Với “đất thánh” Jerusalem, một ngày “đi bụi” chẳng thể cảm nhận hết sự huyền bí, lịch sử hơn 5.000 năm dằng dặc đã trôi qua. Nhưng bạn và tôi cứ nên đi, để có thể cảm nhận được từng viên đá ở đây cất lời của lịch sử, từng gốc cây ô liu hát lời của gió huyền hoặc. Jerusalem luôn luôn bí ẩn. Đó cũng là lý do vì sao giữa chiến địa, Jerusalem vẫn rất hấp dẫn du khách.
Khách sạn đá 500 năm tuổi
Khách sạn Citadel Youth Hostel nằm tại cửa Jaffa, một trong 8 chiếc cổng mở vào thành cổ Jerusalem huyền thoại. Vừa chui qua một cái cửa gỗ bé xíu, tôi đã được ngập ngay vào một luồng không khí mát mẻ, thoang thoảng mùi hương trầm. Trước mắt tôi là một căn phòng bé xíu, trần đá thấp lè tè, một bộ bàn ghế cũng bằng đá phủ thảm len đỏ kê sát vách. Đứng sau quầy tiếp tân là một chàng trai dáng thư sinh nhờ cặp kính trắng to đùng trên khuôn mặt trắng trẻo. Thấy chúng tôi tỏ ra bất ngờ về vẻ khác biệt của khách sạn, anh cho biết khách sạn “già” đến 500 tuổi, trước chủ yếu dành cho các lái buôn đến từ các nước Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ ở mỗi khi đến thành Jerusalem buôn bán.
Nay khách sạn đã được tân trang đưa vào những thiết bị hiện đại như phòng tắm, bồn rửa mặt,chủ yếu dành cho cánh thanh niên “ ba lô” tiền túi không được rủng rỉnh cho lắm. Tôi, anh Tri Bunchua làm việc cho Vụ Quan hệ Cộng đồng của Chính phủ
Thái Lan và chị Weiwei Lu, biên tập viên của Đài Truyền hình Thượng Hải, quyết định thuê chung một phòng cho rẻ. Phương châm đặt ra là “đi càng nhiều càng tốt, tiêu càng ít càng tốt”. Nở nụ cười dễ thương, chàng tiếp viên cho biết giá phòng cho ba người là 280 shekel (1 shekel xấp xỉ 5.000 đồng VN). Thế là cũng mất kha khá rồi. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi đành chấp nhận. Có lẽ so với các khách sạn ở vùng đất đắt đỏ này thì giá như vậy cũng là tạm ổn. Tôi cảm thấy như đang ở trong một bộ phim của thế kỷ 15 khi trèo lên những bậc thang cheo leo bằng đá để tới căn phòng ở tầng hai. Một bức tranh vẽ thiếu nữ xinh đẹp, ngực để trần treo gần sát trần. Anh tiếp tân cho biết, đồ dùng trong phòng đều có niên đại cổ xưa, rồi chỉ cho chúng tôi xem chiếc bàn bằng đồng, trông giống một cái mâm trên để một chiếc bình gốm vẽ hoa xanh. Ở một góc phòng là chiếc buồng tắm mới được làm thêm bé đến mức một người có tầm vóc trung bình cũng khó chui lọt.
Tại nơi lễ tân của khách sạn 500 tuổi Citadel Youth
Đêm tháng 6, thành Jerusalem lành lạnh trong bầu không khí huyền diệu cổ tích. Tưởng như lịch sử 5.000 năm của thành phố với hàng trăm cái tên và hàng ngàn khuôn mặt khác nhau không thay đổi. Chúng tôi bị đánh thức bởi hàng ngàn tiếng kinh cầu buổi sáng của các tín đồ, âm vang giữa những tầng đá trên những con ngõ nhỏ của thành cổ. Thoảng trong gió tiếng chuông nhà thờ kính coong đều đặn.
Bức tường than khóc
Thành cổ Jerusalem rộng xấp xỉ 850 dunam (1 dunam bằng 1.000 m2) bao bọc bằng những phiến đá xám khổng lồ, nằm thoai thoải trên một vùng cao nguyên rộng lớn. Những bức tường đá được xây từ năm 1536 đến 1539 dưới thời vua Suleiman vĩ đại. Thành được chia thành 4 khu mang đặc tính riêng là khu Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Armenia và Do Thái.
