục nhuộm răng ở Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Theo truyện cổ tích nước ta ghi nhận vào thời nhà Chu, ở Việt Nam đã xuất hiện tục nhuộm răng, theo đó "Người Việt có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen..." và có liên quan đến hai tục khác là ăn trầu và xâm mình. Tuy nhiên, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư lại không ghi nhận điều này, mặc dù có đề cập đến tục xâm mình.
Trong Lịch sử Việt Nam (Tập I, NXB KHXH, 1971, trang 48) có ghi: "thời Hùng Vương… người ta nhuộm răng, ăn trầu".
Vào thế kỷ XVIII (1789), trong bài Hịch của Vua Quang Trung có một đoạn nói về tục nhuộm răng như sau:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Như vậy, có thể tạm xác định tục nhuộm răng đen đã ra đời từ rất lâu, có thể có từ thời Văn Lang. Trong đó, thông tin đáng tin cậy nhất là khoảng trước thế kỷ XVIII đã có tục này.

Ý nghĩa của việc nhuộm răng
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Trong văn chương, tục nhuộm răng và răng đen của người phụ nữ được ca ngợi tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu được.
"Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?" (Ca dao)
Hay:
"Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen" (Ca dao)
Và:
"Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen" (Ca dao)
Trong bài thơ "Bên kia sông Đuống" Hoàng Cầm:
"...Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng..."
Bên cạnh đó là ý thức dân tộc trong việc phân biệt hai nền Văn hóa phương Nam (Việt Nam) và phương Bắc (Trung Quốc). Bài Hịch của Quang Trung là một dẫn chứng về điều này, đã là người dân Việt thì dù nam hay nữ từ 16 đến 17 tuổi đều phải nhuộm răng đen. Người nào để răng trắng thì bị khinh rẻ, miệt thị vì cho là người bất chính mà trong dân gian thường dùng câu: “Răng trắng như răng chó”, “Răng trắng như răng ngô”.
Việc nhuộm răng đen đã trở thành luật, phổ biến trong dân chúng, trừ những đức trẻ còn răng sửa, ngoài ra đều phải nhuộm đen, không ai có thể cưỡng lại qui luật trên. Nếu phạm luật sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Nếu chỉ dựa trên quan điểm thẩm mỹ thì mang tính cá nhân nhưng khi đã thành luật thì nó mang một ý nghĩa khác, mang tính quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh này, chinh chiến luôn diễn ra triền miên giữa nước ta và chính quyền phong kiến phương Bắc, vì vậy, chỉ có một cách hiểu đúng là ý thức phân biệt văn hóa hai miền Nam - Bắc và chống đồng hoá.

Kỹ thuật nhuộm răng
Người Việt chỉ nhuộm răng khi đã thay răng sửa hoàn toàn, vì đây là thời điểm răng còn non, dễ thấm thuốc vào men răng. Thuốc dùng để nhuộm bao gồm các thành phần chủ yếu như: Bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen, nhựa gáo dừa.
Nhuộm răng trước hết phải vệ sinh răng sạch, sáng bóng. Ba ngày trước khi nhuộm phải đánh, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn muối. Một ngày trước khi nhuộm phải ngậm chanh, súc miệng bằng rượu trắng, để men răng “mềm”. Thời gian này là một thử thách lớn vì nước cốt chanh sẽ làm sưng hết các bộ phận của miệng và răng. Thuốc nhuộm được pha từ bột cánh kiến và nước cốt chanh tạo thành một hỗn hợp sệt, sau đó trét (trát) lên lá dừa hoặc cau rồi áp lên răng. Công đoạn này thường được thực hiện sau buổi cơm chiều, nửa đêm sẽ được thay bằng một miếng khác, tương tự. Hôm sau người “thầy” nhuộm sẽ gở miếng nhựa sơn ra, người nhuộm phải súc sạch miệng bằng nước mắm hoặc nước dưa chua. Trong khi đắp sơn tuyệt đối không được mở miệng, tuần tự việc thay lớp thuốc nhuộm diễn ra 2 lần trong ngày, kéo dài trong 7 ngày liên tục. Trong những ngày này, người được nhuộm chỉ nuốt trọng (trửng) thức ăn. 
Khi răng có màu đỏ giống màu cánh kiến thì được bôi một hỗn hợp dung dịch khác bao gồm: phèn đen và nhựa cánh kiến, được phết trong vòng 2 ngày. Cuối cùng là cố định răng bằng nhựa gáo dừa, tác dụng của loại nhựa này nhằm tạo lớp men phủ trên thân răng. Kết quả của quá trình công phu này là một hàng răng đen đều như những hạt mãng cầu (na) hay còn gọi là răng hạt huyền. Để giữ răng luôn đen bóng, hàng năm phải phủ lên lớp như gáo dừa này.
Vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân phương Tây đến nước ta, trào lưu nhuộm răng đen ngày càng giảm và mất đi. Ngày nay, hiếm gặp những thiếu nữ răng đen trên đường phố, có chăng là những cụ già ở vùng Bắc Bộ.
Tục nhuộm răng, ăn trầu là những phong tục truyền thống của nước ta, mặc dù hiện nay không còn tồn tại nhưng tục nhuộm răng là một trong những giá trị văn hóa dân tộc cần được trân trọng và lưu giữ. 

Bản tin Người du lịch Vietravel, số 08 / 2006

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác

Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài

Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...

  19/06/2020 16:31

'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý

Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...

  04/06/2020 17:31

Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...

  04/06/2020 17:03

Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...

  30/05/2020 18:23

Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan

Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...

  29/05/2020 17:47

Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì

Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...

  27/05/2020 20:03
pin