Zù xu - Lễ cúng họ của người Mông Si Suối Giàng
Trong các sinh hoạt tín ngưỡng của người Mông Si ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), lễ cúng họ Zù xu thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống.
Lễ Zù xu được tổ chức thường xuyên hàng năm, tùy thuộc vào mỗi dòng họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Hiện ở Suối Giàng, dòng họ Giàng, Sùng tổ chức lễ cúng vào ngày 17 hoặc 19 tháng 9 âm lịch; dòng họ Vàng, Trang tổ chức vào ngày 27 tháng 7 âm lịch... Địa điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, ở đây mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác. Theo quan niệm của người Mông nơi đây, việc tổ chức lễ cúng Zù xu luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, thần linh thông qua việc trang trải và chi phí mọi lễ vật dâng cúng. Đến lượt nhà nào được vinh dự tổ chức nghi lễ cho cả dòng họ thì gia đình đó phải tự lo liệu toàn bộ mọi chi phí của buổi lễ từ vật, đồ dâng cúng và thực phẩm thết đãi cả dòng họ trong ngày hôm đó.
Lễ vật chính trong lễ Zù xu là thịt lợn. Gia đình tổ chức lễ cúng chuẩn bị thực phẩm và lễ vật dâng cúng từ trước, gia chủ cũng sẽ phải chuẩn bị một con lợn từ 50 - 70 kg gọi là lợn Zù xu để tổ chức nghi lễ cúng. Ngoài việc dùng làm lễ vật, lợn Zù xu còn dùng làm thực phẩm trong ngày lễ, một phần trả công cho thầy cúng và những người giúp việc. Mọi việc như mổ lợn cúng, trang trí nhà cửa, bài trí bàn thờ... được tiến hành từ hôm trước bởi trong ngày lễ chính thức, theo truyền thống đồng bào Mông nơi đây kiêng máu và mọi việc liên quan tới tiết động vật. Mặt khác, Zù xu là ngày lễ cầu sự may mắn, cầu cho tai qua nạn khỏi, vì vậy nếu nhìn thấy máu, đồng bào cho rằng những điều xấu xa, không may mắn vẫn còn quanh quẩn làm hại anh em trong dòng họ.
Lễ cúng Zù xu chính thức được tổ chức vào buổi sáng, kéo dài và kết thúc vào buổi trưa. Vào ngày lễ, mọi gia đình đều tập trung tại nhà gia chủ. Khi đi, mỗi gia đình chỉ mang theo 1 chai rượu góp vào lễ vật dâng cúng và từ hôm trước, mỗi gia đình vào rừng chọn và chặt 3 cành cây chè vè (lấy phần ngọn dài 40cm), đồng thời dùng 3 loại chỉ đen - trắng - đỏ buộc vào ngọn cây chè vè mang tới nhà gia đình chủ lễ. Theo người dân nơi đây cho biết, cây chè vè dùng để xua đuổi tà ma và để đón những điều may mắn, tốt đẹp.
Trong ngày lễ, để trang hoàng cho lễ cúng, gia chủ vào rừng chặt một cây Zàng cao 1,5 - 2m, lấy phần ngọn mang về, chôn chính giữa ngôi nhà và mọi cành chè vè đủ 3 màu chỉ của các gia đình trong dòng họ đều được treo lên trên thân cây Zàng. Đồng bào quan niệm, cây Zàng cùng với cây chè vè có tác dụng trừ ma, do vậy các gia đình đều buộc chung các cành chè vè cùng cây Zàng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp xua tan mọi điều xấu xa.
Lễ cúng chính thức được tổ chức tại hai nơi. Đầu tiên, thầy cúng với trang phục truyền thống cầm hương cúng khấn trước cây Zàng đại ý cầu xin thần linh phù hộ cho dòng họ một năm được mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tránh được tai ương... Lễ cúng tiếp theo được tiến hành sau khi kết thúc lễ cúng ở trong nhà, thầy cúng nhổ cây Zàng mang ra cửa chính, đi vòng ra phía sau nhà theo hướng tay phải, làm nghi thức xua đuổi tà ma cho cả dòng họ. Tất cả anh em, con cháu đều đi theo sau thầy cúng ra phía sau nhà. Thầy cúng phụ mang theo một con dao và một cây nỏ, tất cả các dụng cụ sử dụng trong lễ cúng đều dùng cho nghi thức đuổi ma trừ tà. Cây Zàng sau đó lại được chôn vào chính giữa ngôi nhà, thầy cúng tiếp tục cúng trong khoảng 30 phút với cùng nội dung như lần trước, cầu xin thần linh bảo vệ cho dòng họ thoát hẳn khỏi sự quấy phá của ma tà.
Kết thúc lễ cúng, thầy cúng dùng con dao chặt đôi bó chè vè và cho anh em, con cháu mang đi vứt thật xa ngôi nhà của gia chủ với quan niệm vứt bỏ đi những điều không may mắn. Do vậy, người dân tin rằng, ai càng đi xa thì người đó và gia đình của họ sẽ càng may mắn hơn. Cùng đó, thầy cúng phụ dùng cây nỏ bắn lên trời 3 mũi tên để xua đuổi tà ma về làm hại các gia đình cho dù ở dưới đất hay trên không trung.
Zù xu là một nghi lễ hết sức đặc sắc và độc đáo của người Mông Si Suối Giàng. Lễ hội tích hợp nhiều yếu tố văn hóa bản địa, thấm đượm các giá trị nhân văn, được tổ chức nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
(Nguồn báo Yên Bái)
Gợi ý 11+ những điểm du xuân ở Hà Nội, miền Bắc Việt Nam
Khác biệt món Tết 3 miền
Lợi ích từ việc đầu tư định cư tại nước ngoài
Hiện nay, rất nhiều doanh nhân hay người Việt Nam có điều kiện đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ng ...
'Đánh rơi' yêu thương ở miền cao Y Tý
Ở miền cao Y Tý, mây quấn núi, núi ấp ôm mây… đẹp như một giấc mơ mà ai cũng muốn một lần “chạm” đến ...
Khám phá Măng Đen - 'Đà Lạt thứ 2' ở Tây Nguyên
Tây Nguyên - vùng đất đầy nắng và gió với thảo nguyên bạt ngàn, dãy đồi trập trùng vô tận, vườn trà, ...
Chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du ...
Những trải nghiệm mới khi du lịch Đài Loan
Kết hợp giữa cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, thời gian gần đây, Đài ...
Nét đẹp văn hóa Hoàng Su Phì
Ngoài Đồng Văn, Hà Giang còn có Hoàng Su Phì thơm ngọt mùa lúa và ẩn chứa kho tàng văn hóa đặc sắc. ...