Ăn vội vàng mấy miếng felafel thơm ngậy mua tại một cửa hàng trên phố gần cổng Jaffa, chúng tôi rảo bước tới cổng Dung (The Dung Gate), chiếc cổng hẹp và nhỏ đến mức chỉ một con lừa chui lọt để đến Bức tường Tây (West Wall) nằm trên ngọn đồi ở khu Do Thái ở Đông Nam Jerusalem. Chúng tôi phải chen qua những dòng khách
du lịch đang đi mua sắm ở các cửa hàng dọc theo những con phố đốc đứng. Hàng lưu niệm nhiều vô kể, những sạp hàng bày đầy những chiếc thánh giá bằng gỗ ô liu, những viên đá quý đủ màu sắc, những tấm khăn choàng Thổ Nhĩ Kỳ...
Lịch sử thành Jerusalem là những cuộc chiến tranh, thôn tính, tàn phá và xây dựng lại. Đế chế La Mã, Byzantine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ottoman, Anh đều đã đặt chân đến mảnh đất này. Có lẽ ít có nơi nào trên thế giới lại chứng kiến sự biến thiên cũng như sự cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo như mảnh đất này. Mỗi viên đá của thành Jerusalem như đều có đời sống riêng của chúng. Chúng có thể cất tiếng cười, chia sẻ niềm vui, sự cay đắng, mất mát với các dân tộc đến sinh sống tại vùng đất này.
Đối với người Hồi giáo, Jerusalem là miền đất thánh thứ ba, sau Mecca và Medina, nơi Mohammed đã hạ giới. Người Thiên Chúa giáo gắn Jerusalem với những năm cuối đời của Chúa Jesus - nơi Chúa đã giảng đạo, bị đóng đinh trên cây thập giá và phục sinh. Người Do Thái giáo thì coi Jerusalem là nơi khai nguồn tôn giáo của họ.
Theo truyền thuyết, bức tường là phần còn lại của ngôi đền thứ nhất nơi vua Herod đã cho xây dựng cung điện của mình vào cuối thế kỷ đầu tiên trước Công nguyên trên Đồi Temple. Bức tường tâm linh của người Do Thái còn có tên là Wailing Wall (Bức tường than khóc), là nơi người Do Thái than khóc cho ngôi đền do vua David và con trai ông vua Solomon bị phá hủy năm 70 sau Công nguyên. Giờ đây Wailing Wall trở thành nơi hành hương, cầu nguyện, cũng như tổ chức các lễ hội công cộng thiêng liêng của người Do Thái.
Mặt trời lên cao, tỏa ánh nắng rực rỡ. Từng đoàn người lũ lượt đi về phía Bức tường thiêng liêng, nơi họ có thể viết những lời cầu nguyện trên những mảnh giấy trắng nhỏ xíu và ghim vào những khe đá. Một người mẹ tóc bạc trắng, dáng nhỏ nhắn, gục đầu thì thầm cầu nguyện bên khối đá. Một nhóm các cô gái to cao, mặc quân phục, mang súng - hình ảnh đã trở nên quen thuộc ở Israel - chen vào cầu nguyện.
Trong dòng người vô tận đó, thỉnh thoảng lại xuất hiện những chiếc xe quân sự, được trang bị đến tận răng cùng những người lính kè kè súng đạn. Chiến tranh có thể là rất gần mà cũng có thể không bao giờ xảy ra và dòng người vẫn tiếp nối về hành hương nơi đất thánh. Theo luật do thị trưởng Jerusalem đặt ra, bất cứ du khách nào đi vào vùng đất thánh đều phải ăn mặc nghiêm chỉnh, không được mặc quần sóoc, áo không cổ. Tôi chen vào phần dành cho phụ nữ- theo tục lệ Do Thái - viết những lời cầu chúc an lành vào một mảnh giấy nhỏ và trân trọng cắm vào khe đá.
Lễ Mitzwah
Một đám rước kèn trống vang lừng theo sau một chú bé mặc trang phục lộng lẫy màu xanh ngọc, đầu đội mũ kippa trắng, tay cầm một chiếc túi to đựng nhiều loại bánh đang từ từ tiến vào. Tôi hỏi chuyện một cô bé có cặp mắt to mầu nâu, đang kiễng chân qua hàng rào ngăn cách giữa hai khu nam-nữ, thích thú theo dõi đám rước. Cô bé cho biết đó là lễ Bar- Mitzwah (với nữ là Bath-Mitzwah), dành cho những cậu bé bước vào tuổi trưởng thành (13 tuổi) và được tổ chức vào sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần ở Bức tường phía Tây. Chú bé đang cố hết sức vác một cái giá to, vừa đi vừa đọc kinh Torah để chứng tỏ mình đã là người lớn sau giây phút đáng nhớ này.
Đứng từ núi Olives có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành cổ với ngọn tháp ngôi Đền Vàng (The Dome of the Rock), niềm tự hào của Jerusalem, lấp lánh dưới nắng hè. Khu đền thờ tuyệt đẹp này được vua Omayad Khalif xây vào năm 691 sau Công nguyên. Bước chân chúng tôi vẫn mềm dẻo trên những phiến đá. Để đến được ngôi đền thật không dễ dàng ở vào thời điểm nhạy cảm hiện nay. Với tấm bản đồ Jerusalem trong tay, chúng tôi tiếp tục đi qua những cửa hàng bán rau quả tươi, đồ lưu niệm, những con đường chằng chịt như mắc cửi để đến cửa Vàng (Golden Gate), nơi nằm sát khu Đền Vàng. Chiếc cổng làm bằng một tấm gỗ khổng lồ màu xanh xỉn được những thương lái buôn vải xây từ những năm 70 của thế kỷ 14, là nơi gần nhất để đến Đền Vàng.
Tiếng rao hàng, mặc cả bằng nhiều ngôn ngữ xôn xao. Hai cảnh sát mặt lạnh như tiền, kiên quyết không cho chúng tôi qua và chỉ vào bản đồ một con đường khác và cho biết dù có đến khu Đền Vàng, chúng tôi cũng không thể vào trong được. Tôi giơ máy ảnh lên định chụp thì tay cảnh sát đã làm hiệu không được. Một đám trẻ em chạy vượt qua chúng tôi, hiếu kỳ quay lại nhìn. Khu Đền Vàng yên ắng khác với sự tưởng tượng của chúng tôi. Đây đó, một số du khách vừa chụp hình vừa ngắm nghía các công trình kiến trúc được vua Omayad Khalif xây năm 691 sau Công nguyên.
Những bức tường khảm đá hoa cương, những cửa sổ chạm khắc muôn màu cùng những viên đá xanh vàng lấp lánh là hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi đến khu Đền Vàng. Một chú bé gốc Ả Rập chìa cho tôi xem những tấm bưu ảnh về khu đền, xòe 5 ngón tay ra hiệu. Nhìn chú bé dễ thương, tôi đưa 5 shekel để mua tấm bưu ảnh. Tôi định đưa máy ảnh cho chú bé nhờ chụp ảnh thì nhận được cảnh báo từ bạn đồng nghiệp là không được đưa cho người lạ nếu không muốn bị mất máy giữa hun hút những khu đền đài.
Chiều xuống, những chiếc chuông gió làm bằng thủy tinh màu xanh đung đưa trong gió trước tháp David nơi có những cây ô liu hàng trăm tuổi đứng trầm mặc. Ngọn tháp giờ đã trở thành Viện Bảo tàng lịch sử Jerusalem.
Một ngày ở thành Jerusalem thật quá ngắn ngủi. Chúng tôi thầm mong có được nhiều ngày thả bộ trên những con đường đá quanh co của thành cổ Jerusalem, tận hưởng niềm hạnh phúc miên man, cảm xúc vô tận ở vùng đất huyền thoại cổ xưa.
Bài và ảnh: Bích Diệp
Nguồn: báo Người Lao Động